Xuất khẩu cá tra: Liên kết để phát triển bền vững
Mặc dù là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm nông lâm thủy sản nhưng năm nay, kim ngạch xuất khẩu (XK) cá tra gặp nhiều khó khăn, suy giảm mạnh.
Kim ngạch xuất khẩu suy giảm
Sau năm 2018 đạt thành tích cao về nhiều mặt, bước sang năm 2019, ngành cá tra Việt Nam đối mặt với sự sụt giảm mạnh cả về giá nguyên liệu, sản lượng, diện tích nuôi và kim ngạch xuất khẩu.
Theo thống kê của Hiệp hội Cá tra Việt Nam tính đến cuối tháng 10/2019, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt trên 1,6 tỉ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường xuất khẩu cá tra chủ yếu của Việt Nam là Trung Quốc- Hồng Kông với kim ngạch đạt 522 triệu USD, chiếm 32% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành; Mỹ đạt 233 triệu USD, chiếm 14%; Liên minh châu Âu (EU) đạt 204 triệu USD, chiếm 13%; ASEAN đạt 164 triệu USD, chiếm 10% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành...
Đáng chú ý, kim ngạch XK sang thị trường Mỹ đã giảm 44,4%, Brazil 26,4% và Colombia giảm 21,4%... Kết quả này phản ánh tình hình thị trường cũng như các rào cản thương mại đã tác động đến các doanh nghiệp ngành cá tra xuất khẩu của Việt Nam ngay trong ngắn hạn, buộc các doanh nghiệp phải có sự điều chỉnh phù hợp hơn trong thời gian tới.
Nguyên nhân khiến kim ngạch XK mặt hàng này giảm mạnh là do sự suy giảm khi xuất khẩu sang 2 thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc. Cụ thể, nếu như trước đây, Trung Quốc cho phép nhập khẩu tiểu ngạch nên cá tra Việt Nam đã xuất khẩu nhiều sang thị trường này.
Tuy nhiên, năm nay Trung Quốc siết chặt nhập khẩu, yêu cầu hàng phải xuất chính ngạch, cùng những tiêu chuẩn không thấp hơn các nước khu vực châu Âu khiến xuất khẩu cá tra gặp khó. Cá tra Việt cũng gặp nhiều rào cản về kỹ thuật và thương mại từ thị trường Mỹ. Chưa kể, thị trường này còn muốn đa dạng hóa nguồn cung từ nhiều thị trường khác Việt Nam.
Kỳ vọng nào cho thời gian tới?
Xuất khẩu cá tra năm 2020 sang thị trường Mỹ dự báo có thể phục hồi khi mức thuế chống bán phá giá cá tra được đưa về mức 0 USD/kg.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ, cùng với giảm thuế, việc Cục Kiểm tra an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ công nhận hệ thống kiểm tra, kiểm soát sản phẩm cá và cá Siluriformes XK của Việt Nam tương đương với Mỹ gần đây là một tín hiệu đáng mừng cho ngành cá tra xuất khẩu của chúng ta.
Theo thống kê của VASEP, hiện doanh số xuất khẩu đi Mỹ mới chỉ dừng ở mức khoảng 300 triệu USD so với mức hơn 2 tỷ USD của toàn ngành. Đây là mức không cao song Mỹ vẫn được đánh giá là thị trường rất tiềm năng.
Do đó, VASEP cho rằng việc công nhận hệ thống kiểm tra, kiểm soát sản phẩm cá và cá Siluriformes xuất khẩu của Việt Nam tương đương với Mỹ sẽ là một trong những yếu tố tích cực giúp ngành cá tra kiểm soát chất lượng tốt hơn, từ đó gia tăng kim ngạch vào thị trường này.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã được bổ sung thêm doanh nghiệp (DN) đăng ký XK cá tra vào Mỹ (hiện nay là 13 DN) và quan trọng hơn là tạo niền tin cho nhà nhập khẩu phía Mỹ. Điều này giúp gia tăng sản lượng, giá trị xuất khẩu cá tra vào thị trường này trong những tháng cuối năm 2019 và năm 2020.
Dù đón nhận không ít thông tin khả quan, tuy nhiên, để đảm bảo xuất khẩu ổn định, bền vững sang Mỹ hay nhiều thị trường khác, ngành cá tra còn không ít việc phải làm.
Cụ thể, sau khi công nhận tương đương, Bộ Nông nghiệp Mỹ tiếp tục giám sát, định kỳ thanh tra lại Hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm chuỗi sản xuất kinh doanh cá tra Việt Nam.
Do vậy, muốn duy trì việc công nhận và mở rộng xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường khác, Việt Nam cần tiếp tục rà soát hoàn thiện và triển khai hệ thống chính sách pháp luật và tổ chức tốt việc thực thi Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh cá tra tiêu dùng rong nước và xuất khẩu.
Ngoài tín hiệu đáng mừng từ Mỹ, một số chuyên gia đánh giá, điểm nghẽn lớn nhất của ngành nuôi, chế biến, XK cá tra hiện nay là thiếu sự liên kết giữa người nuôi và DN, giữa các DN với nhau và cả liên kết vùng. Ngành cá tra vẫn hoạt động theo kiểu “mạnh ai nấy làm” nên không thể kiểm soát được sản lượng, dẫn đến dư thừa khi có biến động.
Có thể bạn quan tâm
Kỳ vọng xuất khẩu cá tra sẽ hồi phục trong năm 2020
16:03, 11/12/2019
Việt Nam đã tự tin khi xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ?
05:00, 11/11/2019
Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Đức cần kiểm soát dư lượng chlorate
00:00, 06/11/2019
Sự cạnh tranh trên thị trường cá tra ngày càng khốc liệt khi Trung Quốc, Ấn Độ đều đầu tư công nghệ cao để chủ động nuôi cá tra. Cùng với đó, tiêu chuẩn nhập khẩu cá tra của Trung Quốc đến nay đã không khác tiêu chuẩn của Mỹ hay EU là mấy.
Vì vậy, để phát triển ổn định, giữ vững thị trường, các chuyên gia cho rằng, không còn cách nào khác, các DN phải đổi mới công nghệ, quản trị DN tốt, không chạy theo sản lượng mà nâng cao chất lượng. Ngoài ra, mấu chốt vấn đề vẫn là đẩy mạnh nuôi trồng có sự liên kết chặt chẽ theo tiêu chuẩn quốc tế, có thể truy xuất được nguồn gốc, từ đó giúp sản phẩm tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Các địa phương phát triển mặt hàng cá tra được khuyến cáo cần xem khâu giống là khâu quan trọng hàng đầu. Cùng với đó, địa phương phải tăng cường sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, ứng dụng công nghê tiên tiến, gia tăng giá trị... tận dụng tốt lợi thế từ việc Mỹ công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam XK để phát triển, mở rộng thị trường.