Khát vọng doanh nhân

PV 27/10/2022 13:37

Văn hoá, đạo đức kinh doanh có vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức để phát triển thành công trong một thế giới thay đổi nhanh, nhiều rủi ro, bất ổn và khó dự báo.

 Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Cốt lõi của văn hóa kinh doanh chính là đạo đức doanh nhân. Để hình thành văn hóa kinh doanh, nhất thiết phải bắt đầu từ xây dựng con người doanh nhân mà đạo đức là gốc rễ, nền tảng và khát vọng phát triển là đích đến.
Khát vọng bền vững
Để cạnh tranh, đối thủ có thể sao chép nhiều thứ, từ chiến lược, sản phẩm, quy trình cho đến bí quyết công nghệ…song không thể sao chép được những giá trị văn hóa, tinh thần. Để tiện lợi, công nghệ có thể thay thế được nhiều thứ song không thể thay thế được niềm tin, đạo đức và kết nối tinh thần giữa mọi người. Văn hóa có sức mạnh to lớn, truyền cảm hứng và tác động trực tiếp đến thái độ, động cơ và ý chí của đội ngũ lãnh đạo, nhân viên của doanh nghiệp.

 Hội thảo khoa học “Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức. Ảnh: Quốc Tuấn

Hội thảo khoa học “Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức. Ảnh: Quốc Tuấn

Chúng ta cũng biết rằng, cốt lõi của văn hóa kinh doanh chính là đạo đức doanh nhân. Để hình thành văn hóa kinh doanh, nhất thiết phải bắt đầu từ xây dựng con người doanh nhân mà đạo đức là gốc rễ, nền tảng và khát vọng phát triển là đích đến. Tôi muốn đề cập đến những khát vọng phát triển của lực lượng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân trong nền kinh tế thị trường:
Thứ nhất, khát vọng làm giàu, đó là mong muốn chiến thắng sự nghèo nàn, lạc hậu; là khát khao có được sự giàu có, thịnh vượng cho bản thân, doanh nghiệp, cho cộng đồng và đất nước. Hôm nay, tôi muốn chia sẻ với quý vị một thông điệp: Doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam chính là lực lượng nòng cốt hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Sau hơn 35 năm Đổi mới, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu và thu nhập thấp, Việt Nam đã trở thành một nước đang phát triển, thu nhập trung bình. Thu nhập bình quân đầu người trong năm 2021 đã gấp 14 lần, quy mô GDP đã tăng gấp 26 lần so với những năm đầu đổi mới. Có được kết quả to lớn đó một phần cực kỳ quan trọng là chúng ta đã khơi dậy được tinh thần và khát vọng phát triển của các chủ thể trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt có sự nỗ lực, đóng góp hết sức to lớn của hàng triệu doanh nghiệp và doanh nhân trong cả nước.

 Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cùng các doanh nhân tại Hội thảo khoa học “Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới”. Ảnh: Quốc Tuấn

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cùng các doanh nhân tại Hội thảo khoa học “Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới”. Ảnh: Quốc Tuấn

Chúng ta cũng cần thấy rõ, xã hội ngày càng tôn vinh thì xã hội cũng ngày càng kỳ vọng nhiều hơn về những phẩm chất tốt đẹp của đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp.
Bởi vậy, khi nói đến khát vọng làm giàu, chúng ta mong muốn tầng lớp doanh nhân lựa chọn con đường phát triển phồn vinh, thịnh vượng dựa trên nền tảng của việc thực hành đạo đức doanh nhân và những chuẩn mực của văn hóa kinh doanh; mong muốn đội ngũ doanh nhân Việt Nam có đạo đức, có tri thức, tài năng, có tinh thần yêu nước, tinh thần cống hiến bằng sản phẩm và thương hiệu và là người kế thừa, chuyển tải, lan tỏa truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; lực lượng doanh nghiệp Việt Nam phát triển trên nền tảng kết hợp hài hòa giữa văn hóa, đạo đức và kinh doanh để vững vàng và thích ứng với một thế giới luôn không ngừng thay đổi.
Thứ hai, khát vọng khởi nghiệp, đó là mong muốn, khát khao hiện thực hoá sự nghiệp làm giàu. Quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã mở đường cho khu vực doanh nghiệp nước ta từng bước phát triển cả về lượng và chất. Từ chỗ chủ yếu chỉ có các hộ kinh doanh cá thể, nhỏ lẻ chúng ta đã có những doanh nghiệp tư nhân theo đúng nghĩa. Từ chỗ chỉ có những doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngày nay chúng ta đã có các tập đoàn kinh tế lớn, kể cả kinh tế tư nhân, mang tầm toàn cầu.

 Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trao tặng danh hiệu tôn vinh 6 doanh nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch tại Việt Nam.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trao tặng danh hiệu tôn vinh 6 doanh nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch tại Việt Nam.

Quá trình hội nhập quốc tế đã góp phần khơi dậy lòng tự hào dân tộc, sự đoàn kết và tự tôn của các doanh nhân. Các doanh nhân đã xích lại gần nhau hơn, chia sẻ để cùng xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Việt Nam đã có hơn 100 doanh nghiệp với gần 300 sản phẩm có thương hiệu quốc gia nổi tiếng, khẳng định được vị thế trên thị trường khu vực và thế giới. Càng vươn xa phạm vi ra toàn cầu, đối mặt với sức ép cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế, chúng ta càng thấu hiểu ý nghĩa và giá trị to lớn của văn hoá Việt Nam; càng nung nấu khát vọng cháy bỏng xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam vững mạnh.
Thứ ba, khát vọng sáng tạo, đó là mong muốn, khát vọng đổi mới để bứt phá vươn lên của mọi doanh nghiệp, doanh nhân. Nền kinh tế thị trường chính là sân chơi của sự sáng tạo; và doanh nghiệp, doanh nhân chính là những người có khả năng thể hiện sự sáng tạo của mình bằng những công nghệ, quy trình sản xuất kinh doanh mới để tăng năng suất, giảm chi phí, bằng những sản phẩm mới, hữu ích, thiết thực hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.
Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo luôn mang lại động lực phát triển to lớn. Đây là chìa khoá để các doanh nghiệp, doanh nhân tạo dựng nên những không gian phát triển mới, thậm chí không có giới hạn trong nền kinh tế số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Doanh nhân Việt Nam phải là lực lượng đi đầu trong đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo. Phải dám thay đổi, táo bạo và kiên trì để vượt qua khỏi những tư duy cố hữu, thiếu đột phá, sáng tạo là đòi hỏi cấp thiết đối với mọi doanh nghiệp, doanh nhân; sẵn sàng khởi nghiệp đối với những doanh nhân chưa bắt đầu và quyết tâm khởi nghiệp lại đối với những ai đang thấy mình đã đi chệch hướng.
Văn hoá, đạo đức là nền tảng để nuôi dưỡng và định hướng sự sáng tạo, phát triển lành mạnh, trong sáng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nó sẽ giúp một doanh nghiệp nhận ra ranh giới giữa việc học tập lẫn nhau với sự sao chép, bắt chước một cách giả dối, vi phạm bản quyền để trục lợi; ranh giới giữa thủ đoạn tìm cách lách qua những kẽ hở của pháp luật với nỗ lực tận dụng những ưu đãi, khuyến khích của pháp luật và chính sách.
Xung lực phát triển bền vững
Hơn 35 năm qua, những khát vọng tôi vừa nói ở trên là xung lực thôi thúc các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam phát triển, đứng vững trên thương trường. Nhưng sẽ là chưa đủ, nếu chúng ta không nói đến khát vọng cống hiến của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình Đổi mới của đất nước.
Khi những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp thẩm thấu vào hoạt động kinh tế, mục tiêu phát triển của doanh nghiệp sẽ vượt qua việc tìm kiếm những lợi ích chỉ cho mình, mà thăng hoa trở thành sứ mệnh và trách nhiệm cống hiến cho sự phồn vinh, thịnh vượng của đất nước. Trước đây, sự cống hiến của doanh nghiệp, doanh nhân yêu nước thể hiện bằng những hành động đóng góp của cải, vật chất cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ngày nay, sự cống hiến thể hiện bằng những nỗ lực, quyết tâm của đội ngũ doanh nghiệp và doanh nhân làm giàu cho chính mình, cho cộng đồng và đất nước với mục tiêu xuyên suốt: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Liêm chính và trách nhiệm xã hội là những phép thử đầu tiên về sự cống hiến của doanh nghiệp và doanh nhân. Trong hoạt động kinh doanh, liêm chính là tấm hộ chiếu thông hành để doanh nhân chiếm lĩnh niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Sự liêm chính của doanh nhân thể hiện ở việc tuân thủ pháp luật, minh bạch các thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp của mình và luôn nói không với tiêu cực, tham nhũng. Sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã và đang đào thải dần những doanh nghiệp theo đuổi thứ kinh doanh phản văn hóa, phi đạo đức; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, có trách nhiệm phát triển ngày càng lớn mạnh.
Trách nhiệm xã hội thể hiện trong sự đồng hành cùng xã hội, phát huy trách nhiệm đối với cộng đồng của doanh nghiệp. Ở nhiều nước trên thế giới, hàng hóa của doanh nghiệp khi được dán nhãn – tức là xác nhận trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp – mặc dù giá cả có cao hơn so với các hàng hóa khác nhưng vẫn được người tiêu dùng lựa chọn. Ở Việt Nam, các doanh nghiệp, doanh nhân có uy tín trong xã hội cũng là những doanh nghiệp, doanh nhân đi đầu trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia vào các hoạt động vì cộng đồng và môi trường, đảm bảo hài hòa giữa các yếu tố trách nhiệm kinh tế, pháp lý, đạo đức và từ thiện trong sản xuất, kinh doanh. Đó là những minh chứng sinh động cho thấy rằng, trách nhiệm xã hội cũng là một nét đẹp của đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều đó sẽ tạo ra một cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển Việt Nam thịnh vượng, hùng cường như nguyện ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của toàn dân tộc.
Trích phát biểu tại Hội thảo khoa học “Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới”.

PV