[NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Tuần từ 6-11/4
Những câu chuyện ấm tình người làm cho mỗi chúng ta trở nên tĩnh tâm hơn trong những ngày "đại dịch" này.
Cộng đồng doanh nghiệp trong ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ tiếp năng lượng cho các y bác sỹ tuyến đầu đẩy lùi đại dịch COVID-19; Chiếc "máy ATM nhả gạo" tự động phát gạo miễn phí cho người nghèo, người hoàn cảnh khó khăn tại TPHCM; Nhà chùa đồng hành chống dịch khi vận động may hàng ngàn khẩu trang vải tặng người dân; Hai vợ chồng chủ quán cơm chay treo biển nghỉ bán để nấu cơm, phát gạo miễn phí cho người dân qua giai đoạn "cách ly xã hội"; Ấm lòng với những suất ăn "ai cần cứ đến lấy" giành cho những người nghèo ở Hà Nội,...
1. Doanh nghiệp đồng lòng “truyền lửa” nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19
Thấu hiểu sự vất vả của ngành y tế với nỗi lo chung của Đảng và Nhà nước đối với toàn dân, là những “chiến sĩ” trên mặt trận kinh tế, mặc dù còn nhiều khó khăn do đại dịch gây ra, cộng đồng doanh nhân ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ vẫn luôn sẵn sàng là hậu phương vững chắc cho các chiến sĩ tuyến đầu chống dịch. Với tinh thần đó, Quỹ Đồng Lòng do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) đứng ra kết nối, kêu gọi và nhận được rất nhiều sự đóng góp cũng như tiếp sức của các cá nhân cũng như doanh nghiệp trong ngành.
Quỹ thực hiện hưởng ứng các chương trình chống dịch của Chính phủ và UBMTTQ Việt Nam. Tiếp sức cho đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, tình nguyện viên đang làm nhiệm vụ tại các trung tâm cách ly.
Với sự ủng hộ và tiếp sức nhiệt tình từ các doanh nhân, cuối tháng 3 vừa qua, đại diện HAWA đã có buổi gặp gỡ và trao số tiền ủng hộ cho lãnh đạo Mặt trận Tổ Quốc TP.HCM, tổng số tiền ủng hộ gần 100.000.000 đồng được trao tặng để dành riêng cho việc cung cấp các vật dụng và nhu yếu phẩm cần thiết cho khu cách ly ĐH Quốc Gia TP.HCM.
Tại miền Bắc, nhằm chia sẻ gánh nặng với hai bệnh viện tuyến đầu là bệnh viện đa khoa Đức Giang và bệnh viện đa khoa Bắc Thăng Long, HAWA cũng tài trợ 2000 bộ đồ bảo hộ với mong muốn góp chút sức lực, cổ vũ, động viên tinh thần cho các y bác sỹ thêm sức mạnh đẩy lùi dịch bệnh.
>>> Chi tiết xem TẠI ĐÂY
2. Chiếc "ATM nhả gạo" tiếp sức cho người nghèo qua mùa dịch COVID-19
Những ngày qua, máy "ATM nhả gạo" miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn (đường Vườn Lài, quận Tân Phú, TP. HCM) đã lan toả nhiều hơn đến cộng đồng, được người dân ủng hộ.
Chủ nhân của chiếc máy “ATM gạo” là anh Hoàng Tuấn Anh (ngụ quận Tân Phú) cho biết: “Để hạn chế dịch lây lan trong việc phát gạo, tôi đã tận dụng máy móc có sẵn rồi đem chế tạo ra chiếc máy phát gạo tự động 24/24h này mong có thể giúp được người nghèo khó, cô, chú bán vé số có thêm được bữa cơm ấm bụng”. Từ lúc hoạt đến đến giờ, chiếc máy “ATM gạo” đã phát gạo miễn phí cho hàng ngàn người nghèo.
Ý tưởng "ATM gạo" xuất phát từ những vật dụng do công ty mình làm ra, anh Tuấn Anh đã tận dụng để sáng tạo một chiến máy tự động phát gạo miễn phí cho người nghèo, người hoàn cảnh khó khăn.
>>> Chi tiết xem TẠI ĐÂY
3. Nhà chùa vận động may hàng ngàn khẩu trang vải tặng người dân phòng chống dịch
Những ngày này, có dịp đến chùa Phước Hưng (còn được gọi là Chùa Hương), mọi người sẽ bắt gặp những hình ảnh khác lạ tại ngôi chùa này.
Những tiếng chuông chùa giờ được thay thế bằng tiếng lách cách của những chiếc máy may của các thợ may chuyên và không chuyên đang tất bật với công việc may khẩu trang tặng người dân chống dịch.
Hoạt động may khẩu trang từ thiện này được nhà chùa phát động trong mấy ngày qua và đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ nhiều bà con phật tử. Mỗi ngày có gần 20 phật tử tập trung về đây, không ai bảo ai, mỗi người một công việc từ khâu cắt vải, đạp máy may cho đến việc cho khẩu trang vào bao nilon.
Tất cả đều được mọi người làm việc hết sức mình với mong muốn tạo ra những chiếc khẩu trang vừa bền chắc vừa đảm bảo chất lượng đưa đến tay người dân.
>>> Chi tiết xem TẠI ĐÂY
4. "Tấm lòng vàng" của vợ chồng chủ quán cơm chay
Để hỗ trợ người nghèo, người bán vé số trong thời gian cách ly xã hội, quán cơm chay Bình An (quận 10, TP HCM) phối hợp cùng các nhà hảo tâm cùng nhóm từ thiện phục vụ các suất cơm miễn phí trong 14 ngày, với phương châm "Ai khó sẽ có 1 phần".
Được biết quán cơm chay Bình An là của vợ chồng chị Trang (35 tuổi, quê Vĩnh Long). Trước đây, chị làm việc trong một bệnh viện ở Cần Thơ. 5 năm trước, chị và anh Nhựt, quê Đồng Tháp kết hôn. Sau đó, chị nghỉ việc ở bệnh viện, cùng chồng đến TP.HCM mở quán ăn chay.
Chị cho biết, mỗi ngày, hai vợ chồng thu nhập 6-7 triệu đồng từ việc kinh doanh quán ăn. Khi có lệnh cách ly toàn xã hội, vợ chồng chị cùng hai nhân viên trong quán vừa nấu bán, vừa phát từ thiện cho người lao động nghèo.
Suất cơm miễn phí được phát theo 2 khung giờ lúc 10 giờ đến 12 giờ sáng và 15 giờ đến 17 giờ chiều. Nhưng từ 9 giờ sáng mỗi ngày, người lao động nghèo, người bán vé số, ve chai đã đến, đeo khẩu trang, đứng xếp hàng theo vạch với khoảng cách 2m, để đợi nhận cơm từ thiện.
>>> Chi tiết xem TẠI ĐÂY
5. Ấm lòng những suất ăn miễn phí 'ai cần cứ đến lấy'
Là một chủ doanh nghiệp ở Hà Nội, cũng gặp không ít khó khăn bởi dịch COVID-19, nhưng nghĩ đến những người nghèo ở đô thị còn khó khăn hơn mình rất nhiều, anh Nguyễn Phan Huy Khôi đã nảy ra ý tưởng khởi xướng chương trình "Chia sẻ thực phẩm hàng ngày, cùng nhau vượt qua COVID-19".
Anh Khôi bộc bạch: “Trước đây, vợ chồng tôi cũng hay tham gia các hoạt động từ thiện xã hội tại vùng sâu, vùng xa. Đợt dịch COVID-19 này làm mình cảm nhận rõ và nhận ra trong bao nhiêu năm làm từ thiện xã hội, có một đối tượng mà mình quên mất, đó là người nghèo ở đô thị. Họ sống cùng chúng ta trong đô thị, nên chúng ta thường quên nghĩ đến họ như những người cần giúp đỡ”.
Theo anh Khôi, người nghèo đô thị có mấy nhóm, có nhóm từ nông thôn di dân vào thành phố để lao động chân tay, có nhóm thị dân lao động, có nhóm lang thang vô gia cư... Nhiều người còn nghèo hơn, khó sống hơn cả người nghèo ở nông thôn, làng bản. Họ dễ sống nhất, nhưng cũng mong manh nhất, dễ tổn thương nhất, và dễ bị lãng quên nhất.
“Dịch bệnh xảy ra, những người về được với ruộng vườn thì đã về rồi, còn có những người không thể về, không có chỗ về, họ đang và sẽ sống thế nào nếu dịch dã cứ kéo dài mãi thế”, anh Khôi trăn trở.
Từ suy nghĩ, trăn trở của bản thân, anh Khôi đã lập ra 3 điểm phát đồ ăn miễn phí ở tại số 63 - 65 Hàm Long, quận Hoàn Kiếm; quán Cafe N2F, đầu ngõ 54 Lê Văn Lương (Thanh Xuân - Hà Nội) và Cổng chính ký túc xá (KTX) Mễ Trì, số 182 Lương Thế Vinh (Thanh Xuân - Hà Nội).
>>> Chi tiết xem TẠI ĐÂY
Để góp phần chung tay xây dựng xã hội của chúng ta ngày càng tốt đẹp, Ban biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ” mong nhận được những ý kiến, bài viết của quý độc giả, học giả, chuyên gia về vấn đề trên. Bài vở xin gửi về hòm thư nguoiviettute@dddn.com.vn Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ. Trân trọng cảm ơn. |