[NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Tuần từ 16-22/3

Khánh Hà 22/03/2020 12:46

Những câu chuyện ấm tình người làm cho mỗi chúng ta trở nên tĩnh tâm hơn trong những ngày "đại dịch" này.

Lớp học đặc biệt mang tên Hy vọng do các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương thành lập dành cho các bệnh nhi không may mắc bệnh hiểm nghèo phải điều trị dài ngày tại viện; Cô giáo gắn bó 8 năm với lớp tiếng Anh miễn phí tại trung tâm nuôi dạy trẻ em đường phố; Gần 140 khách sạn đăng ký làm nơi cách ly dịch COVID-19; Người đàn ông mắc bệnh hiểm nghèo đi vớt rác dưới kênh để bảo vệ môi trường...

Có một lớp học mang tên 'Hy vọng'

Lớp học với đủ lứa tuổi khác nhau, được đến từ mọi miền quê.

Lớp học với đủ lứa tuổi khác nhau, được đến từ mọi miền quê.

Gần 9 năm qua, có một lớp học mang tên “Hy vọng” nằm trong khuôn viên Bệnh viện Nhi Trung ương, được duy trì đều đặn từ thứ hai đến thứ sáu dành cho các bệnh nhi đang điều trị nội trú tại đây.

Lớp học đặc biệt này không chỉ mang kiến thức, niềm vui mà cả niềm tin, niềm hy vọng chiến thắng bệnh tật đến những người bệnh nhỏ tuổi.

Chứng kiến nhiều em nhỏ không may mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo phải nằm viện điều trị dài ngày làm gián đoạn việc học tập hoặc không có cơ hội được đến trường, từ năm 2011, ban lãnh đạo và đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Nhi Trung ương quyết tâm tổ chức một lớp học ngay tại bệnh viện với tên gọi “lớp học Hy vọng”.

>>> Chi tiết xem TẠI ĐÂY

Lớp học đặc biệt ở Mái ấm Tình hồng

Tuy chỉ có 7 học viên nhưng lớp học của cô Sương trải dài từ THCS đến THPT

Tuy chỉ có 7 học viên nhưng lớp học của cô Sương trải dài từ THCS đến THPT

Cứ vào chiều thứ 4 và chủ nhật hàng tuần, trung tâm nuôi dạy trẻ em đường phố (Mái ấm Tình hồng) ở khu phố 7, phường 3, TP Đông Hà lại rộn rã tiếng học hành của các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt. Đây là lớp học tiếng Anh miễn phí, đã được duy trì hơn 8 năm qua.

Người cô, người mẹ, người chị gái luôn đồng hành, dạy dỗ, chỉ bảo và chia sẻ với các em những vui buồn trong cuộc sống là cô Nguyễn Thị Lệ Sương (SN 1979, trú tại đường Phan Đình Phùng, Phường 1, TP Đông Hà, Quảng Trị).

Cô Sương tốt nghiệp ngành sư phạm Anh, trong một lần tình cờ, cô được biết đến trung tâm này. Càng tìm hiểu cô càng thấy đồng cảm và thương các hoàn cảnh của các em ở đây nên cô quyết định dạy miễn phí cho các em.

Cô Sương cho hay, bắt đầu từ năm 2011, cô cùng các đồng nghiệp cùng lên và dạy ở trung tâm, mỗi người chủ động phân chia và sắp xếp thời gian cho hợp lí để đứng lớp phụ trách dạy từng bộ môn cho học sinh. Nhưng về sau, số lượng các giáo viên giảm dần, đến hiện tại, chỉ còn mỗi cô Sương gắn bó với trung tâm này.

>>> Chi tiết xem TẠI ĐÂY

Gần 140 khách sạn đăng ký làm nơi cách ly dịch COVID-19

Đội ngũ phục vụ thức ăn và kiểm tra y tế đối với người cách ly thường xuyên túc trực, họ cũng

Đội ngũ phục vụ thức ăn và kiểm tra y tế đối với người cách ly thường xuyên túc trực, họ cũng "cùng cách ly" tại khách sạn.

Tính đến sáng 19/3 đã có khoảng 140 cơ sở trên cả nước đăng ký làm khu cách ly. Trong đó, Đà Nẵng là địa phương có nhiều cơ sở nhất. Các cơ sở này sẽ được Sở Y tế kiểm tra điều kiện cần thiết trước khi chính thức trở thành khu cách ly.

Hiện nay, các cơ sở có muốn trở thành khu cách ly có thể đề xuất 2 phương án là cách ly miễn phí và cách ly trả phí. Theo ông Chính, việc cho chính quyền mượn cơ sở làm khu cách ly miễn phí là điều đáng quý. Tuy nhiên, nếu các khách sạn, resort yêu cầu trả phí cách ly, điều này cũng không hề sai.

Về vấn đề này, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký, Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), cho biết cần cảm ơn những chủ khách sạn đã chấp nhận để cơ sở lưu trú của mình thành khu cách ly.

Đồng thời ông Chính cho rằng, miễn phí được thì tốt, đặc biệt là cho những người Việt Nam có thu nhập thấp. Trường hợp người nước ngoài nên thu phí sòng phẳng nhưng vẫn cần có mức giá hợp lý. Họ có thu nhập cao hơn, đã mua bảo hiểm du lịch khi tới Việt Nam.

"Các cơ quan truyền thông nên chia sẻ những tấm gương cống hiến cho xã hội như họ. Việc biến khách sạn thành khu cách ly khiến nhiều doanh nghiệp chịu thiệt về tài chính, cơ sở vật chất. Tuy nhiên, họ đang chung tay, góp sức làm đẹp hình ảnh một Việt Nam an toàn trong mắt cả khách nội địa lẫn quốc tế", ông Chính nói.

>>> Chi tiết xem TẠI ĐÂY

Người đàn ông mắc bệnh hiểm nghèo đi vớt rác dưới kênh để bảo vệ môi trường

Ông Minh hàng ngày bơi xuồng đi vớt rác trả lại sự thông thoáng cho con kênh.

Ông Minh hàng ngày bơi xuồng đi vớt rác trả lại sự thông thoáng cho con kênh.

Hơn một năm nay, có dịp đi ngang qua con kênh Kiều Hạ (ấp Phú Hòa - xã Tân Phú Đông- Sa Đéc-Đồng Tháp) ta đều dễ bắt gặp hình ảnh một người đàn ông dáng gầy gò hàng ngày bơi xuồng vớt rác dưới kênh.

Đó là ông Trương Hùng Minh, 48 tuổi, ngụ tại địa phương. Tuy không được nhận tiền công từ việc vớt rác này nhưng hàng ngày ông Minh vẫn cần mẫn đi vớt rác để trả lại sự thông thoáng, sạch sẽ cho con kênh. Nghĩa cử cao đẹp vì cộng đồng của ông đã khiến nhiều người nể phục.

Chính nhờ sự cần mẫn vớt rác hàng ngày của ông Minh mà con kênh Kiều Hạ giờ đây đã sạch sẽ, thông thoáng, không còn rác thải như trước giúp cho hơn 130 hộ dân sống trên dòng kênh có được nguồn nước tưới tiêu và sinh hoạt hàng ngày.

Không chỉ tự nguyện đi vớt rác hàng ngày dưới kênh mà ông Minh còn đăng ký làm thành viên của câu lạc bộ vệ sinh môi trường ấp Phú Hòa- xã Tân Phú Đông, để cùng các thành viên trong câu lạc bộ tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, thu gom rác, sửa đường nông thôn… Việc gì cần sự chung tay của cộng đồng là có ông tham gia.

Hăng hái với các công việc vì cộng đồng nhưng ít có ai biết rằng, sau những giờ phút dành cho các hoạt động thiện nguyện là khoảng thời gian ông phải đối mặt với những cơn đau oằn oại do khối u trong phổi hoành hành, có tuần ông Minh phải ho ra máu 3 đến 4 lần.

Được biết, chi phí điều trị bệnh của cho ông Minh là khoảng 60 triệu đồng nhưng với hoàn cảnh gia đình hiện tại thì bản thân ông Minh không thể nào có được số tiền lớn như thế đề điều trị bệnh. Vì thế, rất cần sự chung tay giúp đỡ từ các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân để ông có thể vượt qua bệnh tật.

>>> Chi tiết xem TẠI ĐÂY

Khánh Hà