“Nói không với lũ khốn” - giúp doanh nghiệp xây dựng văn hóa tử tế và phát triển bền vững

Thao Giang 15/04/2020 22:58

Theo Giáo sư Robert Sutton, áp dụng nguyên tắc “nói không với lũ khốn” là phương pháp kinh doanh tốt nhất giúp doanh nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững.

Những kẻ luôn thể hiện sự ti tiện ở khắp mọi nơi, khiến những người xung quanh cảm thấy bị chèn ép, xem thường, nhụt chí, được gọi là những kẻ khốn kiếp. Rất nhiều nơi làm việc trên thế giới tràn ngập những kẻ khốn này vì nhiều lý do. Bản thân Giáo sư Robert Sutton cũng đã nhiều lần chạm trán với những kẻ khó chịu này.

Tuy nhiên từ năm 1992, khi bắt đầu làm việc tại Khoa Quản lý Khoa học và Kỹ thuật, Trường Đại học Stanford (Mỹ), Giáo sư Robert Sutton được biết nguyên tắc “nói không với lũ khốn” áp dụng tại nơi ông làm việc. Nhờ nguyên tắc đó, cho đến tận bây giờ, khoa của ông vẫn là chốn làm việc vô cùng đoàn kết, bình đẳng, đặc biệt nổi bật so với thói ti tiện nhỏ nhặt không ngừng phát sinh trong đời sống học thuật.

Nhìn sang danh sách 100 nơi làm việc tốt nhất - đồng thời hoạt động hiệu quả nhất thế giới - có thể thấy hầu hết doanh nghiệp trong danh sách này cũng áp dụng, duy trì nguyên tắc “nói không với lũ khốn” trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của mình. Southwest Airlines luôn nhấn mạnh rằng: mọi nhân viên đều được tuyển dụng và sa thải vì thái độ. Nếu ứng viên thử việc cư xử thô lỗ với một tiếp viên, công ty sẽ lập tức từ chối ứng viên đó. Intel, Google thường xuyên tiến hành sàng lọc trong các khâu tuyển dụng và đánh giá hiệu suất, và những người có hành xử ti tiện không thể lọt qua được cửa ải này…

Những bằng chứng sống động cũng như sự phát triển không thể chối cãi của các doanh nghiệp này khiến Giáo sư Robert Sutton tin tưởng rằng “nói không với lũ khốn” chính là phương pháp hiệu quả giúp doanh nghiệp xây dựng văn hóa doanh nghiệp tử tế, đồng thời cũng là phương pháp kinh doanh tốt nhất dành cho các doanh nghiệp.  

Và trong cuốn sách “Đối phó với những tên khốn tài ba” của mình, ông đã lần lượt phân tích cho độc giả thấy được sự phiền toái cùng mối đe dọa nghiêm trọng của những tên khốn đối với sự thành công và phát triển của doanh nghiệp.

Ngay sau đó, ông tiết lộ công thức TCA (Total cost of asshole) - công thức tính tổng chi phí thiệt hại của doanh nghiệp do các tên khốn gây ra, mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể căn cứ vào đó để tính toán. Và đó là một số không hề nhỏ, như Ethan - một giám đốc cấp cao tại thung lũng Silicon trong 1 năm đã tiêu tốn của doanh nghiệp tới 160.000 đô-la do luôn đối xử với đồng nghiệp như kẻ thù, thường xuyên lăng mạ và xem thường họ, bị nhiều người trong công ty từ chối làm việc cùng thậm chí gửi đơn thư khiếu nại…

Không chỉ gây ra sự khó chịu đối với đồng nghiệp, cấp dưới, những tên khốn này còn phá hoại hiệu suất của doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp luôn phải mất thời gian và tiền bạc để đi giải quyết hậu quả do các tên khốn này gây ra gồm các việc như: khiến nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp bị coi thường, chèn ép “nổi điên”; nhân viên đâm đơn kiện hoặc bỏ việc liên tục; giảm sút năng suất lao động, tính đổi mới sáng tạo, tinh thần hợp tác, sự "hết mình" của nhân sự... Tuy nhiên có thực tế, mặc dù hiểu rõ điều đó, rất nhiều doanh nghiệp vẫn nhắm mắt dung túng cho những tên khốn này, vì lo sợ không tìm được người thay thế hiệu quả vị trí của các tên khốn.  

Có thể bạn quan tâm

  • Xây dựng văn hóa doanh nghiệp để giữ chân nhân sự lâu dài

    Xây dựng văn hóa doanh nghiệp để giữ chân nhân sự lâu dài

    07:35, 31/05/2019

  • Xây dựng văn hoá startup - lạt mềm buộc chặt

    Xây dựng văn hoá startup - lạt mềm buộc chặt

    07:00, 01/01/2020

  • Xây dựng văn hóa cảm thông cho tổ chức

    Xây dựng văn hóa cảm thông cho tổ chức

    07:41, 17/06/2019

Với việc đưa ra các nghiên cứu và phân tích chuyên sâu ở những chương tiếp theo của cuốn sách, Giáo sư Sutton đã đưa ra nhiều bằng chứng chứng minh việc loại bỏ các tên khốn, áp dụng quy tắc “nói không với các tên khốn” trong các doanh nghiệp thực tế sẽ mang lại những kết quả vô cùng tích cực, giúp chủ các doanh nghiệp loại bỏ được nỗi sợ hãi kể trên.

Đồng thời ông đã đưa ra hướng dẫn gồm 10 bước mà các chủ doanh nghiệp có thể thực hiện để loại bỏ những kẻ khó chịu khốn kiếp và tạo ra nơi làm việc mới hiệu quả, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững như cách Google, Intel và cả trăm công ty trong danh sách “100 nơi làm việc tốt nhất thế giới” đã và đang thực hiện.

Giáo sư Robert Sutton viết: “Khi thiết lập và củng cố được nguyên tắc “nói không với lũ khốn” trong doanh nghiệp của bạn, bạn có thể tiết kiệm được rất nhiều tiền bạc, giúp việc kinh doanh phát triển, cũng như giúp nhân viên của bạn, bạn bè, gia đình họ và chính bản thân bạn tránh được rất nhiều những cơn đau đầu”. 

Xuất bản lần đầu năm 2007, chỉ trong một thời gian ngắn cuốn sách Đối phó với những tên khốn tài ba đã trở thành cuốn sách best seller của các tờ báo uy tín: The New York Times, Wall Street Journal, Businessweek; và liên tục được tái bản với hơn 800.000 cuốn sách được bán ra tính đến năm 2017. Cuốn sách cũng tạo ra các cuộc thảo luận sôi nổi tại hàng trăm nghìn doanh nghiệp trong và ngoài nước Mỹ; đồng thời có ảnh hưởng đáng kể trong các chiến lược tuyển dụng và sa thải nhân viên, xây dựng văn hóa doanh nghiệp của các đơn vị này.

Thao Giang