Huyện Điện Biên: Đẩy mạnh dịch chuyển cơ cấu kinh tế
Huyện Điện Biên đang tập trung khai thác và phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, tiềm năng,... đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XD nông thôn mới
Theo báo cáo của UBND huyện Điện Biên, trong những năm gần đây, kinh tế của huyện tăng trưởng và phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực. Cụ thể, giá trị sản xuất khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản đến năm 2019 đạt 1.225 tỷ đồng, tăng 156 tỷ đồng so với năm 2015; khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 1.677 tỷ đồng, tăng 425 tỷ đồng so với 2015, giá trị sản xuất khu nông - lâm và thủy sản ước đạt 1.077 tỷ đồng, khu công nghiệp - xây dựng đạt 1.730 tỷ đồng...
Đòn bẩy cải cách hành chính
Theo ông Bùi Hải Bình, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, trong những năm gần đây, cải cách hành chính (CCHC) được coi là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị - xã hội, góp phần giảm bớt chi phí xã hội, chi phí ngân sách, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, mở ra những cơ hội cho phát triển, tạo ra sức hấp dẫn của huyện trong mắt các nhà đầu tư.
Đến nay, cơ chế một cửa đã được thực hiện đồng bộ ở cả cấp huyện và cấp xã. Từ năm 2015 đến tháng 3/2020 huyện đã tiếp nhận và xử lý 438.355 thủ tục hành chính. Huyện đã và đang triển khai các giải pháp ứng dụng CNTT trong cung ứng dịch vụ hành chính công. Đến nay 100% xã được cài đặt và sử dụng Hệ thống Hồ sơ công việc; phần mềm một cửa điện tử để quản lý hồ sơ một cửa, một cửa liên thông; kết hợp với Trang Thông tin điện tử huyện http://huyendienbien.gov.vn phục vụ tra cứu thông tin và thủ tục hành chính, liên kết đến các cổng dịch vụ công của tỉnh, quốc gia; phần mềm chỉ đạo điều hành huyện... nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Ông Bình cho biết: 100% cơ quan, ban, ngành, UBND các xã đã được kết nối với hệ thống Hồ sơ công việc của UBND huyện. Hệ thống hồ sơ công việc của UBND huyện đã đảm bảo được việc trao đổi văn bản giữa UBND huyện với các cơ quan chuyên môn, các đơn vị và UBND các xã trên địa bàn huyện. Trong đó 100% văn bản thường được trao đổi qua hệ thống hồ sơ công việc. Huyện Điện Biên đã triển khai dự án lắp đặt hệ thống Hội nghị trực tuyến từ cấp huyện đến 100% các xã thuộc huyện; đồng thời trang bị và tổ chức tập huấn ứng dụng Chữ ký số cho 100% cơ quan, đơn vị và UBND xã trên địa bàn huyện. Việc triển khai hệ thống giao ban trực tuyến, chữ ký số đã rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng
Dù đặc thù là huyện miền núi, biên giới, điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng huyện được xác định là huyện trọng điểm về phát triển kinh tế, xã hội, trọng yếu về an ninh, quốc phòng của tỉnh. Chính vì vậy, huyện đặt mục tiêu cơ cấu ngành kinh tế đến năm 2025: Nông- lâm nghiệp và thủy sản chiếm 21,96%, công nghiệp- xây dựng chiếm 34%, thương mại- dịch vụ chiếm 44,04% thu nhập bình quân đầu người năm 2025 đạt khoảng 50 triệu đồng/ người. Tổng sản lượng lương thực đến năm 2025 đạt trên 79.000 tấn/ năm.
“Với những nền tảng đã đạt được, trong thời gian tới huyện sẽ tập trung khai thác và phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của huyện, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Điều đó góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững; Đẩy mạnh thực hiện Quy hoạch xây dựng huyện Điện Biên gắn với thực hiện các quy hoạch ngành, lĩnh vực trên địa bàn huyện; Tiếp tục CCHC theo hướng rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Đồng thời, rà soát, nâng cao chất lượng, hiệu quả các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, đặc biệt là các dự án đầu tư công và đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã đề ra.”- ông Bình chia sẻ.
Phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới
Sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp năm 2019 đạt 1.421,81 tỷ đồng, năm 2020 theo mệnh giá hiện hành ước đạt 1.589,71 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12,4%. Thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu năm 2019 đạt 2.913 tỷ đồng, ước đến năm 2020 đạt 2.913 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 13%/năm.
Để có được kết quả trên, các thành phần kinh tế được triển khai nhất quán. Năm 2019 toàn huyện có 130 công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân; 51 hợp tác xã; 18 trang trại 2.276 hộ kinh doanh cá thể, tạo thu nhập ổn định cho trên 3.000 lao động.
Đáng chú ý năm 2019, toàn huyện có 16/25 xã được công nhận đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Năm 2020, có 15/21 xã được công nhận đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 41% toàn tỉnh. Đến năm 2025, huyện phấn đấu cơ bản đạt nông thôn mới (Đạt 90% các chỉ tiêu), 21/21 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM, trong đó có 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiêu thủ công nghiệp đến năm 2025 đạt 2.648 tỷ đồng. Thu ngân sách trên địa bàn phấn đấu đến năm 2025 đạt 125 tỷ đồng /năm.