HUB nâng cao hiệu quả vận tải đường bộ

THU DUYÊN-THY HẰNG thực hiện 02/10/2022 00:49

Xây dựng các HUB - bãi trung chuyển container, xây dựng sàn giao dịch logistics sẽ kết nối các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp vận tải, xuất nhập khẩu, các hãng tàu…

Đó là chia sẻ của ông Đặng Thế Phương, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải đường bộ Hải Phòng với DĐDN về kế hoạch mà Hiệp hội Vận tải Hải Phòng và Hiệp hội Logistics Hải Phòng đang bàn thảo thực hiện để nâng cao hiệu quả vận tải đường bộ, giảm chi phí logistics trong thời gian tới.

- Xin ông cho biết thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp vận tải đường bộ Hải Phòng những năm gần đây?

Phần lớn doanh nghiệp vận tải đường bộ Hải Phòng đều nhỏ lẻ, manh mún, số lượng đầu xe khiêm tốn, phương tiện trọng tải lớn không nhiều. Việc các doanh nghiệp đầu tư không bài bản, nguồn lực yếu dẫn tới hiệu quả không cao, hạn chế năng lực cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh. Bức tranh vận tải cả nước nói chung, Hải Phòng nói riêng khá ảm đạm. Hầu như doanh nghiệp đang phải chịu lỗ, “gồng gánh” giá thành vận tải cao.

Hiện nay, việc đầu tư phương tiện thiếu định hướng, nhất là xe tải hạng nặng có nhiều thời điểm cung vượt cầu trong khi đó hàng tạm nhập tái xuất lại giảm mạnh. Chi phí logistics của Việt Nam còn rất cao so với các nước trong khu vực trong khi thiếu sự liên kết chiều sâu giữa doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các hãng tàu và doanh nghiệp vận tải. Tình trạng hàng hóa vận chuyển một chiều gây lãng phí và làm gia tăng chi phí vận tải….

Tại các nước trong khu vực, tỷ lệ container chạy hàng 2 chiều vận tải đường bộ lên đến 70-80% nhưng ở Hải Phòng, tỷ lệ này chỉ 5-10%. Từ đó phát sinh nhiều chi phí khiến lợi nhuận của doanh nghiệp thấp. Để nâng cao năng lực vận tải đường bộ, cần có sự kết nối giữa các bên: doanh nghiệp vận tải, các hãng tàu biển, các bãi container rỗng (Depot)… Khi tỷ lệ vận tải 2 chiều tăng lên ít nhất 40-50% thì mới có lợi nhuận.

Sự ùn tắc trong giao nhận container và nâng hạ lấy vỏ hàng cont vừa qua tại một số khu vực Cảng Đình Vũ là minh chứng rõ ràng cho những bất cập của vận tải đường bộ hiện nay, gián tiếp làm tăng thêm chi phí logistics. Nhiều hãng tàu bố trí cont về các cảng, Depot chưa phù hợp với năng lực tiếp nhận của đơn vị, có tình trạng lợi dụng thế độc quyền để chỉ định các Depot có quan hệ mà không quan tâm đến lợi ích chung.

 Sự liên kết các doanh nghiệp từ vận tải tới hãng tàu, chủ hàng…tạo thành một chuỗi cung ứng liên hoàn sẽ cải thiện các vấn đề môi trường, giao thông, tiết kiệm chi phí và thời gian. Ảnh: Bốc xếp container tại cảng Cát Lái.

Sự liên kết các doanh nghiệp từ vận tải tới hãng tàu, chủ hàng…tạo thành một chuỗi cung ứng liên hoàn sẽ cải thiện các vấn đề môi trường, giao thông, tiết kiệm chi phí và thời gian. Ảnh: Bốc xếp container tại cảng Cát Lái.

- Vậy, liệu các bãi trung chuyển container (HUB) có thể giải quyết những bất cập của vận tải đường bộ nêu trên, đặc biệt bài toán về cont rỗng, thưa ông?

Theo khảo sát của Ngân hàng thế giới, chi phí logistics Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn do chi phí vận tải, lưu kho bãi, chi phí vận chuyển…bị đẩy lên cao và thêm các chi phí hạ tầng cảng biển. Trong khi đó, vận chuyển hàng hóa đường bộ là một trong những mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng logistics, đưa sản phẩm đến tay người dùng.
Tạo ra các bãi trung chuyển cont (HUB) đã được một số doanh nghiệp áp dụng từ lâu nhưng số lượng ít, nhỏ lẻ, tự phát, không có sự liên kết rộng. Theo tôi, cần sự liên kết tất cả các doanh nghiệp từ vận tải tới hãng tàu, logistics, chủ hàng, XNK… tạo thành một chuỗi cung ứng liên hoàn. Thành công của mô hình này sẽ cải thiện các vấn đề môi trường, an toàn giao thông đường bộ, tiết kiệm chi phí và thời gian…

Hiệp hội Vận tải Hải Phòng và Hiệp hội Logistics Hải Phòng hiện đang kết hợp làm Đề án nâng cao năng lực vận tải hàng hóa đường bộ, mục tiêu giảm thiểu tỷ lệ cont chạy rỗng, tăng tỷ lệ chạy hàng 2 chiều. Đối với các xe vận tải thùng, tỷ lệ chạy hàng cao đến 50-60% nhưng vẫn còn manh mún, tự phát, doanh nghiệp tự đi tìm nguồn hàng. Chúng tôi sẽ bắt đầu bằng khâu khảo sát nhu cầu tới tính toán vị trí xây dựng Hub.

- Còn sàn giao dịch logistics có vai trò như thế nào, khi triển khai mô hình này có vướng mắc gì về mặt chính sách không, thưa ông?

Ngoài Hub, chúng tôi cũng sẽ tập trung xây dựng mô hình sàn giao dịch logistics kết nối doanh nghiệp vận tải đường bộ với các hãng tàu, các nhà sản xuất, các doanh nghiệp XNK…Đây là một bài toán khó rất cần sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ trung ương tới địa phương.

Thông qua sàn giao dịch logistics, các chủ hàng, các doanh nghiệp vận tải có thể nắm bắt nhu cầu của nhau, tiến hành kết nối giao dịch tạo thành chuỗi liên kết. Chúng tôi tin tưởng chắc chắn sẽ thành công với mô hình này. Tuy nhiên đây không chỉ là câu chuyện giữa các Hiệp hội, các doanh nghiệp với nhau.

Chúng tôi hi vọng dưới “trợ lực” chính sách từ Nhà nước, trong đó, Quyết định số 200/QĐ-TTg, ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động năng lực cạnh tranh phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 là cơ sở pháp lý quan trọng. sẽ thúc đẩy sự hợp tác giữa các Hiệp hội đạt hiệu quả. Trong phạm vi của mình, tôi mong muốn thời gian tới, hai Hiệp hội phối hợp chặt chẽ hơn nữa để tìm ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, từ đó làm giảm chi phí logistics nói chung và chi phí vận tải nói riêng.

- Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Bồi thường, tái định cư Dự án nâng cao tĩnh không cầu đường bộ

    20:53, 23/09/2022

  • Đề xuất xây Hub trung chuyển container: Giảm chi phí vận tải đường bộ

    10:20, 30/07/2022

  • Dự thảo Nghị định về phí sử dụng đường bộ còn tạo gánh nặng về thời gian, chi phí

    03:00, 26/07/2022

  • Dự thảo Nghị định về kinh doanh trong lĩnh vực đường bộ chưa đảm bảo tinh thần cải cách

    03:30, 26/06/2022

THU DUYÊN-THY HẰNG thực hiện