[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Quán cơm chay 5.000 đồng của người đàn ông "mê' làm từ thiện
Quán cơm chay từ thiện đầu tiên mở năm 2013, đến nay, sau 6 năm hoạt động, anh Trần Phước Hòa – Ông chủ quán cơm chay 5.000 đồng Thiên Phước đã mở được 4 quán cơm chay nghĩa tình ở TP.HCM và Bến Tre.
Gần 20 năm trước, anh Hòa cũng như bao người dân lao động nghèo khác, từng bôn ba khắp nơi để kiếm kế sinh nhai và cuối cùng anh đã chọn dừng chân ở Sài Gòn. Từng làm đủ thứ nghề lao động tay chân, khốn khó trăm bề để gây dựng cơ nghiệp, đến nay anh Hòa đã sở hữu một cơ sở kinh doanh chuối chiên có tiếng trong thành phố với mức thu nhập có thể xem là tạm ổn. Dư dả chẳng bao nhiêu nhưng anh Hòa vẫn dốc tâm mở tiệm cơm chay Thiên Phước như một lời cảm ơn những điều tốt đẹp mà Sài Gòn đã đem đến cho anh.
Theo như lời anh thì ở chốn Sài Gòn này, ai cũng sẽ có cơ hội, chỉ cần cho người ta một hi vọng. Vậy nên, quán cơm của anh mới dán dòng chữ: “San sẻ bữa trưa hàng ngày với người có thu nhập chưa cao”. Người có thu nhập chưa cao chứ không phải là người có thu nhập thấp hay người nghèo. Chưa cao có nghĩa là sẽ cao, bởi quan trọng nhất vẫn là bản thân mình biết cố gắng.
Anh Hòa còn kể, ban đầu quán dự tính sẽ không thu tiền của khách, thế nhưng sau khi tính toán thì thấy quán vẫn cần một số tiền nhỏ để duy trì, đồng thời những người lao động cũng sẽ có cảm giác phụ thuộc nếu nhận cơm miễn phí trong một thời gian dài. Là một người lao động, anh Hòa hiểu rõ nếu không lấy tiền thì khách hàng sẽ không thoải mái, vì dù là thu nhập không cao nhưng trong lòng mọi người đều muốn được đối xử công bình, chứ chẳng ai muốn “ăn nhờ” mãi.
Vậy nên, ngày nào cũng vậy, cứ 11 giờ trưa là quán bắt đầu nườm nượp khách. Thông thường thực đơn mỗi ngày sẽ có 2 món kho, 2 món rau và 1 món canh. Cơm và canh đều do khách tự lấy, tuỳ vào sức ăn của mình, miễn sao khi bước ra khỏi quán là bụng phải thật no. Ngoài ra trước quán còn để sẵn một chậu rửa tay để mọi người rửa tay trước và sau khi ăn cơm.
Nhiều người lao động đã trở thành khách hàng thân thiết ở quán, hễ nhà có gì thì đem qua đóng góp cái đó. Khi thì một bịch gạo, có lúc là chai dầu ăn hay gói muối, những món quà tuy nhỏ nhưng tấm lòng của những con người đã “nên duyên” với quán cơm đáng yêu này thì lớn vô cùng.
Với anh Trần Phước Hòa, quán ăn Thiên Phước không phải nằm ở 5.000 đồng mà là ở tấm lòng của những người mở quán. Họ muốn ươm mầm hạnh phúc, chia sẻ và mở rộng lòng nhân ái bằng những việc làm lợi ích và những nụ cười bao dung, thân thiện.
Có thể bạn quan tâm
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Anh tài xế Grab và những chuyến xe 0 đồng
15:32, 24/12/2019
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Chàng trai trẻ 9X và những bữa ăn miễn phí cho trẻ em nghèo ở Sài Gòn
11:11, 23/12/2019
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Lại thêm một kẻ “mày biết tao là ai không?”
09:23, 21/12/2019
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Nhân viên kinh doanh VinaPhone Thanh Hóa trả lại tiền cho người đánh mất
15:52, 17/12/2019
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Hai học sinh lớp 6 trả lại 20 triệu đồng nhặt được
11:05, 17/12/2019
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Câu chuyện ấm lòng ở quán cơm chay
09:38, 17/12/2019
Không những sưởi ấm trái tim người nghèo, bốn quán cơm gồm 3 quán ở TP HCM và 1 quán ở Chợ Lách, Bến Tre còn giúp cuộc sống của anh Hòa và những người chung tay lập ra thêm phần ý nghĩa.
Ông Nguyễn Xuân Vụ (62 tuổi), người trực tiếp quản lý quán cơm chay Thiên Phước cơ sở tại xã Hòa Nghĩa, H.Chợ Lách, Bến Tre cho biết nhờ quán nấu ăn ngon, thực phẩm an toàn, người phục vụ thân thiện và nhiệt tình nên lúc nào quán cũng đông khách. Bình quân mỗi ngày có khoảng 200 khách đến dùng cơm trưa vào các ngày từ thứ hai đến thứ bảy hằng tuần. Đặc biệt, những ngày cao điểm số người ăn tăng gấp 2 – 3 lần.
Số người giúp việc trong quán có 5 người, kể cả ông Vụ, đều tự nguyện tham gia không nhận thù lao. Để phục vụ một cách chu đáo, ân cần, nhiều người phải thức dậy từ 4 giờ sáng và làm việc liên tục đến 14 – 15 giờ để đi chợ, nấu nướng, lau chùi, dọn dẹp… Tuy làm việc rất vất vả nhưng lúc nào các thành viên cũng vui vẻ, niềm nở với khách. Phương châm của quán là “Ươm mầm hạnh phúc và chia sẻ bữa cơm trưa cùng người lao động thu nhập không cao”.
Khi hỏi về chi phí dành cho quán cơm, ông Vụ cho biết ngoài tiền cơm 5.000 đồng/phần, người có điều kiện có thể chia sẻ bằng cách cho vào thùng phước thiện một ít tiền với tinh thần của ít lòng nhiều. Ngoài ra, hội cơm chay gồm những nhà hảo tâm, những tình nguyện viên, các mạnh thường quân trong và ngoài nước sẽ tài trợ thêm để mua lương thực, thực phẩm phục vụ cho các quán ăn.
Với anh Hòa có thể không giàu về của cải nhưng giàu lòng nhân ái và yêu thương. Những người lao động đến với Thiên Phước có thể thiếu thốn tiền bạc nhưng họ không thiếu thốn sự quan tâm, bởi lẽ, bất cứ khi nào đến đây, họ đều tìm thấy những ân cần và hạnh phúc nơi quán nhỏ.