Vấn nạn sách giả, sách lậu (Bài 5): Hành trình “truy vết”…

Gia Nguyễn – Vinh Đức 09/07/2020 11:01

Nhắc đến vấn nạn sách giả, sách lậu không thể bỏ qua khâu đoạn in ấn trong quy trình xuất bản, đây được coi là khâu đoạn tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến hoạt động sản xuất sách giả, sách lậu…

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã đề cập tại số báo thứ 55 (2.369) ra ngày 08/7/2020, cuộc chiến chống sách giả, sách lậu vẫn hiển hiện nhiều bất cập xung quanh câu chuyện hành lang pháp lý, đặc biệt là việc mập mờ khái niệm trong quy trình xử lý, đang trở thành nguyên nhân dẫn đến tình trạng “nhờn luật” của những đối tượng sản xuất và buôn bán sách giả, sách lậu. Trong khi, nếu đưa đúng về bản chất của hành vi, có thể áp dụng chế tài mạnh tay trong xử lý.

Hành trình “truy vết” sách giả, sách lậu đã được lực lượng chức năng vào cuộc sau loạt bài viết của Diễn đàn Doanh nghiệp

Hành trình “truy vết” sách giả, sách lậu đã được lực lượng chức năng vào cuộc sau loạt bài viết của Diễn đàn Doanh nghiệp

Theo chân lực lượng chức năng

Sau loạt bài viết Diễn đàn Doanh nghiệp đã nêu về vấn nạn sách giả, sách lậu, ngày 07/7/2020 lực lượng chức năng đã tiến hành tổng kiểm tra “truy vết” sách giả, sách lậu từ quy trình in ấn. Theo đó, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) và Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội đã chọn hai điểm “nóng” 418 Bạch Mai, Hai Bà Trưng (Hà Nội) và khu vực kho Trần Quý Cáp, Đống Đa (Hà Nội), nơi tập trung hoạt động của hàng loạt các cơ sở, xưởng in, có dấu hiệu nghi vấn.

Ngoài kiểm tra giấy phép, điều kiện hoạt động,… lực lượng chức năng cũng tiến hành thẩm tra nguồn gốc sản phẩm đang được gia công tại các cơ sở, xưởng in. Quá trình làm nhiệm vụ, lực lượng chức năng phát hiện một lượng lớn tay sách gia công chưa có bìa nghi là sách giả và một số sách thành phẩm, loại sách ngoại ngữ dành cho trẻ em có tên INTENSIVE (phonics – Smart), bìa 1 có ghi NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần phát triển Giáo dục Việt Nam – VPBOX nhưng không có nội dung thông tin giấy phép theo quy định.

Đáng nói, ngoài việc tạm giữ những hiện vật trên để xác minh làm rõ thì phía đại diện cơ sở cũng cung cấp cho lực lượng chức năng một số giấy tờ liên quan, trong đó có: quyết định xuất bản xuất bản phẩm của NXB Hồng Đức; hợp đồng nguyên tắc; hợp đồng kinh tế;… Tuy nhiên, vẫn còn thiếu một số văn bản giấy tờ liên quan, bản thảo mẫu,…

Theo quan sát của PV, ngoài việc tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến hoạt động sản xuất sách giả, sách lậu, hoạt động của hàng loạt cơ sở, xưởng in tại khu vực số 418 Bạch Mai và kho Trần Quý Cáp còn đang cho thấy nhiều bất cập trong công tác quản lý của chính quyền địa phương khi nhà xưởng của các cơ sở in ấn lụp xụp, san sát nhau, khó đảm bảo an toàn cháy nổ.

Vạch mặt “chiêu trò”…

Lần theo cuốn sách ngoại ngữ dành cho trẻ em có tên INTENSIVE (phonics – Smart), PV liên hệ với quản lý xuất bản của NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, theo số điện thoại 0909.637.xxx, đại diện của đơn vị này cho biết: Hiện nay cuốn sách này chưa được xuất bản, và không có phối hợp gì với các đơn vị in ấn ngoài Hà Nội.

Cũng theo vị đại diện này, nếu phát hiện ra cuốn sách và các vấn đề liên quan, đề nghị phóng viên cùng các cơ quan chức năng làm rõ.

Liên quan đến công tác rà soát, kiểm tra quy trình thực hiện xuất bản, nhằm phòng chống vấn nạn in ấn, xuất bản sách giả, sách lậu, ngay tại các cơ sở, xưởng in, ông Nguyễn Đăng Quang – nguyên Phó tổng giám đốc, NXB Giáo dục Việt Nam chia sẻ: Một cuốn sách được đưa đến nhà in, phải đảm bảo các tiêu chí theo quy định của pháp luật, tại nhà in luôn phải có giấy phép xuất bản, bản thảo mẫu được phê duyệt,...

“Một cuốn sách được xuất bản “nghiêm chỉnh”, luôn đầy đủ thông tin chi tiết tại một trang riêng bao gồm: Tên cuốn sách, NXB, chịu trách nhiệm xuất bản và bản thảo, biên tập, bìa, trình bày, sửa bản in, mã tiêu chuẩn, lượng bản in, in tại, khổ sách, số giấy phép, quyết định số, thông tin nộp lưu chiểu” – ông Quang cho hay.

Gia Nguyễn – Vinh Đức