Công ty Hoàng Nam Bắc Kạn: Làm thật và chế biến sâu
Huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) được biết đến với nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, đa dạng với nhiều mỏ sắt, vàng... và là địa phương có trữ lượng khoáng sản chì, kẽm lớn nhất Việt Nam.
Ông Triệu Huy Chung, Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn cho biết, để phát triển thế mạnh của địa phương, tỉnh Bắc Kạn đang tập trung kêu gọi đầu tư các dự án công nghiệp sản xuất các sản phẩm tinh từ các sản phẩm kim loại chì, kẽm để gia tăng hàm lượng công nghệ, sản xuất các sản phẩm có giá trị cao. Huyện mong muốn các doanh nghiệp quan tâm đầu tư chế biến sâu, đem lại giá trị gia tăng cao cho nguồn tài nguyên địa phương, trong đó phải bảo đảm về môi trường. Chính quyền cùng Nhân dân Chợ Đồn luôn tạo điều kiện để các công trường, nhà máy hoạt động ổn định, hiệu quả.
Tại Chợ Đồn có rất nhiều khai trường đã sớm hình thành và hoạt động, trong đó điển hình như Công ty TNHH Hoàng Nam Bắc Kạn với trên 15 năm kinh nghiệm trong ngành khai thác và chế biến chì, kẽm. Đến tháng 7/2020, Công ty tiếp tục đầu tư máy móc thiết bị, vận hành thử nghiệm dây chuyền Nhà máy luyện chì, quá trình vận hành thử nghiệm đã cho ra sản phẩm chì kim loại hàm lượng chì đạt trên 91%. Đến nay, Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy luyện chì công suất 5.000 tấn/năm được đầu tư hoàn chỉnh, đi vào hoạt động sản xuất ổn định.
Dự án Nhà máy luyện chì công suất 5.000 tấn/năm của Công ty Hoàng Nam Bắc Kạn được Thủ tướng Chính phủ nhất trí bổ sung vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng chì, kẽm đến năm 2020, có xét đến năm 2030 tại Văn bản số 216/TTg-CN ngày 09/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Công Minh Tiến, Giám đốc dự án Công ty Hoàng Nam Bắc Kạn cho biết, với quan điểm xuyên suốt là làm thật và chế biến sâu, công ty sẽ nỗ lực cho sản phẩm cuối cùng là ắc quy thẩm enso. Doanh số trước đây khi sản xuất thô một năm 20-30 tỷ nhưng từ khi chuyển sang chế biến sâu thì doanh số lên trăm tỷ. Hoàng Nam Bắc Kạn đi vào hoạt động ổn định không chỉ tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương, đóng góp cho ngân sách hàng năm khoảng 30-40 tỷ đồng. Kết quả đó có đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, đặc biệt góp phần nâng cao giá trị khoáng sản chì, kẽm của Bắc Kạn.
Theo ông Tiến, đã đi vào nghề là bắt buộc phải chế biến sâu nếu không chế biến sâu thì xác định là chỉ bán thương hiệu cho thế giới và chỉ hưởng được phần nhỏ lẻ. Khi chế biến sâu rồi thì có tính tự chủ và giá trị gia tăng được gia tăng, doanh nghiệp phát triển, đời sống nhân viên được tăng lên, nộp thuế nhà nước tăng lên.n