[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: "Tiệm" tóc 0 đồng của thầy hiệu trưởng ở làng quê nghèo Hà Tĩnh
Xuất phát từ việc những học sinh nghèo không có tiền cắt tóc, một số cố tình để đầu bù tóc rối, thầy Hiệu trưởng một trường làng ở Hà Tĩnh đã nảy ra ý tưởng mở tiệm cắt tóc 0 đồng.
Thợ cắt tóc "đặc biệt"
Tiệm cắt tóc 0 đồng chỉ vừa “khai trương” gần 2 tháng nhưng đã thu hút khá đông học sinh tham gia. Cứ vào mỗi buổi chiều, các thầy giáo tại trường THCS Thụ Hậu (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) lại trở thành những người thợ cắt tóc bán chuyên. Những học sinh với đầu tóc tốt, rối bù lần lượt được các thầy cắt tỉa gọn gàng.
Tiệm được mở ở một góc để xe của nhà trường, không biển quảng cáo sặc sỡ, chỉ vài chiếc ghế nhựa, một bồ đồ nghề đơn sơ và vài tấm vải trùm đi mượn... Thế nhưng, sau gần 2 tháng “khai trương”, tiệm cắt tóc 0 đồng do các thầy giáo tại trường THCS Thụ Hậu làm thợ luôn đông khách vào những giờ ngoại khoá.
Có thể bạn quan tâm
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Người đàn ông 16 năm gắn bó với "nghề" hút đinh trên quốc lộ 1A
11:00, 02/01/2020
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Quán cơm chay 5.000 đồng của người đàn ông "mê' làm từ thiện
10:09, 25/12/2019
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Anh tài xế Grab và những chuyến xe 0 đồng
15:32, 24/12/2019
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Chàng trai trẻ 9X và những bữa ăn miễn phí cho trẻ em nghèo ở Sài Gòn
11:11, 23/12/2019
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Lại thêm một kẻ “mày biết tao là ai không?”
09:23, 21/12/2019
Thầy Lê Xuân Hùng (giáo viên môn Sinh Hóa) cho biết: "Thời gian đầu học sinh còn e ngại, sợ các thầy cắt không đẹp nên các thầy hiệu trưởng xung phong làm “vị khách” đầu tiên rồi đến các thầy khác lần lượt ngồi xuống cắt. Sau khi thấy các thầy cắt các em mới chịu vào, giờ thành thông lệ rồi, cứ vào các buổi chiều thứ 2, thứ 4, thứ 6 là các em lại háo hức xếp hàng để chờ đến lượt cắt tóc".
Thầy Hùng là một trong 4 "thợ cắt tóc" tại tiệm tóc đặc biệt này. Tất cả những người thợ ở đây đều không được học khóa đào tạo cắt tóc nào nhưng rất khéo léo, cắt tỉa đầu tóc cho các em rất gọn gàng và đẹp. “Thời sinh viên chúng tôi không có tiền để ra tiệm cắt tóc, mấy đứa bạn thường tự cắt cho nhau, vì vậy mà cũng biết một chút tay nghề", thầy Hùng chia sẻ.
Để không ảnh hưởng đến việc học của các em, tiệm cắt tóc mở cửa vào những buổi chiều. "Buổi sáng là giờ học chính khóa nên các em không thể nghỉ được, còn thời gian buổi chiều là giờ học ngoại khóa nên các em có thể linh động hơn", thầy Hùng cho hay.
“Cắt tóc để hiểu học sinh hơn”
Đó là chia sẻ của Đặng Hữu Tường, Hiệu trưởng trường THCS Thụ Hậu khi nói về ý tưởng làm tiệm tóc 0 đồng đặc biệt này. “Việc nắm bắt tâm lý học sinh đóng vai trò cực kỳ quan trọng, nhất là học sinh cấp 2 này thường trong giai đoạn phát triển tâm lý nhạy cảm. Các thầy có thể vừa cắt tóc, vừa trò chuyện với các em để nắm bắt tâm lý, hoàn cảnh và hiểu các em hơn, từ đó có thể chia sẻ, giúp đỡ các em trong việc học tập”, thầy Tường cho biết.
Cũng theo thầy Tường, trường nằm ở khu vực nông thôn, nhiều gia đình học sinh bố mẹ đều là nông dân, có em bố mẹ đi làm xa ở với ông bà. Chính vì vậy, các em rất ngại xin tiền ông bà, hoặc nhiều khi ông bà cũng không có tiền để cho các em đi cắt tóc thường xuyên.
“Vào đầu năm học, thấy nhiều em đến lớp đầu tóc tốt, rối bù, trông rất luộm thuộm, nhếch nhác. Lúc đầu, tôi gọi các em lại định phê bình, nhưng khi hỏi lý do thì mới biết được hoàn cảnh của các em. Thời gian đầu, tôi cho tiền ra tiệm cắt, sau đó tôi nghĩ rằng về lâu dài sẽ không ổn nên đã đề xuất mở mô hình tiệm tóc 0 đồng trong một cuộc họp giao ban của trường. Được các thầy cô ủng hộ và xung phong làm thợ nên tiệm cắt tóc 0 đồng được “khai sinh”, thầy Tường chia sẻ thêm.
Vừa có đầu tóc mới, gọn gàng, em Trần Đức Báo (học sinh lớp 6) vui vẻ: “Trước đây, mỗi lần cắt ở tiệm mất 15 ngàn đồng nên thỉnh thoảng em mới dám xin tiền để cắt. Từ ngày nhà trường mở tiệm cắt tóc này em không còn phải ra ngoài tiệm nữa. Các thầy cắt đẹp lại được miễn phí nữa, em được thầy cắt lần thứ 2 rồi”.
Cũng vì hoàn cảnh bố mẹ phải đi làm ăn xa, em Phan Văn Thắng ở nhà với ông bà. Ông bà chỉ làm mấy sào ruộng nên cuộc sống rất khó khăn. Mỗi lần muốn cắt tóc Thắng phải gọi điện vào xin bố mẹ. Vừa thương ông bà, vừa thương bố mẹ nên em rất ngại việc cắt tóc. “Từ ngày nhà trường mở tiệm cắt tóc này em không phải xin tiền ông bà, bố mẹ nữa. Cứ tóc tốt em lại xuống nhờ các thầy cắt. Em cắt lần thứ 2 rồi, rất đẹp ạ”, Thắng cười.
Để góp phần chung tay xây dựng xã hội của chúng ta ngày càng tốt đẹp, Ban biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ” mong nhận được những ý kiến, bài viết của quý độc giả, học giả, chuyên gia về vấn đề trên. Bài vở xin gửi về hòm thư nguoiviettute@dddn.com.vn Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ. Trân trọng cảm ơn. |