[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Hành trình mang hơi ấm tới người vô gia cư

Nguyễn Khánh Trang (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) 20/01/2020 06:29

Suốt 7 năm qua, mỗi tối thứ Bảy hàng tuần, nhóm ẤM lại rong duổi khắp các con phố để tìm và giúp đỡ những người vô gia cư.

Có ai đó từng nói, nghĩ về Hà Nội, họ hay nhớ đến một thành phố không ngủ, một thành phố mà về đêm, luôn đông vui và lấp lánh ánh đèn từ các chung cư cao tầng, từ các nhà hàng sang trọng và những con phố sầm uất… Nhưng ít ai biết, "Hà Nội không ngủ" còn dành để nói về những người vô gia cư lấy vỉa hè làm giường, đường phố là nhà.

Nhóm Ấm chia sẻ với người vô gia cư trong đêm đông.

Nhóm Ấm chia sẻ với người vô gia cư trong đêm đông.

Người vô gia cư ở Hà Nội rất nhiều, thường sống theo nhóm nhỏ hoặc đơn côi. Phần lớn họ tập trung ở khu vực phố cổ, chợ Đồng Xuân hay "xóm ngụ cư" Long Biên. Ban ngày, họ hoà vào dòng người mưu sinh trên phố. Tối đến, thành phố lên đèn, họ tìm về những mái hiên, vệ đường nghỉ ngơi. Không nhà, không người thân, không tình thương, trời Hà Nội những ngày này rét mướt vô cùng, những đêm đông của người vô gia cư trở thành "những đêm không ngủ".

Thành lập từ năm 2013, bởi chị Nguyễn Hoàng Thảo (SN 1985, giảng viên tiếng Nhật của trường Đại học Hà Nội) với vài ba thành viên là bạn bè của Thảo tự quyên góp quần áo, tiền rồi mua thức ăn, tìm đến các khu chợ, gầm cầu tặng cho người vô gia cư. 

Trung Anh cùng nhóm thiện nguyện họp bàn trước khi lên đường mang hơi ấm tới người vô gia cư.

Trung Anh cùng nhóm thiện nguyện họp bàn trước khi lên đường mang hơi ấm tới người vô gia cư.

Nhưng càng đi lại càng chứng kiến ngoài kia có quá nhiều những người bất hạnh, Thảo đã kêu gọi mọi người qua facebook ủng hộ quần áo ấm, thức ăn... để làm từ thiện. Nhóm Ấm cũng ra đời từ đó. 

Hiện Thảo sang Nhật du học nên vị trí trưởng nhóm được giao lại cho chàng trai sinh năm 1992 Vũ Trung Anh. Với khát vọng những hành trình thiện nguyện của nhóm sẽ diễn ra một cách có ý nghĩa nhất đều đặn, 23h ngày thứ bảy hàng tuần, đoàn tình nguyện của Ấm bắt đầu lên đường tìm kiếm những người vô gia cư. 

Có thể bạn quan tâm

  • [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] “Điều ước bất tử” trao trọn ước mơ cho 300 bệnh nhi

    [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] “Điều ước bất tử” trao trọn ước mơ cho 300 bệnh nhi

    13:18, 17/01/2020

  • [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Người phụ nữ chuyên đi bắc cầu từ thiện ở Đồng Tháp

    [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Người phụ nữ chuyên đi bắc cầu từ thiện ở Đồng Tháp

    11:00, 16/01/2020

  • [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Cảm phục cụ ông 90 tuổi miệt mài đi bán đậu phộng để làm từ thiện

    [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Cảm phục cụ ông 90 tuổi miệt mài đi bán đậu phộng để làm từ thiện

    11:22, 15/01/2020

  • [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Những chuyến xe nghĩa tình cho bệnh nhân ung thư

    [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Những chuyến xe nghĩa tình cho bệnh nhân ung thư

    11:00, 14/01/2020

  • [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Mang Tết ấm tới bệnh nhân bệnh viện Chợ Rẫy

    [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Mang Tết ấm tới bệnh nhân bệnh viện Chợ Rẫy

    11:03, 13/01/2020

Để bắt đầu hành trình, khoảng 20h tối, những tình nguyện viên của Ấm đã họp nhau lại để chia cung đường. Thường một nhóm sẽ chia nhau về các điểm người vô gia cư thường xuyên tá túc ở các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng. Nhóm còn lại tiến về quận Hoàn Kiếm - nơi thường xuyên có những người sống vật vờ đầu đường xó chợ. 23h, nhóm bắt đầu lên đường. Sau mỗi buổi đi trao quà, nhóm đều tổng kết ngay tại vỉa hè, đồng thời điểm danh các thành viên rồi mới ra về.

dff

Tình người ấm áp trong những món đồ nhỏ mà Ấm tặng cho người vô gia cư.

Chọn khung giờ hơi muộn dù biết có thể gặp nguy hiểm, nhưng theo kinh nghiệm của nhóm Ấm, đây là thời điểm những người vô gia cư đã kết thúc một ngày mưu sinh và “ổn định” chỗ ngủ nên dễ tiếp cận.

Trưởng nhóm Trung Anh tâm sự: “Những người vô gia cư tuy nghèo đói, nhưng họ cũng rất tự trọng, và tâm lý cũng có nhiều ẩn ức. Vì thế trong cách tiếp cận phải tinh tế, của cho không bằng cách cho. Chúng tôi có những quy tắc “bất thành văn”: đến mỗi địa điểm có người vô gia cư, nhóm sẽ dừng xe và tắt máy cách xa họ một khoảng cách đủ để họ không bị đánh thức và lặng lẽ đặt đồ ăn bên cạnh. Còn đối với những người đang thức, sẽ là những lời tâm sự, hỏi han xem họ thiếu gì, cần gì, đặc biệt khi trò chuyện thì phải ngồi xuống ngang bằng bởi những người vô gia cư thường rất tự ti, chỉ một hành động “vô ý” có thể khiến họ cảm thấy mình không được tôn trọng”.

"Nhà" của người vô gia cư là vỉa hè, gầm cầu,...

Mỗi dịp Tết đến, Ấm lại tổ chức gói bánh chưng rồi trao tặng những phận người lang thang cơ nhỡ. Đi kèm với bánh chưng còn có mứt kẹo, áo mưa, và đặc biệt không thể thiếu phong bao lì xì để vẹn nguyên không khí Tết. Dù là ai đi chăng nữa, hoàn cảnh thiếu thốn ra làm sao, họ vẫn xứng đáng có một cái Tết đủ đầy.

Trên hành trình mang Tết sớm đến với người lang thang hình ảnh cụ Nguyễn Văn Hùng lại khiến nhiều người khắc khoải. Cụ làm nghề bơm xe dạo 20 năm nay, thu nhập chẳng đáng bao nhiêu. Đông này, cụ mặc chưa đủ ấm, ăn chưa đủ no, chân tay lại yếu. Trời về đêm lạnh buốt, chỗ nào tiện thì cụ ngả lưng. Nhiều đêm, giấc ngủ với cụ không thể tròn trịa.

Hành trang mưu sinh của những người vô gia cư

Hành trang mưu sinh của những người vô gia cư

"Bên ngoài thấy người ta sắm Tết, tôi cũng buồn lắm vì không có người thân, không có tiền để mà mua. Khó khăn như vậy, nhưng được tặng bánh chưng tôi vui lắm. Trời rét cũng cảm thấy ấm lòng. Tôi tuy nghèo, nhưng cũng có cái Tết như bao người khác" - cụ Hùng tâm sự.

Nguyễn Đình Chiểu là con phố ông Hùng mở "tiệm" sửa xe, cả gia tài chỉ có con xe đạp cà tàng và chiếc bơm. Cụ Hùng kể đã mấy năm rồi ông không được về quê đón tết, vì phải ở lại kiếm thêm chút đỉnh ra năm lấy tiền thuốc thang.

Mong ước của những phận đời vô gia cư, không phải một mái nhà hay những bộ áo mới. Họ cho đó là xa xỉ. Đơn giản thôi, mong rằng đêm xuống mưa bé, trời bớt lạnh, để có giấc ngủ trọn vẹn. Chẳng ai rõ ngày sau sẽ ra sao, nhưng cứ phải sống hết mình cho hôm nay cái đã. Với nhiều người lang thang cơ nhỡ, Tết hạnh phúc là khi có chiếc bánh chưng, đôi tất mới cùng vài ba bộ quần áo thừa. 

Đã bao nhiêu đêm cuối tuần của nhóm Ấm trôi qua, Trung Anh cũng không nhớ nữa, chỉ biết nhóm đã đi hàng vạn dặm đường trong thành phố, những ngõ ngách tối tăm, gầm cầu, bến xe..., những cảnh đời éo le đều trở nên quen thuộc. Và cứ tối thứ bảy càng mưa rét, họ lại lên đường đ tới những nẻo đường, góc phố có rất nhiều người vô gia cư. Những nơi họ đến, mùa đông bỗng trở nên ấm áp.

Để góp phần chung tay xây dựng xã hội của chúng ta ngày càng tốt đẹp, Ban biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ” mong nhận được những ý kiến, bài viết của quý độc giả, học giả, chuyên gia về vấn đề trên.

Bài vở xin gửi về hòm thư nguoiviettute@dddn.com.vn

Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ.

Trân trọng cảm ơn.

Nguyễn Khánh Trang (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội)