Xuất khẩu gạo dự báo tiếp tục gặp khó

Thu Hoài 26/06/2019 01:03

Mặc dù các điều kiện kinh doanh được "nới lỏng", tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp tham gia, nhưng tình hình xuất khẩu gạo vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.

xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục phải đối mặt với những thách thức mới do nhu cầu thắt chặt của các thị trường ngày càng nhiều

Xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục phải đối mặt với những thách thức mới do nhu cầu thắt chặt của các thị trường ngày càng nhiều

Sụt giảm cả lượng và kim ngạch

Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu gạo trong 6 tháng qua của Việt Nam đã gặp không ít thách thức. Cụ thể, theo dự báo tháng 6 của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), nguồn cung thóc, gạo thế giới tăng do sản lượng gạo của các nước sản xuất lớn tăng như Thái Lan tăng 138.000 tấn so với năm trước, Ấn Độ tăng 2,87 triệu tấn, Campuchia tăng 79.000 tấn; cùng với yếu tố giảm nhập khẩu từ các thị trường nhập khẩu lớn như: Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh dẫn đến kết quả xuất khẩu gạo của 3 nước xuất khẩu hàng đầu là Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam đều khá ảm đạm.

Với Việt Nam, cùng kỳ 5 tháng 2018 xuất khẩu sang 3 thị trường này đạt 1,44 triệu tấn thì con số năm 2019 chỉ là 239 nghìn tấn. Giá gạo xuất khẩu trung bình 5 tháng đầu năm khoảng 427,5 USD/tấn, giảm khoảng 76,8 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2018.

Có thể bạn quan tâm

  • Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang Philippines

    Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang Philippines

    15:15, 09/05/2019

  • Xuất khẩu gạo sang Philippines thêm nhiều quy định mới

    Xuất khẩu gạo sang Philippines thêm nhiều quy định mới

    11:23, 26/04/2019

  • Mục tiêu bám đuổi của xuất khẩu gạo

    Mục tiêu bám đuổi của xuất khẩu gạo

    02:52, 21/11/2018

  • Cách nào hóa giải khó khăn khi xuất khẩu gạo sang Trung Quốc?

    Cách nào hóa giải khó khăn khi xuất khẩu gạo sang Trung Quốc?

    01:18, 06/11/2018

Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, công tác điều hành xuất khẩu gạo vẫn được Bộ Công Thương bám sát tốt mục tiêu thu mua thóc gạo vụ Đông Xuân cho nông dân và đảm bảo lợi ích người trồng lúa theo chính sách hiện hành. Đồng thời, đối với các đợt thầu Chính phủ - tư nhân (G2P), chủ trương của Bộ Công Thương là cho phép tất cả các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo được tham gia và kịp thời công bố thông tin về các đợt đấu thầu của các nước trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua Hiệp hội Lương thực Việt Nam tới các doanh nghiệp.

Song song với việc thông tin về các đợt đấu thầu, Bộ Công Thương cũng chủ động cung cấp thêm thông tin về tình hình cung cầu gạo trong nước và thế giới, cảnh báo tới các doanh nghiệp để các doanh nghiệp có quyết định bỏ thầu đúng đắn, bảo đảm hiệu quả xuất khẩu gạo và uy tín xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Về chính sách, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành 3 chính sách lớn là: Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030; Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Nghị định quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Trong đó, Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo được ban hành với việc nới lỏng các điều kiện kinh doanh, xuất khẩu gạo so với Nghị định 109/CP trước đây, mở rộng và tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo nên được nhiều người quan tâm đón nhận, và kỳ vọng nó sẽ là "làn gió" mới thúc đẩy ngành gạo xuất khẩu của Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, ngay cả với người nông dân, các hợp tác xã hay doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Nghị định 107 vẫn được đánh giá là chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng.

Lắng nghe tín hiệu từ thị trường

Dự báo về thị trường các tháng tới, Bộ Công Thương cho hay, xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục phải đối mặt với những thách thức mới do nhu cầu thắt chặt của các thị trường ngày càng nhiều. Sau 1 thời gian giá tốt thì người nông dân trên toàn thế giới sẽ tăng sản xuất, do đó sản lượng tăng và giá sẽ giảm. Đặc biệt, Trung Quốc đang có lượng gạo tồn kho lớn và dự báo sẽ giải phóng với mức giá rẻ hơn, cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam ở một số thị trường.

Bên cạnh khó khăn khách quan, trong nội tại ngành lúa gạo của Việt Nam cũng có không ít bất cập cần sớm giải quyết. Ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An chỉ ra, lâu nay ngành sản xuất lúa gạo được làm tới 4 vụ, lại làm theo mô hình cánh đồng lớn dẫn đến chi phí cao, cần kho và số vốn lớn để dự trữ khi phải thu hoạch đồng loạt. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tính toán lại thời vụ sao cho khoa học hơn để giảm thiểu những chi phí này.

Còn theo ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp CNC Trung An, việc tìm giải pháp cho xuất khẩu lúa gạo phát triển bền vững không thể ngày một ngày hai. Giải pháp duy nhất là thực hiện liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân để đảm bảo nông dân sản xuất theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Theo ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương, nhiệm vụ còn lại của năm 2019 còn rất nặng nề, trong đó có việc tiêu thụ hết lúa vụ Hè Thu cho nông dân.

Các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo phải có sự linh hoạt cao độ trong đi tìm thị trường mới để thay thế những thị trường giảm nhập khẩu. Cơ cấu gạo xuất khẩu cũng thay đổi để thích nghi với thị trường mới. Hướng đến mục tiêu cơ bản nhất là thông qua xuất khẩu, hỗ trợ tiêu thụ hết lúa hàng hóa cho nông dân với mức giá có thể bảo đảm lợi ích cho nông dân” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

Thu Hoài