Vì sao dàn lãnh đạo Công ty Thiên Phú bị khởi tố, bắt tạm giam?

P.V 29/03/2020 19:05

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 người là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Công ty Thiên Phú, để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang điều tra, xác minh vụ việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thiên Phú, tỉnh Bình Dương. Theo đó 3 lãnh đạo của công ty này đã bị khởi tố, bắt tạm giam với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Các bị can từ trái qua, gồm: Bùi Thế Sơn, Trần Văn Tấn và Đặng Bình Anh Trọng

Các bị can từ trái qua, gồm: Bùi Thế Sơn, Trần Văn Tấn và Đặng Bình Anh Trọng

Theo đó, căn cứ kết quả điều tra xác định: Bùi Thế Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thiên Phú đã chỉ đạo 2 Phó Giám đốc là Trần Văn Tấn và Đặng Bình Anh Trọng lập “khống” danh sách 14 hộ dân nằm trong diện đền bù, bồi thường tái định cư của Dự án khu dân cư Hòa Lân tại phường Thuận Giao, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương để chiếm đoạt 29,8 tỉ đồng của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh, thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 25/3/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với 3 bị can: Bùi Thế Sơn, Trần Văn Tấn và Đặng Bình Anh Trọng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015.

Sau khi được Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao phê chuẩn, ngày 27/3/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tổ chức thi hành các Quyết định và Lệnh đối với 3 bị can nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của các bị can và các đối tượng liên quan khác để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Được biết, năm 2002, Công ty Thiên Phú được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho thực hiện dự án khu dân cư Hòa Lân ở phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, Bình Dương (dự án Hòa Lân).

Dự án dân cư Hòa Lân tại Bình Dương. Ảnh: Thanh Niên.

Dự án dân cư Hòa Lân tại Bình Dương. Ảnh: Thanh Niên.

Sau đó, Công ty Thiên Phú thế chấp đất dự án để vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Chợ Lớn (Agribank Chợ Lớn) nhưng không có khả năng trả nợ. Do đó, Công ty Thiên Phú đã ký biên bản giao tài sản thế chấp để Agribank Chợ Lớn xử lý thu hồi nợ.

Tháng 5/2017, Agribank chi nhánh Chợ Lớn và Công ty Đấu giá Nam Sài Gòn tiến hành bán đấu giá quyền sử dụng đất Dự án Khu dân cư Hòa Lân.

Có thể bạn quan tâm

  • Vụ Công ty nợ 18 tỷ đồng BHXH tại Thanh Hóa: Đã gửi hồ sơ đề nghị khởi tố

    05:10, 25/03/2020

  • Người lao động khốn khổ vì công ty “treo” bảo hiểm: Cơ quan bảo hiểm đề nghị khởi tố vụ án

    11:00, 27/02/2020

  • Khởi tố thêm 5 đối tượng trong sai phạm cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

    12:30, 18/02/2020

Kết quả, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP.HCM (Công ty Kim Oanh) đã trúng đấu giá với tổng số tiền là 1.353 tỉ đồng.

Sau khi trúng đấu giá, Công ty Kim Oanh đã cùng với Agribank - Chi nhánh Chợ Lớn, Công ty cổ phần Đấu giá Nam Sài Gòn, Công ty Thiên Phú ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá.

Trong quá trình thực hiện tái định cư căn cứ theo hồ sơ, chứng từ mà Công ty Thiên Phú cung cấp, Công ty Kim Oanh đã chi trả cho 14 hộ dân theo giá trị quyền sử dụng đất tái định cư gần 30 tỉ đồng. Tuy nhiên, qua xác minh cho thấy danh sách của 14 hộ dân này đều là khai khống.

P.V