Có thù nên báo hay không?

TS PHẠM HOÀI HUẤN 06/08/2020 15:19

Trong cuộc đời chắc cũng có vài khi bị người khác chơi xấu hoặc bị đẩy vào những khó khăn, vất vả. Cảm nhận của bạn lúc đó thế nào? Nhưng đời có mấy ngày vui, tội vạ gì mà nuôi sự thù hận?

dfhjyyj

Lựa chọn cho mình một thái độ để sống, không phải dễ

Về mặt cảm nhận, chúng ta đều thấy những nỗi đau trước những mất mát, khó khăn hoặc thất bại. Nhưng câu hỏi tiếp theo quan trọng hơn là bạn có nung nấu ý định trả thù hay không?

Để tôi kể bạn nghe một chuyện. Số là nhiều năm trước, tôi bị một người đẩy vào một hoàn cảnh thật sự rất tuyệt vọng. Lúc đó tôi hoảng hốt, bấn loạn, và thành thực mà nói là tôi muốn bỏ cuộc. Tôi thấy cuộc đời u tối, bi kịch quá. Khi đứng trước ranh giới đi tiếp & bỏ cuộc, tôi nhận được một tin nhắn từ mentor “ bản lãnh của một thằng đàn ông được thể hiện qua cách mà họ đối diện với khó khăn như thế nào. Em muốn em là người như thế nào, thì em cứ lựa chọn”.

Hôm ấy, tôi đi uống craft beer, nghe nhạc. Tôi biết, tôi sẽ không chọn là một tên thất bại. Nhưng cũng từ giấy phút ấy, tôi đã thề với lòng, kẻ đã gây ra ngang trái kia, phải trả một cái giá rất đắt. Lòng tôi nung nấu ý định báo thù, có nghĩa là làm cho tên khốn nạn đưa mình vào nghịch cảnh, phải cảm nhận hết tất cả những nỗi đau mà hắn đã gây ra.

Trump đã có lần thể hiện quan điểm rất rõ ràng về vấn đề này. Có oán là phải báo! Phải làm cho tên khốn ấy lên bờ xuống ruộng. Bởi theo Trump, nếu có thù mà không báo, thì đời ta sẽ không bao giờ yên ổn. Bởi sẽ có rất nhiều kẻ đang tâm hãm hại ta, nếu việc hãm hại ấy, sau tất cả, sẽ không bị bất kì tổn thất nào. Đời nhiều khi đau đớn là có những kẻ coi việc hãm hại người khác như một thú vị, không nhất thiết là nó phải được thúc đẩy bởi một lợi ích nào, đau là ở chỗ đó.

Nghịch cảnh luôn tạo ra nỗi đau. Điều đó không có gì phải bàn cãi. Nhưng việc phản ứng với người tạo ra nghịch cảnh đời ta, nó sẽ quyết định ta là người như thế nào. Phản ứng thông thường đó là PHẢI TRẢ THÙ. Nó là một điều thuận với tự nhiên, thậm chí trong vài trường hợp, nó có tác dụng vuốt ve cái tôi kiêu hãnh, vuốt ve nỗi đau đang âm ỉ trong ta.

Tuy vậy, khi chọn trả thù, có mấy điều sau có thể xảy ra:

Một: Đời ta, thật ra chả vui sướng gì. Lòng cứ nung nấu ý định trả thù, tâm trạng ta không thoải mái.

Hai: Xét về mặt sử dụng thời gian thay vì dành thời gian để yêu thương những người cần yêu thương, làm những điều có ích cho các mục tiêu cuộc đời, ta lại dành thời gian cho kẻ thù.

Ba: Mình có còn là chính mình hay không? Mục tiêu đời ta có phải là để trở thành một kẻ nhỏ mọn, tầm thường?

Tôi thích quan niệm của Michelle Obama “when they go low, we go high”. Khi kẻ thù chơi bẩn, mình hãy chơi thật đẹp xem nào. Ta sẽ tự phân loại mình vào nhóm cao hơn kẻ ấy một bậc.

Nói như thế để thấy, lựa chọn cho mình một thái độ để sống, không phải dễ. Bởi sống cao thượng hay sống hằn học, đều có những kiểu mẫu thành công của nó. Vấn đề, chúng ta là những con người bình thường, mình nên học theo cái nào?

Tôi đã bỏ qua cho kẻ kia, đời có mấy ngày vui, tội vạ gì mà nuôi sự thù hận. Cứ sống tử tế, cao xanh ắt an bài, nhể.

Có thể bạn quan tâm

  • COVID-19: Mùa của quan tâm, yêu thương!

    COVID-19: Mùa của quan tâm, yêu thương!

    08:00, 01/08/2020

  • Đã khi nào bạn định giá hạnh phúc bao nhiêu chưa?

    Đã khi nào bạn định giá hạnh phúc bao nhiêu chưa?

    12:00, 15/06/2020

TS PHẠM HOÀI HUẤN