SÁCH HAY CUỐI TUẦN: “Thiên tài tập thể”
“Thiên tài tập thể” là một cuốn sách nghiên cứu dày công với nhiều đúc kết giá trị về nghệ thuật lãnh đạo khác biệt để đổi mới và bứt phá.
Nó có thể khơi gợi, thách thức, truyền cảm hứng cho những cá nhân, tập thể thật sự muốn đổi mới để thành công.
>>SÁCH HAY CUỐI TUẦN: “Những đứa trẻ nhớ được tiền kiếp”
Họ dựng sân khấu cho người khác biểu diễn
Nghệ thuật lãnh đạo có thể là vấn đề không mới, nhưng “Thiên tài tập thể” của nhóm tác giả Linda A. Hill - Greg Brandeau - Emily Truelove - Kent Lineback đề cập đến một góc rất khác, đó là vai trò của người lãnh đạo trong việc tạo ra một tổ chức không ngừng đổi mới, sáng tạo. Đó là việc họ “kích hoạt” được từng “thiên tài” trong một tập thể thành “thiên tài tập thể” cùng cống hiến cho sự đổi mới, bứt phá, phát triển, thành công của tổ chức mình.
Vai trò của người lãnh đạo trong công cuộc đổi mới đó được nhóm tác giả nhấn mạnh: “Thay vì cố gắng đặt ra một tầm nhìn và tự mình tạo ra sự đổi mới, nhà lãnh đạo đổi mới sẽ thiết lập một nơi chốn - một bối cảnh, một môi trường - mà ở đó tất cả mọi người đều sẵn sàng và đủ khả năng làm việc chăm chỉ hết mình theo đòi hỏi của việc giải quyết vấn đề sáng tạo”. Tức, việc của nhà lãnh đạo đổi mới, sáng tạo là tạo ra một nơi chốn mà ở đó mọi người đều sẵn sàng và đủ khả năng để đổi mới không ngừng, là dọn sẵn một sân khấu cho người khác diễn chứ không phải biểu diễn trên sân khấu ấy.
Và để thực hiện được điều đó, đòi hỏi phải có một hình thức khác trong “nghề” lãnh đạo, chứ không chỉ nhìn thấy vai trò của người lãnh đạo như đã được mặc định ở nhiều thập niên trước là “tạo ra một tầm nhìn và truyền cảm hứng cho tất cả mọi người đi theo”. Vấn đề của người lãnh đạo bây giờ là còn phải biết khơi dậy tầm nhìn và sử dụng tầm nhìn của mỗi cá nhân và cả một tập thể để tạo ra một sức mạnh lớn lao hơn nhiều. Nhưng để làm được điều đó, đòi hỏi người lãnh đạo phải vận dụng nhiều nghệ thuật lãnh đạo phức tạp, khác biệt hơn.
Chính vì vậy mà nhóm tác giả đã đầu tư nhiều công sức tìm tòi, nghiên cứu; tiếp cận thực tế; tiếp xúc các nhà lãnh đạo, những bậc thầy trong việc thúc đẩy đổi mới tổ chức… trong hơn mười năm trời để thực hiện cuốn sách này. Để hiểu rõ những việc họ làm, cách họ tư duy và họ giữ những vai trò gì, nhóm tác giả đã dày công tìm kiếm từ Thung lũng Silicon sang Châu Âu, từ các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đến Ấn Độ rồi sang Hàn Quốc, tiến hành khám phá các doanh nghiệp với đa dạng ngành nghề, từ làm phim đến thương mại điện tử, sản xuất ô tô, dịch vụ chuyên nghiệp, công nghệ cao, xa xỉ phẩm…
Cuốn sách bắt đầu với dẫn chứng về công ty Pixar Animation Studios, với những minh chứng, lý giải, phân tích đầy sinh động, thuyết phục. Ở đó, bạn sẽ thấy vai trò của nhà lãnh đạo trong việc dẫn dắt sự đổi mới, trong việc tạo ra các tổ chức có khả năng hợp tác, trong việc nuôi dưỡng tâm thế học hỏi thông qua khám phá, trong việc ủng hộ và khuyến khích cấp dưới đưa ra các quyết định thích hợp; về việc xử lý các nghịch lý trong đổi mới; về việc tái thiết lập vai trò của người lãnh đạo, góp phần thay đổi cách tư duy của mọi người; về việc tạo ra tâm thế sẵn sàng đổi mới…
Bạn sẽ hiểu rằng: “bằng cách cư xử phù hợp và xây dựng một tổ chức trở thành nơi làm việc của những nhân tài, các nhà lãnh đạo đã tạo ra một môi trường mà bằng cách nào đó có thể khai thác những mảnh ghép thiên tài trong mỗi cá nhân, sau đó tác động và kết hợp họ lại với nhau thành một chỉnh thể đổi mới - một sản phẩm, một qui trình mới, một mục mới, một bộ phim mới - đại diện cho “thiên tài tập thể”. Đó chính là những gì diễn ra khi các tổ chức đổi mới, sáng tạo”.
Không chỉ ở Pixar, cuốn sách còn đưa ra nhiều dẫn chứng thú vị ở nhiều công ty, tổ chức khác, mà mỗi nơi có thể là một “trải nghiệm” hữu ích cho người đọc. Có lẽ nhiều người sẽ phải suy ngẫm về việc “các nhà lãnh đạo tạo ra một môi trường trong đó các cá nhân sẵn sàng cống hiến và nỗ lực hết sức mình, bởi họ không chỉ cảm thấy mình là một phần của cả tập thể, mà còn được coi trọng và có giá trị đối với tập thể đó”.
>>SÁCH HAY CUỐI TUẦN: “Như ta là”
>>SÁCH HAY CUỐI TUẦN: Trí tuệ cảm xúc
Những nhà lãnh đạo được tạo ra thay vì sinh ra
Theo các tác giả, câu hỏi mà vấn đề này đặt ra rất đơn giản và cấp thiết “những tổ chức hiện nay có thể tìm thấy những nhà lãnh đạo đổi mới cho tương lai ở đâu?”. Và phần lý giải khá cụ thể, với quan điểm “các nhà lãnh đạo thường được tạo ra hơn là được sinh ra”.
Cuốn sách nêu dẫn chứng về ba nhà lãnh đạo thành công: Steve Kloeblen, một lãnh đạo cấp cao trong mảng phát triển kinh doanh tại IBM (người đã tạo ra một môi trường đào tạo hoàn hảo cho nghệ thuật lãnh đạo-đổi mới); Jacqueline Novogratz, người sáng lập Acumen (người đã vun đắp một thế hệ lãnh đạo có khả năng xây dựng và dẫn dắt hệ sinh thái đổi mới bao gồm cả ba khu vực-kinh doanh, xã hội dân sự và chính phủ); Sung-joo Kim thuộc Sungjoo Group, chủ sở hữu của thương hiệu thời trang xa xỉ đang lên MCM đặt trụ sở tại Hàn Quốc (người gánh vác trách nhiệm trao quyền và phát triển khả năng lãnh đạo của những người bên lề-những mảnh ghép thiên tài đã sống trong vô hình quá lâu). Câu chuyện của họ trực tiếp giải đáp câu hỏi “chúng ta có thể tìm thấy những nhà lãnh đạo tương lai ở đâu”.
Các tác giả cuốn sách nhận định “có lẽ do những người đang làm lãnh đạo và những bộ óc quản trị đơn giản đều cho rằng một nhà lãnh đạo “giỏi” trong tất cả khía cạnh khác thì cũng sẽ thành công trong công tác đổi mới. Tuy nhiên đó là một sai lầm”. Và đúc kết về tố chất của những nhà lãnh đạo đổi mới: “Họ là những người hay lý tưởng hóa, nhưng vẫn thực dụng. Họ là những nhà tư tưởng toàn diện nhưng cũng vẫn định hướng bằng hành động. Họ hào phóng nhưng cũng đòi hỏi khắt khe. Và có lẽ quan trọng nhất, họ là một người bình thường nhưng vô cùng kiên định, bền bỉ”.
Theo các tác giả: “Những lãnh đạo của chúng tôi là những người sẵn sàng thừa nhận họ không hề hoàn hảo và vẫn đang trong quá trình học hỏi, nhưng họ đang ở vị trí tiên phong trong sứ mệnh tạo ra các thiên tài tập thể… Họ nuôi dưỡng tinh thần sẵn sàng đổi mới bằng cách tạo ra các cộng đồng thực thụ, nơi mà các thành viên ràng buộc với nhau bởi một mục tiêu chung hấp dẫn, được hậu thuẫn bởi những giá trị chung và các nguyên tắc hợp tác làm việc”.
Thông qua các câu chuyện và bài học từ Pixar, Google, eBay, IBM, Volkswagen, Pfizer và nhiều tổ chức đổi mới khác, Thiên tài tập thể đã cung cấp những hiểu biết tuyệt vời, mang lại góc nhìn tươi mới về chủ đề lãnh đạo và đổi mới, tổng hợp các kiến thức này thành một bộ công cụ giúp doanh nghiệp liên tục tái tạo và trường tồn.
Hi vọng cuốn sách sẽ cung cấp nhiều giá trị thực tiễn và nguồn cảm hứng tích cực để những ai quan tâm thực hiện bước đi tiếp theo trên hành trình tạo ra “thiên tài tập thể” của chính mình.
Người nổi tiếng nói gì về tác phẩm:
|
Có thể bạn quan tâm
SÁCH HAY CUỐI TUẦN: “Những đứa trẻ nhớ được tiền kiếp”
03:00, 23/07/2023
SÁCH HAY CUỐI TUẦN: “Như ta là”
03:00, 16/07/2023
SÁCH HAY CUỐI TUẦN: Trí tuệ cảm xúc
03:00, 02/07/2023
SÁCH HAY CUỐI TUẦN: "Chết rỗng"
03:00, 11/06/2023
SÁCH HAY CUỐI TUẦN: “Hạt Giống Tâm Hồn – Bản giao hưởng cuộc sống”
04:00, 04/06/2023