Bộ Tư pháp đề xuất xây dựng Nghị định thí điểm về blockchain

P.V 02/04/2020 04:30

Bộ Tư pháp vừa có Báo cáo đề nghị Chính phủ ưu tiên xây dựng chính sách, pháp luật thí điểm để xử lý các vấn đề “nóng” về tiền ảo hiện nay.

Ngày 1/4, Bộ Tư pháp cho biết vừa có Báo cáo số 70/BC-BTP trình Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát khung pháp lý liên quan đến việc ứng dụng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ được phát triển trên nền tảng công nghệ blockchain. Trong đó có tài sản ảo, thường có các tên gọi như “tiền ảo”, “tiền kỹ thuật số” hay “tiền mã hóa”.

Dù chưa có khung pháp lý nhưng việc giao dịch tiền ảo tại Việt Nam đã diễn ra khá phổ biến. Ảnh Thanh Xuân

Ảnh minh họa.

Ưu tiên xây dựng chính sách thí điểm

Đó là, ưu tiên xây dựng chính sách, pháp luật thí điểm mà cụ thể là các Nghị định thí điểm - sandbox để xử lý các vấn đề “nóng” của thị trường và thực tiễn áp dụng. Trong đó, cần đẩy nhanh việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thí điểm về phát hành và giao dịch của các tài sản mã hóa được hình thành trên nền tảng công nghệ blockchain cũng như cơ chế quản lý, xử lý việc sử dụng, trao đổi, đầu tư các tài sản này.

Cơ quan Nhà nước cần tiên phong trong việc ứng dụng thành tựu về khoa học, công nghệ trong đó có công nghệ blockchain để nâng cao hiệu quả hoạt động và đổi mới phương thức quản trị, điều hành cũng như cung ứng dịch vụ công.

Duy trì cơ chế trao đổi, phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng phát triển công nghệ ở tầm quốc gia cũng như quốc tế để kịp thời phát hiện và xử lý các vướng mắc, khó khăn trong quá trình phát triển các sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ blockchain.

Tăng cường các hoạt động truyền thông, phổ biến, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân, doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước về việc ứng dụng công nghệ blockchain.

Từ đó, báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành liên quan về vấn đề này, trong đó có Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

2 vướng mắc chủ yếu

Trên cơ sở phân tích các vấn đề công nghệ và kinh nghiệm của các nước trên thế giới cũng như thực tiễn ở Việt Nam, Báo cáo khẳng định các vướng mắc, bất cập về ứng dụng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ blockchain ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào 2 nhóm vấn đề.

Thứ nhất, các vướng mắc pháp lý liên quan, trong đó chủ yếu là 2 vướng mắc chính về sự chưa rõ ràng, chưa có khung pháp lý liên quan đến huy động vốn qua việc phát hành tài sản mã hóa, tiền mã hóa (như ICO, ITO hay STO) và giao dịch tài sản mã hóa, tiền mã hóa, trong đó chủ yếu liên quan đến việc vận hành sàn giao dịch tài sản mã hóa, tiền mã hóa.

Thứ hai, chưa có hệ sinh thái khuyến khích ứng dụng, phát triển công nghệ blockchain, trong đó có việc các cơ quan nhà nước chưa thật sự tiên phong trong ứng dụng công nghệ blockchain trong quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhóm hacker Lazarus lợi dụng Telegram để tấn công cướp “tiền ảo”

    07:01, 10/01/2020

  • Chàng trai gốc Việt kiếm hàng triệu USD khởi nghiệp từ tiền ảo

    04:23, 25/09/2019

  • Vì sao nhiều công ty tài chính lần lượt rời bỏ tiền ảo Libra của Facebook?

    07:00, 13/10/2019

Cần lưu ý là ngoại trừ vướng mắc về pháp lý chủ yếu liên quan đến việc huy động vốn hoặc quy chế pháp lý cho các tài sản mã hóa được cung cấp bởi các nền tảng blockchain hoặc tham gia cung cấp sản phẩm dịch vụ trong một số lĩnh vực yêu cầu đáp ứng các quy định chặt chẽ (như: thanh toán, sàn giao dịch), nhiều doanh nghiệp cơ bản không gặp vướng mắc trong việc phát triển, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ của mình (như truy xuất nguồn gốc nông sản). Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là tạo lập môi trường, hệ sinh thái thân thiện với ứng dụng công nghệ blockchain nhằm gia tăng tính công khai, minh bạch, chống gian lận.

P.V