GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 27: Đôi điều về văn minh

Trương Khắc Trà 19/10/2019 05:45

Hiệp nghĩa Lục Vân Tiên chỉ là hư cấu như liều thuốc tinh thần, nhưng văn minh là cái cần có trong đời sống thực tế...

Có một chuyện “động trời” vừa diễn ra ở xứ tư bản, tập đoàn mỹ phẩm, dược phẩm Johnson&Johnson phải bồi thường cho một khách hàng 26 tuổi…8 tỷ USD bởi vì một lý do lãng xẹt!

Đó là công ty này “quên” khuyến cáo về việc sử dụng thuốc an thần Rispedal có tác dụng phụ gây phát triển ngực bất thường ở nam giới. Không phải chuyện đùa, tòa án bang Pennsylvania (Mỹ) đã ra phán quyết không gì can thiệp được!

Cũng không cần ví dụ xa xôi, hãng ô tô Toyota thi thoảng thu hồi hàng triệu xe vì một lỗi “vặt” rất nhỏ để khắc phục, sau đó bồi thường và xin lỗi khách hàng.

Vì sao người ta phải khổ sở như vậy? Dễ hiểu thôi, trong những môi trường cạnh tranh sòng phẳng, minh bạch, doanh nghiệp có thể chết “bất đắc kỳ tử” bất cứ lúc nào nếu khách hàng cảm thấy không được tôn trọng.

Để tồn tại họ phải coi khách hàng là “thượng đế”, là cha, là mẹ, là lẽ sống. Nhưng điều kiện để có thứ văn minh đỉnh cao ấy là phải cùng nhau nếm thử mùi cạnh tranh lành mạnh.

Vấn đề ở đây là, anh làm kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ của anh kém chất lượng thì lỗi trước tiên thuộc về anh, còn nguyên nhân gây ra lỗi này nếu có nằm ở đâu đó thì cũng là việc của anh nốt!

Có thể bạn quan tâm

  • GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 26: Oan cho Mã Pí Lèng quá!

    GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 26: Oan cho Mã Pí Lèng quá!

    06:00, 12/10/2019

  • GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 25: Chuyện nực cười nơi tỉnh lẻ

    GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 25: Chuyện nực cười nơi tỉnh lẻ

    05:45, 05/10/2019

Vậy mà công ty nước sạch Sông Đà để dầu nhớt thải trộn vào nước sinh hoạt, cấp cho hàng trăm ngàn dân Hà Nội lại tỏ ra “mình là bên thiệt hại lớn nhất” tỉnh queo như không có chuyện gì lớn lao to tát!

Thưa, thiệt hại của doanh nghiệp chỉ là tiền, văn minh lắm thì cái “ghế” của vài cá nhân, còn sức khỏe, bệnh tật của hàng trăm ngàn người, hoang mang dư luận là chẳng nhằm nhò gì sất? Mà nói thẳng luôn, kiểu làm ăn độc quyền thì bê bối gì cũng một vài hôm là xong ngay thôi.

Đấy, dân Hà Nội không dùng nước công ty Sông Đà thì đố kiếm đâu được nguồn thay thế. Đó mới là vấn đề lớn nhất chứ không phải cái thứ chất nhờn kia.

Ơ hay, tôi là khách hàng mua nước, trả tiền sòng phẳng, không thiếu một xu, nếu nước nhiễm bẩn thì tôi sẽ hỏi tội nhà cung cấp, còn việc tìm ra ai là thủ phạm không phải việc khách hàng.

Anh dùng nguyên liệu bẩn, sản xuất ra sản phẩm kém, khi vỡ lở lại chơi bài “đánh bùn sang ao”, kêu hết chỗ này sang chỗ nọ. Nếu đủ văn minh kinh doanh, công ty Sông Đà phải xin lỗi khách hàng, đánh giá thiệt hại và bồi thường bằng tiền.

Mà nếu không làm được hai việc cỏn con ấy thì mức độ văn minh quả thật đáng báo động - nên giao cho tư nhân, bảo đảm họ sẽ làm tốt hơn rất nhiều.

Đoạn clip người bố trẻ có hơi men tát liên tiếp vào mặt đứa con trai 4 tuổi lan truyền ngày 17/10 gây phẫn nộ, uất ức và thương xót trong cộng đồng mạng. Lẽ ra, ở một nơi có hàng chục hội đoàn, cơ quan bảo vệ quyền lợi trẻ em thì luật pháp phải mau chóng vào cuộc.

Nhưng ngay sau đó lại xuất hiện một clip gồm hàng chục thanh niên trừng trị bố đứa trẻ cũng bằng cách tát vào mặt, tát đến hộc máu. Âu cũng là gieo nhân nào gặt quả ấy, xét về khía cạnh nào đó người đàn ông gọi là “bố” kia cũng đáng bị trừng phạt.

Nhưng sao thấy lấn cấn trong lòng, dùng bạo lực đáp trả bạo lực có phải là văn minh - thiết nghĩ chỉ có trong xã hội mông muội, luật pháp thiếu thốn. Nhưng đây là thế kỷ 21, chúng ta luôn được kêu gọi thượng tôn pháp luật.

Hiệp nghĩa như Lục Vân Tiên cũng chỉ là nhân vật hư cấu, thời cướp của người giàu chia cho dân nghèo đã qua rồi, mà đó cũng chỉ là ước vọng của giai tầng thấp cổ bé họng trong những xã hội cũ khi ánh sáng pháp luật chỉ là “đèn giời’ soi xét - chỉ có trong văn chương, nghệ thuật.

Sự trả thù để hả chí phẫn uất xem ra là sự thất bại của công lý dưới ánh sáng anh minh của pháp luật. Liệu cách làm tương tự của “500 anh em” có đủ sức giúp hàng triệu trẻ em được bảo vệ tốt hơn?

Chắc chắn là không! Bởi dưới gầm trời này - để có trật tự trị an, tất thảy mọi người phải chịu quy phạm của pháp luật, đó mới là giải pháp cuối cùng và triệt để nhất.

Tuy nhiên, cũng nên giành vài câu hỏi cho các hội đoàn, cơ quan, tổ chức hữu quan. Họ ở đâu khi trẻ em bị bạo hành, phụ nữ bị hà hiếp? Nên tin vào sức mạnh của “500 anh em” hay là sự nghiêm minh của pháp luật?.

Trương Khắc Trà