GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 15
"Nam quốc sơn hà nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.
Tôi thường hỏi các bạn trẻ 10x, có bao giờ bạn đến nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn (Quảng Trị) hay chưa? Đa phần trả lời “chưa”. Ai chưa đến, nên hãy đến một lần, một lần thôi cũng được, để thấy, cảm nhận xem thử nhịp tim, hơi thở mình ra sao!
Đi khắp nơi, bè bạn bốn phương chỉ biết về Quảng Trị với bom đạn chiến tranh và gió Lào cát trắng. Nhưng có một địa chỉ đỏ luôn chạm đến trái tim người nghe mỗi khi nhắc đến.
Đó là hai nghĩa trang quốc gia - nơi an nghỉ của 19.833 anh hùng liệt sỹ đã quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Phải rồi, ai đã biết Khe Sanh, Ba Lòng, Đường 9, Hiền Lương - Bến Hải, thành Cổ, đất thép Vĩnh Linh, tiền tiêu Cồn Cỏ, bến đò Mai Xá… chắc sẽ thấm thía một phần mất mát của chiến tranh.
Đứng trước mộ phần các anh, có những người - nói như liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc “mãi mãi tuổi 20” đã để lại phía sau hạnh phúc riêng tư, những trang sách, giảng đường… sẵn sàng lên đường đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Thế rồi các anh tụ về đây từ mọi miền đất nước sau ngày giải phóng, các anh chỉ một lần ra đi rồi mãi mãi lấy đất khách làm quê hương, lấy đồng đội làm máu mủ, lấy ngọn gió Lào sum vầy nơi an nghỉ.
Từ sâu thẳm mỗi người cái chết luôn là bất đắc dĩ, bởi không ai muốn mình phải chết và không có cái chết nào sánh ngang bằng được sống. Nhưng khi Tổ quốc lâm nguy, sông núi, nước non, mồ mả của tổ tiên ta bị giày xéo, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng bị đe doạ, của cải, ruộng nương làng mạc rỉ máu dưới gót giày xâm lược thì đánh cược sinh mệnh để đất nước được trường tồn là một lựa chọn thiêng liêng và cao cả.
Mỗi một thân xác nằm xuống, mỗi một phần thi thể mất đi là một trang sử trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đó là những dòng chữ bằng vàng khắc sâu vào lịch sử 4 nghìn năm dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc ta.
Đất nước đã hòa bình, nhưng chiến tranh chưa hẳn đã lùi xa, hàng ngày hàng giờ các thế lực thù địch bành trướng vẫn nhăm nhe thôn tính lãnh thổ, bàn tay tham nhũng móc sạch sức khỏe nước non.
Có thể bạn quan tâm
GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 14
05:55, 20/07/2019
GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 13
05:45, 13/07/2019
GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 12
05:45, 06/07/2019
Những ngày này, bờ cõi non sông đất nước Việt Nam bị đe dọa, tàu HD8 của Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta. Từ bài học mất mát đớn đau do chiến tranh, Đảng và Nhà nước chủ trương đấu tranh hòa bình bằng hình thức ngoại giao, cũng là điều dễ hiểu.
Phim ảnh, sách báo, tư tưởng Trung Hoa không cho thấy họ là dân tộc mang gen hiếu chiến, từ cổ đại có Mạnh Tử, Tuân Tử, Hàn Phi Tử, Lão Tử, Trang Tử…đến sau này không một ai lấy gây hấn làm thuật bang giao.
Đến tiểu thuyết gia Kim Dung xuyên suốt vẫn cho thấy chỉ có “thích khách”, “tiểu nhân”, “phường thảo khấu”, “bàng môn tà đạo” mới lấy võ biền làm đại diện, tuyệt nhiên đấng quân tử nam nhi đại trượng phu luôn trọng nghĩa trọng tình, dùng chân thành để tứ hải giai huynh đệ.
Đến cả 108 anh hùng Lương Sơn Bạc trong Thủy Hử bị cho là “giặc cỏ” vẫn một mực hướng tới chính nghĩa!
Chẳng phải trong Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung từng xây dựng cho Khổng Minh một tài năng đàm phán thiên bẩm đó sao? Với lân bang, “môi hở răng lạnh” đừng động binh vô cớ, phò Lưu Bị đánh đông dẹp bắc cũng phải chí lý chí tình.
Chẳng phải, Gia Cát Lượng từng “ngoại giao” bằng cách mắng chết tư đồ Vương Lãng đó sao? Há chăng nhân loại chung sống với nhau mấy tỷ năm nay bằng chiến tranh, súng đạn?
Hà cớ gì, hôm nay những người Trung Quốc hiện đại “núi liền núi sông liền sông”, “tư tưởng tương thông, vệnh mệnh tương quan” lại bất chấp chính nghĩa, pháp luật quốc tế?
Nhưng sẽ thế nào nếu kẻ thù tiếp tục lấn tới? Cha ông nước Việt đã tuyên ngôn rất rõ rằng: Nam quốc sơn hà nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.
Marx nói: “hạnh phúc là đấu tranh”, tức là con người ta cần biết hành động vì hạnh phúc của chính mình. Ngay lúc này chính là “hòa bình, yên ổn” - những thứ ấy không tự nhiên có, đó là “quả cam bóp nát”, đó là “thân phơi ngoài nội cỏ”, đó là “nửa đêm vỗ gối nước mắt đầm đìa”, đó là “trăng vào cửa sổ đòi thơ”…
Và những ngày này, hãy đến nghĩa trang liệt sĩ, sẽ thấy được cuộc chiến mà ông cha ta đập tan kẻ thù xâm lược bi tráng như thế nào!