Tổng cục Hải quan lên tiếng về thông tin doanh nghiệp khó xuất khẩu khẩu trang

Đỗ Huyền 02/04/2020 10:40

Tổng cục Hải quan khẳng định cơ quan này chỉ giải quyết thủ tục xuất khẩu khẩu trang y tế với các trường hợp theo quy định và phải đảm bảo công tác giám sát, không để xảy ra tình trạng gian lận.

Ngày 31/3, Tổng cục Hải quan phát đi thông báo về một số thông tin nêu rằng xuất khẩu khẩu trang vải đang gặp khó khăn.

Nguyên nhân là do cán bộ hải quan khó phân biệt giữa khẩu trang y tế với khẩu trang vải. Đặc biệt là khẩu trang vải kháng khuẩn nên phải lấy mẫu gửi đi giám định nhiều nơi.

Tổng cục Hải quan chỉ đạo lực lượng chỉ lựa chọn các lô hàng khẩu trang nghi vấn để kiểm tra thực tế hàng hóa.

Tổng cục Hải quan chỉ đạo lực lượng chỉ lựa chọn các lô hàng khẩu trang nghi vấn để kiểm tra thực tế hàng hóa.

Theo đó, Bộ Y tế áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 và chỉ cho phép xuất khẩu với mục đích viện trợ, hỗ trợ quốc tế do Chính phủ Việt Nam thực hiện (tối đa 25% sản lượng cho xuất khẩu, 75% sản lượng dành cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong nước). Tổng cục Hải quan được giao phối hợp giám sát việc này.

Thực hiện đúng chỉ đạo trên, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, TP chỉ giải quyết thủ tục xuất khẩu khẩu trang y tế trong các trường hợp đã quy định. Đặc biệt, để không để xảy ra tình trạng gian lận, Tổng cục Hải quan chỉ đạo lực lượng thực hiện kiểm tra thực tế đối với các lô hàng hóa xuất khẩu khai báo là khẩu trang không dùng trong y tế, đối chiếu với tiêu chuẩn khẩu trang y tế do Bộ KH&CN công bố để xác định thực tế hàng hóa.

Qua kiểm tra thực tế, nếu không đủ cơ sở xác định hàng hóa là khẩu trang không dùng trong y tế thì trưng cầu giám định tại Viện Trang thiết bị và Công trình y tế - Bộ Y tế hoặc các tổ chức giám định đáp ứng đủ điều kiện giám định khẩu trang y tế theo quy định để xác định chủng loại hàng hóa xuất khẩu.

Trong lúc đó, ngày 27/3, Bộ Y tế có công văn gửi Bộ Tài chính cho biết có hiện tượng làm giả giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) do Bộ Y tế cấp đối với mặt hàng khẩu trang y tế.

Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu khẩu trang vải và tăng cường ngăn chặn các hành vi gian lận theo khuyến cáo của Bộ Y tế, Tổng cục Hải quan giao Cục Quản lý rủi ro, Cục Hải quan các tỉnh, TP đánh giá rủi ro chỉ lựa chọn các lô hàng nghi vấn để kiểm tra thực tế hàng hóa, đặc biệt các lô hàng do nhà xuất khẩu không phải là nhà sản xuất.

Trong quá trình kiểm tra thực tế hàng hóa, công chức hải quan quan sát trực tiếp hàng hóa nếu không đủ các dấu hiệu theo tiêu chuẩn khẩu trang y tế thì thực hiện thông quan.

Trường hợp quan sát thấy có dấu hiệu theo tiêu chuẩn nhưng khai báo là khẩu trang khác (không phải khẩu trang y tế) thì lấy mẫu giám định tại Viện Trang thiết bị và Công trình y tế - Bộ Y tế hoặc các tổ chức giám định đáp ứng đủ điều kiện giám định khẩu trang y tế theo quy định.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp dệt may đã đến lúc cho xuất khẩu khẩu trang

    06:22, 01/04/2020

  • Hải Phòng: Phạt 200.000 đồng với người không đeo khẩu trang

    09:30, 31/03/2020

  • Vụ 02 hộp khẩu trang bị phạt 25 triệu đồng: Tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt

    04:50, 31/03/2020

Trước đó, đại diện Bộ Công Thương cho biết đã nhận được các văn bản của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và một số doanh nghiệp phản ánh những khó khăn trong việc xuất khẩu khẩu trang vải. Nguyên nhân là do các cán bộ hải quan tại cửa khẩu khó phân biệt giữa khẩu trang y tế với khẩu trang vải, đặc biệt là khẩu trang vải kháng khuẩn nên phải lấy mẫu gửi đi giám định nhiều nơi.

Vì vậy, Bộ Công Thương đề nghị Tổng cục Hải quan chỉ đạo hải quan các địa phương tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang vải trong thời gian tới. Theo Bộ Công Thương, ngành dệt may Việt Nam có thể sản xuất 150 - 200 triệu khẩu trang vải/tháng, trong khi nguyên liệu sản xuất khẩu trang vải không có khó khăn về nguồn cung. Với sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn, các doanh nghiệp trong nước chỉ phải nhập nguyên liệu kháng khuẩn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng việc nhập khẩu thời gian qua không có vướng mắc. Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát ở châu Âu và Hoa Kỳ, nhiều khách hàng từ các nước này đã đề nghị doanh nghiệp dệt may Việt Nam giãn, hoãn tiến độ giao hàng, thậm chí hủy hợp đồng.

Do vậy, nhiều doanh nghiệp phải quay sang sản xuất khẩu trang vải để cầm cự, giữ chân công nhân và giảm bớt thiệt hại. Về lâu dài, đây cũng có thể là hướng xuất khẩu mới, đặc biệt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho nên việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang vải hiện nay sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp chống đỡ với dịch bệnh.

Đỗ Huyền