[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Chuyện "đỡ nhiều lắm" ở quán cơm xã hội Nụ Cười 2

Đình Đại 20/07/2019 06:00

Cũng giống như những quán khác trong hệ thống quán cơm Xã hội Nụ Cười, quán Nụ Cười 2 nằm trên đường Trường Chinh, Q. Tân Bình, luôn tấp nập khách vào mỗi buổi trưa từ thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần.

Đỡ nhiều lắm

11 giờ trưa quán mới chính thức bán cơm cho khách, nhưng trước đó cả giờ đã có rất nhiều người đến xếp hàng. Phải chờ lâu nhưng trên khuôn mặt của những vị khách đến đây không thấy xuất hiện vẻ mệt mỏi hay bực tức như thường lệ. Mà trái lại, trên gương mặt họ luôn tỏ rõ vẻ rạng rỡ. Khi được hỏi về cảm nhận khi đến với quán Nụ Cười 2, họ luôn dành cho quán một sự cảm nhận bằng một câu “cửa miệng”, “đỡ nhiều lắm”.

Quán Nụ Cười 2 luôn tấp nập khách vào mỗi buổi trưa từ thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuân.

Quán Nụ Cười 2 luôn tấp nập khách vào mỗi buổi trưa từ thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần.

Mỗi ngày quán Nụ Cười 2 bán từ 350 - 400 suất cơm với giá 2000đ, ngoài việc phục vụ khách tại chỗ, quán còn bán cho những người thực sự có nhu cầu mua về nhà cũng với giá chỉ 2000đ/1 suất. Để được mua mang về, những vị khách này phải chứng minh được mình thật sự khó khăn, hay vì già yếu, bệnh tật mà không thể tự đến quán.

Ngoài việc bán cơm 2000đ, quán Nụ Cười 2 còn nhận thêm quần áo cũ của các nhóm tình nguyện đến gửi và bán cho khách. Những bao quần áo cũ được đặt trước cửa quán, khách đến ăn cơm có thể tự do chọn cho mình những bộ quần áo còn sử dụng được cũng với giá chỉ 2000đ/1 chiếc. Tiền thu được từ việc bán quần áo cũ được ủng hộ vào quán.

Khách hàng chọn mua quàn áo cũ được bán tại quán với giá 2000đ/1 chiếc.

Khách hàng chọn mua quàn áo cũ được bán tại quán với giá 2000đ/1 chiếc.

Cô Hải một tình nguyện viên của quán chia sẻ: “Những ngày đầu khi mới hoạt động tại đây, quán cũng gặp rất nhiều khó khăn, do nhiều vị khách đến đây chưa hiểu chuyện, họ cứ nghĩ là quán phải phục vụ tất cả khách hàng như những quán cơm bình thường khác. Vì thấy giá rẻ nên khi ăn tại quán rồi, họ còn đòi mua mang về cho người thân. Với những trường hợp như vậy, quán phải cử người ra giải thích, lúc đầu họ cũng phản ứng dữ lắm, nhưng khi được giải thích cặn kẽ thì họ cũng hiểu ra và không còn phản ứng nữa”.

Theo cô Hải, khách đến quán chủ yếu là những người già yếu, sinh viên, những người lao động nghèo, họ làm đủ thứ nghề như: bán vé số dạo, chạy xe ôm, phụ hồ… họ đều là những người có hoàn cảnh khó khăn, khi lần đầu đến quán, họ cũng có phần e ngại, mặc cảm. Nhưng với sự tận tình và phục vụ chu đáo của đội ngũ tình nguyện viên, dần thì họ cũng quen và trở thành khách ruột của quán.

“Có nhiều vị khách khi mua phiếu ăn, họ đưa 5.000, 10.000 nhưng không lấy lại tiền thừa, họ nói rằng, như vậy là đỡ nhiều lắm rồi, ở ngoài không mua được suất cơm với giá rẻ như thế này đâu. Thấy khách hàng của mình ra về với nụ cười trên môi, chúng tôi cũng thấy mình hạnh phúc vì việc làm của mình cũng giúp ích được cho nhiều người”. Cô Hải chia sẻ thêm.

Có thể bạn quan tâm

  • [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Chàng

    [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Chàng "thạc sĩ dế mèn" và đam mê với mô hình “bà đỡ” cho nông dân

    06:13, 17/07/2019

  • [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Chuyện

    [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Chuyện "đỡ nhiều lắm ở quán cơm Xã hội Nụ Cười 2"

    06:00, 17/07/2019

  • [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Cảm động tấm gương

    [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Cảm động tấm gương "hiệp sĩ" 17 năm “cõng” loa đi tuyên truyền giao thông

    06:13, 10/07/2019

  • [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Ấm lòng quán cơm 2.000 đồng phục vụ người nghèo

    [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Ấm lòng quán cơm 2.000 đồng phục vụ người nghèo

    04:55, 09/07/2019

Cô Vĩnh 70 tuổi, làm nghề bán vé số dạo cho biết: Cô quê ở miền Trung, vào Sài Gòn mới được khoảng nửa năm, vì tuổi cao nên cô chỉ có thể đi bán vé số để kiếm sống. Những tháng đầu, khi chưa biết đến quán cơm này, cuộc sống của cô rất khó khăn vì lời lãi chẳng được bao nhiêu. Nhưng từ khi được người quen giới thiệu đến quán cơm này thì cô thấy cuộc sống của mình đã đỡ hơn nhiều.

Bằng chất giọng đặc sệt của người miền Trung, cô Vĩnh chia sẻ: “Đỡ nhiều lắm con ạ, già cả như bà vì không muốn làm gánh nặng cho con cháu nên bà phải vào đây kiếm sống. Lúc đầu khi được người quen giới thiệu là có quán cơm bán chỉ có 2.000đ một suất, bà không tin đâu, làm gì mà có quán nào bán rẻ như cho thế. Chỉ khi đến đây và được ăn đĩa cơm này thì bà mới tin”.

Cô bảo, người ta bán 2000đ/1suất cơm thế này chắc là để những người như cô vào ăn không bị mặc cảm vì đi xin ăn, chứ bán giá này thì có khác gì cho không đâu. Thời buổi cái gì cũng đắt đỏ thế này cầm 2000đ ra chợ cũng chỉ mua được vài cộng hành hay vài quả ớt thôi.

“Nói thật là họ bán 2000đ bà mới dám vào ăn thường xuyên đấy, chứ nếu cho không thì bà cũng chẳng dám vào đâu, chỉ một vài lần thôi chứ cũng ngại lắm con ạ”. Cô Vĩnh nói rồi không quên gửi lời cảm ơn đến những mạnh thường quân đã mở quán cơm này.

Cần lắm những vòng tay nhân ái

Dắt 2 cô con gái nhỏ một 10 tuổi, một 7 tuổi vào quán, sau khi nhận 3 suất cơm từ tay các tình nguyên viên, anh Hạnh chọn chỗ ngồi cho ba cha con, anh chia sẻ: “Tôi đến ăn ở quán này cũng được gần 2 tuần nay rồi. Từ ngày vợ tôi mổ mắt, không có người nấu cơm cho 3 cha con nên tôi dắt các cháu ra đây ăn. Có quán cơm này cũng đỡ cho gia đình tôi nhiều lắm, cơm ở đây hợp khẩu vị nên 2 cháu bữa nào cũng ăn hết suất”.

Anh Hạnh mong rằng sẽ có nhiều nhà hảo tâm đến ủng hộ cho quán để mô hình quán cơm này được nhân rộng ra nhiều nơi hơn nữa, để những người nghèo và cơ nhỡ như anh có được những bữa ăn vừa ngon, vừa đủ chất dinh dưỡng mà giá thì lại rẻ như thế này.

Đội ngũ tình nguyện viên luôn tận tình phục vụ khách.

Đội ngũ tình nguyện viên luôn tận tình phục vụ khách.

“Ngày đầu tiên đấn đây tôi bị bất ngờ bởi cung cách phục vụ của quán, nhân viên rất nhiệt tình và chu đáo, lại còn rất vui tính nữa, nhất là các anh chị người nước ngoài. Sau này tôi mới biết họ đều là những tình nguyện viên làm việc không lương. Tôi thật sự ấn tượng và khâm phục những người đang làm việc ở đây. Họ đã mang lại cho chúng tôi một cảm giác thật ấm áp khi đến quán, tôi có cảm giác là mình đang được chia sẻ thật sự chứ không phải là đang nhận một sự ban phát”, anh Hạnh tâm sự.

Được sự giới thiệu của một tình nguyện viên, tôi bắt chuyện với một người thanh niên ngồi ngay bàn đầu gần cửa quán. Anh cho biết, anh tên Quyền 31 tuổi, làm nghề cài đặt camera, anh bị tật ở chân nên việc đi lại rất khó khăn. Là khách thường xuyên của quán, nên các tình nguyện viên hầu như ai cũng biết anh. Khi thấy anh vào quán là lập tức có người ra hỗ trợ sắp chỗ ngồi và mang suất cơm ra tận nơi cho anh.

Theo anh Quyền, anh là người khó ăn, nên không dám ăn ở ngoài vì cứ mỗi lần ăn ở ngoài là anh bị đau bụng. Khi chưa có quán này, anh phải nấu ăn ở nhà rồi mang cơm đi làm. Từ khi quán Nụ Cười 2 khai trương ở đây, anh đến ăn thử thấy không bị đau bụng, thế là anh trở thành khách quen của quán. Ngoài ăn tại chỗ, anh còn mua thêm một suất mang về để dành cho bữa tối.

“Từ ngày có quán cơm này, cuộc sống của tôi đỡ vất vả hơn nhiều, không phải tự nấu ăn ở nhà nữa, lại còn tiết kiệm được một khoản kha khá để lo cho tương lai. Đến đây, tôi còn được các anh chị tình nguyện đối xử rất tốt, được ưu tiên hơn những người khác. Tôi muốn cảm ơn mà không biết gặp ai để cảm ơn”, anh Quyền xúc động chia sẻ.

Nhìn nét rạng rỡ trên những khuôn mặt khắc khổ vì lam lũ của cô Vĩnh, anh Hạnh, anh Quyền và những vị khách khác có mặt trong quán cơm Nụ Cười 2 ngày hôm nay. Tôi cảm nhận được niềm vui và niềm hy vọng vào một xã hội tốt đẹp hơn.

Mong rằng sẽ có nhiều cánh tay, nối dài những cánh tay để có nhiều hơn nữa những quán cơm Nụ Cười ở khắp mọi ngõ ngách của Thành phố mang tên Bác, như niềm mong ước của anh Hạnh cũng như của bao người đã nhận được những giá trị mà chuỗi quán cơm Xã hội Nụ Cười đã mang đến cho họ.

Đình Đại