GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 14
Thật là tốt biết mấy nếu như không có từ “UB” trong cụm từ viết tắt "UBND", khi người ta xin ý kiến lập 34 trạm thu phí...
Mọi dự án dựng trạm thu phí cầu đường đều hay ho và tốt đẹp, nhưng thực tế sao toàn thấy bung bét hết cả, số tiền thu được tỷ lệ thuận với tiếng kêu gào thảm thiết của cánh tài xế và người dân.
TPHCM đã hết phương án chống ùn tắc giao thông hay sao? Có lẽ vậy người ta mới nghĩ ra biện pháp “nhất tiễn hạ song điêu” - lập 34 trạm thu phí quanh các ngõ vào thành phố. Vâng! Vừa thu được tiền, vừa giảm ùn tắc!?
Tiền thì chắc chắn sẽ moi ra được, nhưng liệu có giảm ùn tắc? Ở đây có một sự đánh tráo khái niệm đến phi logic. Nếu người dân có việc cần kíp họ vẫn phải cố móc ví đề được vào thành phố, chẳng nhẽ vì mấy chục nghìn đồng mà chịu ngồi bó chân?
Nếu vì sợ nộp phí mà bỏ việc thì xem ra, chính quyền thành phố “ngăn sông cấm chợ” để thành phố được thông thoáng! Và điều gì xảy ra nếu như dân các tỉnh lân cận dùng xe máy để vào thành phố, lúc này tình hình giao thông có thoáng hơn hay tệ hơn?
Thật sự, rất khó nặn ra lời giải thỏa đáng cho bài toán thu phí xe ôtô cá nhân vào thành phố để giảm ùn tắc giao thông.
Người ta lại “học tập kinh nghiệm” của Singapore, Thụy Điển, Anh quốc, sao không nhìn thấy ở mấy đất nước này có điểm chung là hạ tầng giao thông tốt nhất hành tinh, dân ở đó chả thiết tha xe hơi như mình và mọi đồng tiền thu được từ dân đều chi ra một cách minh bạch, không thì khó ngồi yên!
Có thể bạn quan tâm
GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 13
05:45, 13/07/2019
GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 12
05:45, 06/07/2019
GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 11
05:40, 29/06/2019
Một câu chuyện nói mãi, tại sao không chịu nhìn nhận rằng, ùn tắc giao thông là do quy hoạch bất hợp lý, xà xẻo đất công xây cao ốc, chung cư, văn phòng, tốc độ xoay xở của các “ông” các “bà” quá chậm so với tốc độ bùng nổ dân số của thành phố…
Nguồn tin của thanhnien.vn cho hay, Sở GTVT kiến nghị UBND chấp thuận chủ trương này. Thật là tốt biết mấy nếu như không có từ “UB” trong cụm từ viết tắt ấy, đã bao lâu rồi cái “UB” đi xa “ND” quá đỗi?
Tuần rồi, chuyện cái LU trở thành trend hot, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết, chứng minh cụ tỉ bằng số liệu cho thấy rằng, cái LU không thể “nhốt hết mưa” ở Sài Gòn.
Xin trích lại nguyên văn phép tính dài ngoằng nhưng rất thực tế của chuyên gia Đào Trung Thành, Giám đốc công nghệ Media Ventures Vietnam Group, cái mà ông Thành gọi là “toán tiểu học”.
Đơn cử ở Quận I: “Diện tích 8 triệu m2; Dân số: 205.180 người; Lượng mưa to 50mm/2 giờ; Thể tích 1 cái lu: 0,25 m3. Giả thiết mỗi gia đình có 4 người, sẽ có 51.295 gia đình. Cứ cho là tất cả các gia đình này đều hứng được nước mưa (thực tế ít hơn nhiều vì có các nhà 2,3 tầng trở lên) thì sẽ cần 51.295 cái lu. Tổng số lu này trữ được 51.295x0,25=12.824 m3 nước.
Trong khi đó tổng lượng nước mưa rơi trên Quận 1 là 0,05x8000.000= 400.000 m3. Như vậy vẫn tồn 400.000-12.824=387.176m3 chảy ra ngoài, tức là 97% lượng nước mưa không thu gom được vào Lu”.
Tôi tính thêm, trên trang thương mại điện tử Tiki rao bán lu sành 20L có giá 2,1 triệu đồng, thực tế LU chứa nước hiệu quả ít ra từ 100L trở lên, 51.295x2,1=107.719 triệu đồng. Với 24 quận, huyện số tiền chi ra phải mấy ngàn tỷ đồng.
Đến đây, có thể khẳng định chắc nịch 100%, cái LU theo nghĩa trần trụi không thể nào chống ngập. Ai phản biện được, xin trân trọng kính mời để lại bình luận bên dưới.
Tiến sĩ Xuân vẫn cho rằng cư dân mạng không hiểu hết ý bà nên đâm ra bêu rếu, cười cợt. Thưa bà, có mấy điều:
Thứ nhất, là đại biểu - nói tiếng nói của dân, bà nên “dùng lời dân” để nói với dân, sao cho gãy gọn, bình dân và dễ hiểu nhất, đừng ví von cao siêu, hình tượng dễ gây hiểu nhầm!
Thứ hai, nếu cái LU bà ví von giống như hệ thống hầm ngầm khổng lồ dưới lòng thành phố Tokyo - Nhật Bản thì TPHCM đã làm cách đây 3 năm rồi, đó không phải sáng kiến gì mới mẻ nên không cần mất thời gian và tiền bạc quý báu của nhân dân.
Cái LU của người Nhật là đỉnh cao công nghệ và vô số tiền bạc, hộ gia đình nào có thể làm được?