[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Tử tế đừng im lặng trước cái xấu
Để không ai im lặng trước cái xấu, hành vi sai trái cần giải pháp phù hợp mới có thể thay đổi hiện trạng bấy lâu nay.
Mới đây, tôi đang ngồi uống bia với mấy người bạn, thấy có một người khách mặt đỏ bừng giống như đã say xỉn túm cổ áo cậu bé bán vé số vì nghi ngờ cậu lấy trộm ví của mình. Cậu bé này khóc lóc thanh minh mình không phải là thủ phạm nhưng người khách này nhất quyết buộc tội cậu bé và dọa dẫm sẽ đưa đến công an nếu cậu bé không trả lại ví.
Lát sau có người phát hiện chiếc ví của vị khách này bị bỏ quên trong tolet. Vị khách này đã nói lời xin lỗi cậu bé rồi rút cho cậu 200 ngàn. Thế nhưng, cậu bé lại từ chối.
Câu chuyện này đã để lại trong tôi nhiều suy nghĩ, vì sao không một ai lên tiếng hay can thiệp hoặc giúp đỡ khi thấy người khách túm cổ áo cậu bé dù quán lúc này đang đông khách?
Sự im lặng trong vụ việc cậu bé bán vé số bị túm cổ áo dọa dẫm làm tôi nhớ đến các chuyện đã khác xảy ra. Như sau khi chụp ảnh ghi lại hành vi lạng lách, đánh võng, một nữ hành khách bị tài xế và nhân viên xe buýt ở Hà Tĩnh đánh đập dã man ngay giữa thanh thiên bạch nhật nhưng không ai can ngăn.
Rồi vụ việc dư luận từng lên án dữ dội sau khi một clip đăng tải đưa lên mạng có cô gái bị người đàn ông rượt đuổi đánh đập. Cô gái này vừa chạy vừa cầu cứu thất thanh trên đường Nguyễn Văn Lũy thuộc thành phố Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương, nhiều người chỉ đứng nhìn nhưng không can ngăn.
Những cái xấu, hành vi bạo hành phụ nữ, trẻ em sẽ giảm nếu nhiều người không làm ngơ, một người lên tiếng và nhiều người khác cùng tham gia phản ứng có thể ngăn chặn, hạn chế thấp nhất hậu quả.
Có lần chứng kiến trên xe buýt, một thanh niên phát hiện người đàn ông khoảng 40 tuổi ngồi phía trước rạch túi xách nữ sinh viên. Nam thanh niên này đã la lên khiến đối tượng không thực hiện được mục đích. Đối tượng còn quay ra sau đòi đánh nam thanh niên. Tôi và vài thanh niên đứng lên can thiệp, thấy vậy người đàn ông đó đã chối bỏ chuyện rạch túi xách rồi lùi về cửa lên xuống, bước ra ngoài sau khi xe tới trạm dừng.
Lần khác trên xe buýt, một chị công nhân khóc nức nở vì bị rạch túi xách lấy sạch tiền dành dụm cả năm về quê ăn tết và trả nợ. Tôi ấn tượng với cách xử lý khôn khéo của nhà xe, phụ xe thông báo trên loa và đóng hết các cửa trên xe, tài xế lái thẳng xe vào trụ sở công an gần đó. Sau khi kiểm tra thấy cọc tiền nằm lẽ loi ở góc khuất, tất nhiên không ai thừa nhận, không bắt được quả tang nhưng chị công nhân đã nhận lại cọc tiền và mừng rỡ.
Im lặng sao giờ đã trở thành thói quen ở nhiều người!.
Ngoài những câu chuyện vừa kể, hàng loạt chuyện khác đã làm cho nhiều người im lặng. Có thể ai đó cho rằng vào can thiệp khi thấy cậu bé bán vé số bị túm cổ áo, can ngăn lúc cô gái bị đánh không biết chừng mang họa thiệt thân hay cũng có thể gặp rắc rối như bị chửi bới, gây phiền phức. Nếu ai cũng nghĩ vậy, thấy chuyện bất bình vẫn dửng dung, xã hội sẽ khó tốt lên. Im lặng cứ diễn ra theo chiều hướng càng tệ, tác hại là tạo điều kiện nuôi dưỡng cái xấu, xói mòn niềm tin vào lẽ phải, xem thường pháp luật.
Nhà hoạt động nhân quyền Mỹ gốc Phi từng đoạt giải Nobel Hòa Bình, Martin Lutherking cho rằng “Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa trước lời nói và hành động của kẻ xấu mà còn cả vì sự im lặng đến đáng sợ của người tốt”. Ông xót xa trước những lời nói, hành động của người xấu nhưng lại đau lòng hơn bởi người tốt không có hành động thái độ hay bất kì phản ứng nào trước việc làm sai trái. Một người lên tiếng có thể như một ngọn nến thắp lên, lan tỏa đến vô số ngọn nến khác và sẽ xua tan bóng tối. Khi có ánh sáng, bóng tối tự biến mất.
Ban biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ” mong nhận được những ý kiến, bài viết của quý độc giả, học giả, chuyên gia về vấn đề trên. Bài viết phù hợp sẽ được chúng tôi đăng tải kèm theo chế độ nhuận bút nhanh và hấp dẫn. Bài vở xin gửi về hòm thư nguoiviettute@dddn.com.vn Lưu ý: Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi liên hệ gửi nhuận bút khi bài viết được đăng. |
Nước ta vốn có truyền thống coi trọng giá trị nhân văn, đúng đắn, tích cực của con người. Cái xấu hay những điều sai trái chỉ tồn tại khi cái tốt hoặc người tốt chấp nhận lùi bước, sẽ bị cô lập và loại bỏ khi được đưa ra ánh sáng cùng sự lên tiếng với số đông dư luận.Hãy coi câu nói của Martin Luther King là một bài học, không phụ thuộc thành phần xã hội hay tuổi tác địa vị, ai cũng có thể đóng góp bằng những hành động nhỏ nhất khi có dịp, đừng im lặng!
Để không ai im lặng trước cái xấu, hành vi sai trái cần giải pháp phù hợp mới có thể thay đổi hiện trạng bấy lâu nay. Đó là, đem lại sự tin tưởng pháp luật, an tâm cho người dám lên tiếng trước chuyện bất bình bằng những hành động thiết thực.
Một người lên tiếng sẽ có người hưởng ứng và ủng hộ để loại bỏ điều xấu, hành vi sai trái. Hãy bắt đầu từ đơn vị nhà nước hãy ghi nhận, tôn vinh các góp ý đúng đắn rồi nhân rộng làm cho cuộc sống ngày càng tốt hơn chứ không né tránh, bưng bít sự kém cỏi. Xử lý nghiêm các hành vi phạm pháp, ngông cuồng, bạo lực, hành hung ảnh hưởng sức khỏe con người.
Những người có trách nhiệm trong bộ máy phải nêu gương, hành xử thực thi công vụ nghiêm minh và tạo công bằng, bảo vệ người làm đúng và dám ngăn chặn cái xấu, hành vi sai trái, đề cao sự tuân thủ pháp luật và tính trung thực đạo đức.
Địa phương từ tổ dân phố cần chú ý những người có dấu hiệu bạo lực, hung hãn, ngông cuồng, hành xử bất thường để quan tâm để kịp ngăn chặn hành vi xấu và hướng dẫn kỹ năng xử lý tình huống phát sinh trong cuộc sống, ứng xử có văn hóa, biết quý trọng sức khỏe mọi người.