GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 20: Cháy kỷ lục ở Công ty Rạng Đông và những thứ mượn danh kỷ lục!
Cháy ở công ty Rạng Đông thiết lập kỷ lục thiệt hại rất buồn. Còn nhiều kỷ lục không vui tương tự nhưng thiên hạ vẫn chẳng lấy làm buồn!
Vụ cháy tại công ty Rạng Đông có thể xem là một kỷ lục buồn, 40 năm chưa từng thấy, 8h đồng hồ thiêu rụi 9.000m2 trị giá 150 tỷ đồng của cải, 58 hộ dân phải di dời, hậu quả môi trường chưa đo đếm được...!
Có rất nhiều điểm mờ trong công tác phòng cháy chữa cháy ở nước ta, có thể bạn không tin nhưng ngay chính trong trụ sở nhiều tổ chức, cá nhân bình chữa cháy rỉ rét đến mức…chốt không thể rút ra!
Vài cái bình chữa cháy để trước cửa mỗi phòng, lâu ngày không dùng tới nó bất đắc dĩ trở thành dụng cụ kê cửa, lâu đến mức hình như mọi người quên mất chức năng của nó là chữa cháy, cứu nạn!
Điều đó tuy chứng minh điều ngược lại - công tác phòng cháy chữa cháy rất tốt, nhưng biết đâu một ngày đen tối nào đấy “bà hỏa” ghé thăm. Không ai ngờ hát karaoke cũng chết cháy, hay một nơi “mẫn cảm” với lửa như công ty sản xuất bóng đèn, phích nước Rạng Đông cháy rợp trời…
Còn thêm những chuyện khó tin, trụ chữa cháy mọc lên giữa đường nhưng không có nước, cũng dễ hiểu, nước dùng cho sinh hoạt còn thiếu huống hồ nước dự trữ cho chữa cháy!?
Điều đó chẳng khác gì con trâu mua được mà cái cày vượt quá khả năng! Vậy thì người ta sốt sắng xây dựng tràn lan trụ chữa cháy để làm gì? Có trời mới biết được!
Theo thống kê ở Việt Nam trung bình mỗi năm xảy ra 2.230 vụ cháy, làm chết 72 người, bị thương 191 người, thiệt hại khoảng 1.229 tỉ đồng. Trung bình mỗi ngày xảy ra 6 vụ cháy gây thiệt hại về tài sản khoảng 3,4 tỷ đồng; cứ 05 ngày có 01 người chết, 02 ngày có 01 người bị thương do cháy, nổ gây ra.
Vụ cháy ở công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông lại mang một sắc thái khác, lưu huỳnh và thủy ngân có thể phát tán ra môi trường, nhẹ thì buồn nôn chóng mặt, nặng có thể tử vong.
Mỗi bóng đèn huỳnh quang compact có chứa khoảng 5 miligram thuỷ ngân đủ để gây ô nhiễm cho 22.680 lít nước! Làm sao để nhà chức trách quản lý hóa chất trong sản phẩm một khi nhà sản xuất coi đó là “bí mật công nghệ không thể tiết lộ”?
Mà cũng phải, người ta quy hoạch xây dựng bát nháo đến mức, nước - loại chất lỏng siêu hạng còn không chui lọt thì làm sao con người, phương tiện có thể vượt qua để dập tắt đám cháy!
Ngẫm thấy, công tác phòng cháy chữa cháy cũng giống “nuôi quân 3 năm dụng một phút”. Không hiếm người, hiếm nơi chủ quan ỷ lại vào con số “114”, thiếu ý thức chính là nguyên nhân dẫn đến mọi chuyện!
Có thể bạn quan tâm
Trước tới nay, nhiều người hỏi: Kỷ lục để làm gì? Ơ hay, kỷ lục - nói dễ hiểu là một thành tựu tốt nhất được ghi nhận. Đúng quá còn gì, kỷ lục chính là biên niên khả năng chinh phục, sáng tạo của con người.
Ví dụ như kỷ lục xây nhà máy oto nhanh nhất thế giới của Vingroup, kỷ lục tốc độ của tên lửa siêu thanh Mỹ, kỷ lục kích thước lớn nhất, hoạt động xa nhất, uy lực nhất của tàu sân bay Ford…Thật xứng đáng là kỷ lục!
Ở nước ta, cứ giỗ tổ Hùng vương lại xuất hiện bánh chưng to nhất, gần tết cổ truyền lại có bánh tét dài nhất, tới rằm tháng Tám thì có bánh trung thu lớn nhất, lâu lâu lại có tô phở, bát miến kỷ lục, lẫu 2.000 người xơi…!
Kể cũng lạ, trong khi thế giới văn minh có xu hướng tinh gọn, tinh xảo hóa, tích hợp hóa, lấy chất lượng làm trọng thì người Việt vẫn còn thích thú tự hào vì các loại kỷ lục số lượng, kích thước.
Đây mới đích thị là nơi đặt đúng chổ của câu hỏi: Kỷ lục để làm gì? Kỷ lục nhà người giàu chất xám, còn kỷ lục nhà ta - tuy không phải tất cả - nhưng số nhiều chỉ để thỏa mãn thói hư danh, có gốc gác từ trọng cái ăn cái uống (!?)
Đấy, người Việt hễ nghe cái gì “quốc tế” đều mặc định là tốt, rồi thì quả đau dính bầy hầy, đến cả quân lừa đảo trai tây râu quai nón trắng mượt buông lời mật ngọt mà phụ nữ Việt đê mê chuyển tiền vô tội vạ.
Hậu quả của háo danh là vô số chuyện bi hài trong thiên hạ: bằng giả, hàng giả, giàu giả; nói láo, nói phét, khoa trương; làm giả, đạo đức giả…