Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch: Cần chiến lược hỗ trợ riêng

Đỗ Huyền thực hiện 13/08/2021 16:08

Theo GS Lê Văn Cường, Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS), trong bối cảnh đại

dịch COVID-19 vẫn đang có những diễn tiến phức tạp thì cần chiến lược hỗ trợ riêng cho từng doanh nghiệp, ngành nghề mới có tính quyết định cho sự sống còn của doanh nghiệp.

LTS: Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang đương đầu với muôn vàn thách thức do tác động của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, điều quan trọng là ba bên gồm Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động cần đồng lòng, thấu hiểu và cùng nhau chia sẻ những khó khăn, đồng thời nắm bắt cơ hội.

Ông Cường nhấn mạnh thời điểm hiện tại, dù vẫn phải thực hiện “mục tiêu kép”, Việt Nam nên tạm thời gác qua một bên sự quan tâm về nhịp độ tăng trưởng kinh tế 6,5% cho năm 2021.

- Vậy, mục tiêu kép mới trong thời điểm hiện tại nên là gì, thưa ông?

Nếu mục tiêu kép trước đây giữ gìn và đẩy mạnh tăng trưởng và giảm tối đa các ca dương tính, thì mục tiêu kép “mới” là: Hạn chế tối đa các ca nhiễm bệnh nặng và tử vong, trong khi vẫn có thể có tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) nhưng với một nhịp độ có thể thấp hơn chỉ tiêu 6,5% cho năm 2021. Những nỗ lực của Việt Nam trong việc cố gắng giữ được tốc độ tăng trưởng là điều đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại khi tình hình đã có những thay đổi khác thì Việt Nam nên tạm thời gác qua một bên sự quan tâm về nhịp độ tăng trưởng kinh tế 6,5% cho năm 2021 (như nêu tại Nghị quyết số 75/NQ-CP banh hành ngày 14/7/2021, tại phiên họp Chính phủ), và tập trung vào chống dịch và đặc biệt chiến lược tiêm vaccine.

- Ở góc nhìn đa quốc gia, ông có thể chia sẻ giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp lúc này?

Bối cảnh kinh tế này cần có cả giải pháp chung và giải pháp riêng. Về các giải pháp chung, Chính phủ vẫn cần tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng miễn giảm và gia hạn các loại thuế, phí... Đơn giản hóa và minh bạch hóa các thủ tục điều kiện tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng của Nhà nước cũng là yếu tố quan trọng để giúp doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, những hỗ trợ thiết thực bao gồm phát triển các thị trường truyền thống khi các quốc gia định vị lại đối tác thương mại, hỗ trợ tìm kiếm, mở rộng các thị trường mới thông qua các hiệp định thương mại tự do.

Về giải pháp riêng có thể tính đến thúc đẩy số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dây chuyền sản xuất, quản trị nguồn lực, thương mại hóa sản phẩm, và bán hàng từ xa. Hỗ trợ từ Chính phủ là quan trọng và cần thiết, nhưng sự sáng tạo và khả năng thích ứng của mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành nghề mới có tính quyết định cho sự sống còn của doanh nghiệp. Khủng hoảng và khó khăn thường là điều kiện tốt cho những thay đổi tích cực và sáng tạo để nâng cao hiệu quả.

Điều kiện kinh doanh nhiều bất thường của năm 2021 rất phù hợp để có những đổi mới đột phá như tìm mô hình kinh doanh mới, xây dựng nền tảng khách hàng mới. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trong điều kiện bình thường các doanh nghiệp ít đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D) và ít gắn đổi mới sáng tạo với các cấu phần khác của chiến lược như sản xuất, kinh doanh, marketing, logistics, nhân sự…

 Do đại dịch, chuỗi cung ứng đã bị đứt gẫy và đảo lộn, trong đó có các hoạt động logistics – xương sống của chuỗi cung ứng.br class=

Do đại dịch, chuỗi cung ứng đã bị đứt gẫy và đảo lộn, trong đó có các hoạt động logistics – xương sống của chuỗi cung ứng. (Cảng Cát Lái TP HCM. Ảnh: Quốc Tuấn)

- Được biết, ông đang sinh sống và làm việc tại Pháp, vậy theo quan sát của ông, Việt Nam có thể áp dụng được điều gì có hiệu quả từ thực tiễn điều hành chính sách của EU, thưa ông?

Ứng xử của Việt Nam với dịch bệnh là kiên quyết và quyết liệt. Để phục hồi nền kinh tế, kích hoạt trở lại các động lực tăng trưởng cần thích ứng và linh hoạt với chiến lược “sống chung với dịch”. Tôi cho là chính sách đúng đắn đối với Việt Nam lúc này.

Mô hình tăng trưởng mới mà các quốc gia EU hướng đến lấy con người làm trung tâm, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, đảm bảo bền vững kinh tế, môi trường và xã hội. Ở nước ta, Thủ tướng và Chính phủ cũng đã định hướng và đưa nền kinh tế vào quỹ đạo này ngay từ những năm đầu của nhiệm kỳ 2016-2021. Thời gian tới rất cần đẩy mạnh hơn nữa.

So với nhiều nước ở Châu Âu hay Mỹ, tâm lý sợ dịch của người Việt và một số nước ở Châu Á có ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động kinh tế xã hội. Tâm lý này làm giảm nhu cầu và tiêu dùng, từ đó đưa đến khó khăn cho các doanh nghiệp trong mở rộng sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập lại càng gặp nhiều khó khăn hơn.

Áp lực cạnh tranh sẽ ngày một lớn trong thời gian tới khi nước ta hội nhập sâu hơn với các thị trường mới thông qua các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, UKVFTA, RCEP… Tuy nhiên, theo tôi, khủng hoảng thường là điều kiện tốt cho những thay đổi tích cực và sáng tạo để nâng cao hiệu quả.

- Cuối cùng, theo dự kinh tế Việt Nam năm 2021 sẽ tăng sẽ khoảng bao nhiêu, thưa ông?

Nếu dịch bệnh được khống chế sớm thì tốc độ tăng trưởng của Việt Nam năm 2021 sẽ có thể rơi vào khoảng từ 5-6%.

Hiện tại, vẫn còn một số yếu tố bất định chúng ta chưa nắm được. Một là tình hình dịch bệnh, tốc độc phổ cập vaccine. Thứ hai là chính sách về thương mại của các quốc gia khi Mỹ có hệ thống lãnh đạo điều hành mới trong 4 năm tới, khi mà Trung Quốc vẫn đang có rất nhiều căng thẳng về biên giới, về địa chính trị với tất cả các quốc gia còn lại trong khu vực và khối kinh tế lớn trên thế giới.

Một nền kinh tế mở như Việt Nam sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các đối trọng về thương mại, vào việc các nền kinh tế như Mỹ, châu Âu sử dụng những chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ như thế nào trong thời gian tới đây để khôi phục nền kinh tế của họ.

- Xin cảm ơn ông!

Sáu đề xuất từ thực tiễn

Những giải pháp đề xuất đề nghị Chính phủ nghiên cứu và áp dụng:

Thứ nhất, duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa ở các doanh nghiệp đã và đang hoạt động bằng những cơ chế đặc biệt tạo điều kiện tối đa về nguyên liệu đầu vào, đầu ra, năng lực sản xuất…

Thứ hai, công bằng chính sách; không phân biệt doanh nghiệp, công ty nhà nước hay tư nhân tất cả các ngành. Chính sách nên tạo nhiều cơ chế để phát huy tối đa nguồn lực các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động.

Thứ ba, tín dụng khẩn cấp; ban hành cơ chế nguồn vốn dự phòng khẩn cấp để “bơm vốn” kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ khối tư nhân ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Thứ tư, khoanh nợ và giảm lãi; các khoản vay cá nhân, doanh nghiệp đã vay trước đó ở bất kỳ tổ chức tín dụng nào, Ngân hàng nhà nước ban hành chính sách khoanh nợ giản cách thời gian trả từ 03 tháng đến 06 tháng để có thể phục hồi dòng vốn lưu động doanh nghiệp, giảm lãi suất vay từ 03 đến 06 tháng cho tất cả các giao dịch cá nhân và doanh nghiệp trong thời điểm dịch bệnh và sau dịch bệnh....

Thứ năm, đơn giản các thủ tục hành chính; áp dụng các công nghệ mới trong điều hành, quản lý nhà nước.
Thứ sáu, khuyến khích các doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động tái khởi động sản xuất, hoạt động kinh doanh trở lại với các cơ chế ưu tiên hơn so với các doanh nghiệp thành lập mới.

Thiết nghĩ những đề xuất trên cần được cấp quản lý nhà nước xem xét thấu đáo và huy động sự quyết tâm đồng lòng của tất cả ban ngành cùng triển khai thực hiện thì nền kinh tế đất nước và có thể cạnh tranh được với các nước khác trong khu vực, sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

VŨ HỒNG TÂM
Đồng sáng lập hệ thống giáo dục Lotus Garden Education

Đỗ Huyền thực hiện