Vùng nguyên liệu sữa giúp Vinamilk dẫn đầu thị trường sữa tươi
Việc đầu tư dài hạn vào phát triển vùng nguyên liệu sữa bò theo chuẩn quốc tế là nội lực giúp doanh nghiệp dẫn đầu thị trường sữa tươi nhiều năm liền.
Theo báo cáo mới nhất của Nielsen Vietnam, Vinamilk tiếp tục dẫn đầu thị trường với sản phẩm Sữa tươi 100% và toàn ngành hàng sữa nước. Điều gì giúp Vinamilk giữ vững “ngôi đầu bảng” trong bối cảnh thị trường sữa càng “sôi động”?
Không có sự thay đổi về vị trí dẫn đầu phân khúc sữa tươi
Theo kết quả nghiên cứu thị trường mới nhất của Nielsen Việt Nam, sản phẩm Sữa tươi 100% Vinamilk vẫn tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu trong phân khúc này về cả sản lượng lẫn doanh số bán ra trong 12 tháng liên tiếp (từ tháng 3/2018 đến tháng 2/2019). Ngoài ra, những sản phẩm khác trong ngành hàng sữa tươi của thương hiệu này như Sữa tươi 100% Organic, Sữa tươi 100% A2... cũng được đánh giá là tiên phong trong ngành sữa tại Việt Nam.
Với một doanh nghiệp đầu ngành có hơn 42 năm phát triển, việc dẫn dắt ở một hay một vài phân khúc ngành hàng không phải là câu chuyện quá đặc biệt. Tuy nhiên, nếu nhìn lại xuất phát điểm và bối cảnh cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt, điều này cho thấy một quá trình chuẩn bị có chiến lược và sự đầu tư phát triển không ngừng nghỉ.
Chiến lược mang tên “bò sữa”
Vinamilk ra đời sau giải phóng 1976, trên cơ sở tiếp quản nhà máy sữa Thống Nhất, nhà máy sữa Trường Thọ và nhà máy sữa bột Dielac. Dù đã có 3 nhà máy hoạt động, ngành công nghiệp chế biến sữa của Việt Nam lúc bấy giờ gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu ngoại nhập. "Lúc bấy giờ, động lực lớn nhất mà tất cả nhân viên Vinamilk đã dồn tâm trí và sức lực xây dựng ngành sữa Việt Nam chính là làm sao để tạo nguồn dinh dưỡng phát triển thể lực trí tuệ, tầm vóc thế hệ trẻ. Điều đó đã luôn thôi thúc chúng tôi tiếp tục lao động, sáng tạo trong hơn 43 năm qua", CEO của Vinamilk, Bà Mai Kiều Liên chia sẻ.
Để phát triển, Ban lãnh đạo Vinamilk nhìn nhận việc chủ động nguyên liệu là một trong những chiến lược then chốt. Cuộc "Cách mạng trắng" năm 1991 là nỗ lực đầu tiên của công ty nhằm xây dựng vùng nguyên liệu nội địa. Giải pháp trọng tâm là hỗ trợ các hộ nuôi bò đầu tư con giống, kỹ thuật chăn nuôi, thú y; thu mua sữa với giá cao; đồng thời đứng ra bảo lãnh cho các hộ vay vốn mua cổ phần nhằm tạo sự gắn bó với công ty...
Hành trình xây dựng vùng nguyên liệu sữa bắt đầu từ đó, và đến nay, doanh nghiệp này đã sở hữu hệ thống 12 trang trại chuẩn quốc tế và liên kết với hàng ngàn nông hộ chăn nuôi bò sữa để chủ động hơn về sữa tươi nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp. Tổng đàn bò cung cấp sữa cho Vinamilk đạt xấp xỉ 130.000 con, với sản lượng sữa tươi nguyên liệu một ngày 950-1.000 tấn, đáp ứng năng lực sản xuất khoảng 5,5 triệu hộp sữa tươi mỗi ngày (hộp 180ml).
Đơn vị còn từng bước nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu nội địa, thông qua việc ứng dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quản lý và chăn nuôi bò sữa. Cụ thể, trong 12 trang trại của doanh nghiệp thì có 10 trang trại đạt chuẩn Global G.A.P, với toàn bộ bò giống nhập khẩu từ Australia, Mỹ, New Zealand và 2 trang trại theo chuẩn hữu cơ châu Âu. Vinamilk hiện đang sở hữu hệ thống trang trại bò sữa chuẩn Global G.A.P lớn nhất châu Á về số lượng trang trại.
Điểm đặc biệt khác trong phát triển vùng nguyên liệu của Vinamilk là thay vì tập trung tại một địa phương, doanh nghiệp đầu tư hệ thống trạng trại trải rộng trên khắp đất nước, để kết nối với hệ thống 13 nhà máy. Điều này sẽ khiến công ty phải đầu tư nhiều hơn về quản lý, vận hành cả hệ thống nhưng bù lại giúp công ty đảm bảo nguồn sữa tươi nguyên liệu từ các trang trại được vận chuyển đến các nhà máy nhanh chóng nhất. Nhờ đó, sữa giữ được vị thơm ngon và các chất dinh dưỡng.
Đầu tư để duy trì lợi thế canh tranh
Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, sản lượng sữa tươi sản xuất trong nước sẽ đạt một tỷ lít, đáp ứng 38% nhu cầu tới năm 2020 và 1,4 tỷ lít đáp ứng 40% nhu cầu tới năm 2025. Còn theo tính toán của Euromonitor, mức tiêu thụ trung bình các sản phẩm sữa của người Việt trong năm 2018 vào khoảng 19kg mỗi người một năm. Đây là mức khá thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan hay Hàn Quốc...
Điều này cho thấy, xu hướng tiêu dùng sữa tươi của người Việt Nam sẽ còn gia tăng trong thời gian tới. Hơn nữa, khi đời sống kinh tế phát triển, người tiêu dùng đang quan tâm nhiều hơn về chất lượng và an toàn cho sức khỏe, đặc biệt đối với các sản phẩm dinh dưỡng như sữa. Thị trường sữa tại Việt Nam vẫn tiếp tục mở rộng, mức độ sẵn sàng chi trả cho sản phẩm dinh dưỡng tăng đã trở thành lực hút hấp dẫn cho các doanh nghiệp mới gia nhập và cả các đơn vị có tiềm lực tài chính mạnh mẽ từ nước ngoài. Ngoài ra, Việt Nam gia nhập sâu và rộng hơn vào các hiệp đinh kinh tế khu vực và thế giới cũng đặt ra không ít áp lực cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Do đó, dù hiện sở hữu nền tảng tương đối vững chắc, nhưng lãnh đạo Vinamilk cho biết việc duy trì vị thế dẫn đầu không hề đơn giản, và cần có chiến lược để duy trì và phát huy lợi thế cạnh trạnh.
Với định hướng phát triển sản phẩm theo xu hướng dinh dưỡng tiên tiến trên thế giới như Organic, A2..., không nằm ngoài chiến lược mang tên “bò sữa”, Vinamilk đã cho thấy hàng loạt sự đầu tư của họ vào các dự án trang trại bò sữa công nghệ cao tại Cần Thơ, Quãng Ngãi… và mở rộng đầu tư qua Lào để xây trang trại bò sữa organic quy mô đến 5000ha.