Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá thế nào là hợp lý?

Nguyễn Thành 16/12/2020 07:06

Giới chuyên gia tại Việt Nam cho rằng việc tăng thuế thuốc lá được cho là sẽ góp phần giảm tiêu thụ thuốc lá, tăng nguồn thu cho ngân sách đồng thời hạn chế được tình trạng buôn lậu.

Giá thuốc lá ở Việt Nam còn quá rẻ

Ông Đào Thế Sơn - đại diện Liên minh Quốc tế phòng chống lao và bệnh phổi- đánh giá, hiện giá thuốc lá tại Việt Nam quá rẻ. Cụ thể, bình quân mỗi bao thuốc lá chỉ có giá khoảng 12.000 đồng - Đây là con số rất thấp nếu so với với các nước khác trên thế giới. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam ngày một cải thiện nên so với thu nhập thì giá thuốc ngày càng rẻ.

Việc giá thuốc được cho là còn thấp dẫn tới tỷ lệ người hút thuốc tại Việt Nam ở mức cao. Theo những con số đã được cơ quan chức năng công bố, nước ta hiện đang nằm trong nhóm 15 quốc gia có số lượng người hút và nghiện hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Ước tính với số người trong khoảng từ 15 tuổi trở lên, trung bình cứ 2 nam giới sẽ lại có 1 người hút thuốc. Do đó, ông Sơn cho rằng, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với thuốc lá cao hơn, từ đó tác động tới giá thành bán lẻ thuốc tăng lên sẽ góp phần giảm tiêu dùng với mặt hàng này.

Đánh giá từ Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, trung bình khi giá thuốc lá tăng 10% sẽ làm giảm sử dụng thuốc lá khoảng 4% tại các nước có thu nhập cao và 5% tại các nước có thu nhập trung bình và thấp. Biện pháp giá có hiệu quả với nhóm thanh thiếu niên, ước tính khi giá thuốc lá tăng khoảng 10% thì sẽ giảm sử dụng thuốc lá khoảng 10% hoặc hơn ở nhóm trẻ tuổi. Bên cạnh lợi ích cơ bản là làm giảm sử dụng thuốc lá qua đó giảm bệnh tật, tử vong và gánh nặng kinh tế do việc sử dụng thuốc lá, tăng thuế thuốc lá còn giúp tăng ngân sách cho Nhà nước.

Đánh thuế như thế nào là hợp lý?

Liên quan đến việc đánh thuế TTĐB với thuốc lá như thế nào là phù hợp, Luật sư Nguyễn Quang Thịnh- Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết: Hiện trên thế giới có ba phương pháp đánh thuế TTĐB với thuốc lá gồm: thuế tuyệt đối, thuế theo tỷ lệ phần trăm và thuế hỗn hợp. Trong đó, thuế “tuyệt đối” là loại thuế thu một khoản tiền thuế nhất định trên mỗi đơn vị của sản phẩm như theo bao thuốc, theo trọng lượng, theo tút, theo điếu. Đây là hình thức mà Singapore và Philippines đang áp dụng.

Ở Philippines đang áp dụng thuế TTĐB thuốc lá theo hình thức thuế tuyệt đối. Phương pháp này giúp giảm các sản phẩm thuốc lá giá rẻ trên thị trường, qua đó làm giảm sử dụng thuốc lá ở trẻ em và thanh thiếu niên; đồng thời làm giảm nguy cơ chuyển giá giữa các nhà sản xuất và các công ty phân phối. Đặc biệt, doanh thu từ thuế thuốc lá đã tăng hơn gấp đôi trong vòng 1 năm, từ 680 triệu USD năm 2012 lên 1,66 tỷ USD năm 2013, mặc dù tiêu thụ giảm. Doanh thu thuế tiếp tục tăng lên thành 2,2 tỷ USD vào năm 2015. Phần lớn doanh thu thuế được nước này dành cho y tế, chủ yếu là vào chương trình bảo hiểm y tế quốc gia” -Luật sư Nguyễn Quang Thịnh cho hay.

Còn với hình thức thuế “tỷ lệ phần trăm” - nghĩa là được tính là tỷ lệ phần trăm theo giá của sản phẩm tại một thời điểm nhất định trong chuỗi cung ứng như giá xuất xưởng, giá bán buôn, hay giá bán lẻ. Ở Việt Nam đang tính theo hình thức này khi áp dụng thuế 75% trên giá xuất xưởng (tương đương 36% giá bán lẻ). Đó là chưa kể cách thực hiện này còn bộc lộ một số nhược điểm như: tăng nguy cơ chuyển giá của các nhà sản xuất, khuyến khích sự sẵn có của thuốc lá giá rẻ - qua đó tăng khả năng tiếp cận thuốc lá ở trẻ em và làm giảm hiệu quả của việc tăng thuế, vì người tiêu dùng dễ chuyển sang các thương hiệu giá rẻ hơn khi thuế tăng thay vì bỏ thuốc lá.

Chính từ những nhược điểm này trên toàn cầu số lượng các quốc gia áp dụng hệ thống đánh thuế theo tỷ lệ phần trăm đang ngày càng giảm xuống và có xu hướng chuyển đổi sang hệ thống thuế tuyệt đối hoặc thuế hỗn hợp. Cụ thể là số quốc gia áp dụng thuế theo tỷ lệ đã giảm từ 57 (năm 2008) xuống còn 46 quốc gia năm 2016 và số quốc gia áp dụng thuế hỗn hợp đã tăng từ 48 lên 61 trong cùng giai đoạn này. Với thuế tuyệt đối, cũng đã có 66 quốc gia áp dụng, trong khi trước đó là 48 quốc gia.

Từ kinh nghiệm của các nước, hiện Bộ Tài chính đang đề xuất đánh thuế TTĐB theo phương pháp hỗn hợp. Theo đó, thuế hỗn hợp là bên cạnh biểu thuế theo tỷ lệ hiện hành sẽ bổ sung ở mức thuế tuyệt đối khoảng 2.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu; 15.000 đồng/điếu xì gà. Việc này theo Bộ Tài chính nhằm đảm bảo thuế đẩy vào giá sản phẩm, đảm bảo thị trường cân bằng và giảm tiêu thụ của người dân.

Cùng với đó, việc kiểm soát thuốc lá nhập lậu cũng được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng như Bộ Công Thương, Hải quan thực hiện quyết liệt hơn. Chẳng hạn, mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 27/2020/QĐ-TTg, quy định danh mục hàng hóa không được gửi kho ngoại quan, có hiệu lực từ 15/11/2020. Theo đó, mặt hàng thuốc lá điếu, từ lá thuốc lá hoặc từ các nguyên liệu thay thế thuốc lá; thuốc lá điếu có chứa lá thuốc có nhãn hiệu 555, Esse không có xuất xứ Việt Nam sẽ không được gửi vào kho ngoại quan.

Ông Đào Thế Sơn - đại diện Liên minh Quốc tế phòng chống lao và bệnh phổi

Ông Đào Thế Sơn - đại diện Liên minh Quốc tế phòng chống lao và bệnh phổi

Theo ông Đào Thế Sơn, có nhiều ý kiến lo lắng việc tăng thuế TTĐB sẽ làm gia tăng tình trạng buôn lậu thuốc lá nhưng thực chất không phải vậy. Quan sát của Liên minh Quốc tế phòng chống lao và bệnh phổi trong những năm gần đây cho thấy rằng, khi vừa tăng thuế, vừa kiểm soát chặt buôn lậu sẽ như hai “gọng kìm” kiểm soát thị trường, làm giảm tiêu thụ thuốc lá và giảm buôn lậu hiệu quả. Cụ thể, là thời điểm trước năm 2015 khi chưa áp dụng tăng thuế TTĐB và chưa quyết liệt trong chống buôn lậu thì tỷ lệ buôn lậu thuốc lá ở mức khoảng 25% thị phần tới năm 2016 khi có biện pháp mạnh tay từ kiểm soát thị trường đã giảm còn 20% thị phần.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Công Minh Bảo, thuộc Công ty thuốc lá Nhật Bản JTI nêu quan điểm: “JTI cũng như các doanh nghiệp khác trong ngành ủng hộ quan điểm của Chính phủ trong việc đưa ra các chính sách thuế hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế, như việc chuyển đổi từ cơ cấu thuế hiện tại đối với các sản phẩm thuốc lá sang cơ cấu thuế tổng hợp (bao gồm thuế tỷ lệ phần trăm và thuế tuyệt đối) để đảm bảo việc tăng thuế ở mức vừa phải và có kế hoạch.”

Ngoài ra, ông Bảo đề xuất rằng: “Các chính sách này cần được hỗ trợ thực hiện một cách hiệu quả trong việc chống lại các sản phẩm thuốc lá buôn lậu và không nộp thuế, từ đó sẽ tạo thêm nguồn thu cho nhà nước đồng thời bảo vệ người tiêu dùng trước những sản phẩm thuốc lá lậu hoặc giả, kém chất lượng.”

Bên cạnh đánh thuế, nhiều ý kiến đề xuất thêm rằng việc sử dụng thuế TTĐB cần phải được xem xét lại, cụ thể là hỗ trợ cho công tác chống buôn lậu và minh bạch hơn trong sử dụng các quỹ y tế. Đặc biệt là cần hỗ trợ người tiêu dùng bỏ thuốc hơn thay vì chỉ thực hiện các chiến dịch y tế và tuyên truyền chống thuốc lá như hiện nay.

Nguyễn Thành