[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Đừng xem học sinh là “đối tượng tiêu dùng”
Vụ việc một bé trai mới vào học lớp 1 tại Trường Quốc tế Gateway tử vong sau khi bị bỏ quên trên ôtô đưa đón của trường đã gây bức xúc dư luận, cộng đồng mạng.
Theo phản ánh, sáng 6/8, gia đình đã đưa cháu bé ra ôtô của trường để đi học. Đến 16h45 cùng ngày, giáo viên phụ trách đón cháu bé gọi điện thông báo tình trạng cháu bé tử vong. Vậy là suốt cả ngày hôm đó, giáo viên chủ nhiệm, cán bộ phụ trách lớp, những người đưa đón, cả nhà trường đều lãng quên và không quan tâm gì đến một học sinh vắng mặt. Đến khi tan học, học sinh ra về, người phụ trách đưa đón mở cửa xe mới phát hiện thì quá muộn.
Đó là ngày thứ hai đi học, cũng là ngày cuối cùng cháu bé không bao giờ còn được đến trường như bao đứa trẻ khác. Có lẽ lúc trong ôtô, cháu bé cũng đập cửa xe cầu cứu tìm cách thoát ra mà sức yếu không làm được, tuyệt vọng bởi sự tắc trách từ phía nhà trường.
Bỏ quên một học sinh trên xe là điều khó có thể biện minh, không thể chấp nhận. Số lượng học sinh trên xe không phải là nhiều, khó quản lý, chỉ 13 học sinh trên chiếc ôtô 16 chỗ. Phụ huynh chấp nhận tốn kém cho con mình học trường quốc tế để có môi trường tốt, an toàn, cuối ngày về với gia đình chứ đâu đón nhận rủi ro đau thương không thể khắc phục.
Phụ trách công việc đưa đón học sinh đến trường, trả về cho gia đình, quản lý nhà trường và giáo viên chủ nhiệm là những con người bằng xương bằng thịt chứ đâu phải dụng cụ. Giáo viên chủ nhiệm, người được cử phụ trách lớp hẳn phải điểm danh, đếm sĩ số, phát hiện vắng học sinh phải có nhiệm vụ phối hợp kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân, kịp báo cho gia đình. Thời nay hầu hết ai cũng có điện thoại di động, gọi cho những người có liên quan đâu khó khăn gì. Phải chăng là sự thờ ơ, chưa xem học sinh là chủ thể trong môi trường giáo dục?
Có thể bạn quan tâm
Trường Quốc tế Gateway, nơi vừa xảy ra vụ việc học sinh lớp 1 tử vong sau bị bỏ quên trên ôtô, thành lập năm 2015, học phí một cho học sinh bậc tiểu học hơn 117 triệu đồng/năm - mức phí khá cao so với phần lớn những gia đình có thu nhập trung bình.
Những năm qua, nước ta xuất hiện nhiều trường học được cho là đẳng cấp quốc tế mà dễ thấy nhất tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… Mỗi khi mang danh nghĩa “quốc tế” thì học phí khá cao, gia đình bình thường không kham nổi.
Tâm lý các bậc phụ huynh có điều kiện kinh tế thường muốn con mình được tiếp cận, thụ hưởng nền giáo dục tiên tiến có yếu tố nước ngoài. Đây là mong muốn rất chính đáng. Nắm bắt nhu cầu đó, càng nhiều trường học dạy từ tiểu học đến phổ thông trung học được thành lập với danh nghĩa “quốc tế”, phát triển nhanh về số lượng, thu hút khá đông học sinh. Bên cạnh những trường quốc tế có cơ sở vật chất, điều kiện hoạt động giáo dục, trang thiết bị, đội ngũ nhân sự tốt thì vẫn còn nhiều nơi chưa đạt yêu cầu. Như chạy theo lợi nhuận, quảng cáo sai sự thật, sử dụng nhân sự thiếu kỹ năng và kinh nghiệm, chưa quan tâm đúng mức đến học sinh, thậm chí vô trách nhiệm trong công việc. Điển hình như vụ bỏ quên học sinh dẫn đến tử vong trên ôtô xảy ra tại trường quốc tế Gateway.
Học sinh phải là chủ thể trong môi trường giáo dục, được quan tâm đúng mức nhằm bồi dưỡng đức, trí, thể, mỹ dựa trên hệ thống các giá trị văn hóa nhân bản của con người. Bởi mục tiêu của các hoạt động giáo dục suy cho cùng là tạo ra những công dân có đạo đức, có trí tuệ, có kỹ năng, có sức khỏe và hướng thiện đóng góp giá trị hữu ích cho xã hội. Để đạt được mục tiêu này, trước tiên nhà trường đó - mà cụ thể là người quản lý, dạy học, phục vụ phải có trách nhiệm trong công việc và quan tâm đúng mức đến học sinh.
Nếu xem học sinh là đối tượng dịch vụ tiêu dùng của nhà trường thì không có ý nghĩa, lúc này giáo dục trở thành một sản phẩm hàng hóa kinh doanh, mua bán, trao đổi để thu lợi. Với mục đích đó, nhà trường chỉ chú trọng đến lợi nhuận, thiếu quan tâm đến học sinh.
Vụ việc đau lòng xảy ra tại Trường Quốc tế Gateway có lẽ là sự tắc trách của cả một tập thể nhà trường, lái xe đưa đón học sinh, giáo viên chủ nhiệm… Cần làm rõ các khâu, trách nhiệm những người quản lý, giáo viên, bộ phận phụ trách đưa đón học sinh. Hơn nữa là có biện pháp sao cho lường trước các rủi ro và tăng cường trách nhiệm trong hoạt động giáo dục, dạy học, phục vụ học sinh. Đừng để xảy ra tình trạng nhà trường sử dụng nhân sự kém kỹ năng cộng với thiếu trách nhiệm phải trả giá bằng mạng sống của học sinh.
Đã tới lúc quản lý chặt hơn, rà soát các hệ thống giáo dục có yếu nước ngoài mang danh nghĩa quốc tế và có đánh giá tiêu chuẩn chất lượng từ cơ sở vật chất đến dạy học, nhân sự… Đây là việc cấp bách cần làm để quản lý và định hướng sự phát triển bền vững cho các trường quốc tế, công khai hoạt động này để xã hội và phụ huynh có sự lựa chọn đúng.
Những kế hoạch vĩ mô, mục tiêu giáo dục lớn lao, cải cách đột phá thì cũng đều phải được hiện thực hóa một cách thiết thực, trước tiên sao cho đảm bảo an toàn cho học sinh, học sinh là chủ thể trong các hoạt động giáo dụng luôn nhận được sự quan tâm hàng đầu.