Thêm 4 nhóm đối tượng được gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất
Bộ Tài chính vừa đề nghị Chính phủ bổ sung thêm 4 nhóm đối tượng được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất với số tiền gia hạn lên đến 180.000 tỷ đồng.
Bộ Tài chính vừa gửi báo cáo Thủ tướng về việc tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia vào dự thảo nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Theo đó, bổ sung thêm bốn nhóm đối tượng được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất với số tiền lên đến 180.000 tỉ đồng.
Thêm 4 nhóm đối tượng được gia hạn thuế
Nhóm đầu tiên là một số ngành sản xuất như: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất sản phẩm từ plastic; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; sản xuất kim loại; gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại; sản xuất xe ô tô chở người từ chín chỗ ngồi trở xuống; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; xây dựng.
Nhóm 2 là một số hoạt động kinh doanh như: Hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động dịch vụ lao động và việc làm; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động vui chơi giải trí.
Nhóm 3 là doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, sản phẩm cơ khí trọng điểm theo các quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ và chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Nhóm 4 là các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Bộ Tài chính cũng đề nghị giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố danh sách tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia hỗ trợ khách hàng.
Theo dự thảo nghị định, để được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, thì người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn gửi “Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất” theo mẫu cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Nếu giấy đề nghị không nộp cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế thì nộp trước ngày 30/7.
Người nộp thuế tự xác định và chịu trách nhiệm về việc đề nghị gia hạn đảm bảo đúng đối tượng.
Trong thời gian gia hạn, cơ quan thuế nếu có cơ sở xác định người nộp thuế không thuộc đối tượng thì thông báo bằng văn bản cho người nộp thuế để người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế, nộp tiền thuê đất và tiền chậm nộp trong khoảng thời gian đã thực hiện gia hạn vào ngân sách nhà nước.
Hết thời gian gia hạn, nếu cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra phát hiện người nộp thuế không thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất theo quy định thì người nộp thuế phải nộp số tiền thuế còn thiếu, tiền phạt và tiền chậm nộp do cơ quan thuế xác định lại vào ngân sách nhà nước.
Nâng gói hỗ trợ từ 80.200 tỷ đồng lên trên 180.000 tỷ đồng
Trước đó, Bộ Tài chính đã kiến nghị gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất cho tất cả doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, không phân biệt ngành nghề kinh doanh (chiếm khoảng 93% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động); doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề do dịch Covid-19 gồm doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh hoạt động sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên qua; khai thác, nuôi trồng thuỷ sản; sản xuất, chế biến thực phẩm, dệt, sản xuất trang phục, giày, dép, sản xuất sản phẩm từ cao su; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất ô tô và xe có động cơ khác (trừ sản xuất ô tô chở người từ 09 chỗ ngồi trở xuống).
Lĩnh vực vận tải đường sắt, vận tải hành khách bằng xe buýt, vận tải đường bộ, đường thủy, hàng không, kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải; dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch; giáo dục và đào tạo, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; hoạt động thể thao; hoạt động của các vườn bách thảo, bách thú và khu bảo tồn tự nhiên; hoạt động của các công viên vui chơi và công viên theo chủ đề; hoạt động chiếu phim.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng 5 tháng khiến giảm thu ngân sách nhà nước trong thời gian gia hạn sẽ khiến số thu ngân sách nhà nước (NSNN) giảm 61.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, số thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 không giảm do doanh nghiệp phải thực hiện nộp vào ngân sách trước ngày 31/12/2020.
Việc gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải nộp theo quyết toán của năm 2019 và số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của quý 1, quý 2 năm 2020 khiến NSNN giảm thu 11.100 tỷ đồng, tuy nhiên, số thu NSNN năm 2020 không giảm do doanh nghiệp phải thực hiện nộp vào ngân sách trước ngày 31/8/2020.
NSNN cũng giảm thu khoảng 3.000 tỷ đồng do gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân nhưng tổng số thu NSNN năm 2020 không giảm do hộ gia đình, cá nhân phải hoàn thành nghĩa vụ với NSNN trước ngày 15/12/2020.
NSNN cũng sẽ bị giảm thu khoảng 4.500 tỷ đồng do việc gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất nhưng tổng số thu NSNN năm 2020 không giảm do doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh phải nộp tiền thuê đất vào NSNN trước ngày 31/10/2020.
Như vậy, việc bổ sung thêm 4 nhóm đối tượng được gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất khiến NSNN giảm thu trong thời gian gia hạn trên 180.000 tỷ đồng thay vì 80.200 tỷ đồng như đề xuất ban đầu. Tuy nhiên, mặc dù số tiền gia hạn được nâng lên 2,25 lần nhưng tổng số thu NSNN năm nay vẫn không thay đổi do doanh nghiệp vẫn phải nộp vào NSNN trước 31/12/2020. Nhưng đây chỉ là tính toán trên lý thuyết, còn trên thực tế năm 2020, NSNN sẽ giảm thu vì do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 nên hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, thậm chí đình trệ, số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản, hoạt động thua lỗ gia tăng nên không có doanh thu, lợi nhuận để đóng thuế.
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, thu NSNN từ đầu năm đến nay do dịch bệnh COVID-19 khiến giảm dần qua từng tháng, đặc biệt là từ tháng 3, số thu NSNN đã có ảnh hưởng rõ nét, một số nguồn thu lớn có tốc độ giảm nhanh như: thuế giá trị gia tăng từ mức tăng 8% của quý IV/2019, trong 2 tháng đầu năm tăng 4,7%, đến tháng 3 giảm 4,5%; thuế tiêu thụ đặc biệt từ mức tăng 9,5% của quý IV/2019, 2 tháng đầu năm 2020 giảm 8,6%, lũy kế 3 tháng giảm 4,6%; thuế thu nhập doanh nghiệp tháng 12/2019 tăng 15,6%, 2 tháng đầu năm 2020 tăng trên 17% nhưng do tháng 3/2020 giảm mạnh nên lũy kế 3 tháng chỉ còn tăng 14%...