12 mặt hàng xuất có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ

Đỗ Huyền 16/04/2020 10:00

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) vừa có thông báo danh sách 12 mặt hàng có thể có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ trong quý I/2020.

Theo đó, 12 mặt hàng gồm: Gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, đệm mút, tủ gỗ, đá nhân tạo, ống đồng, khớp nối bằng thép, bánh xe thép, thép tiền chế, vỏ bình ga, ghim đóng thùng xuất khẩu sang Hoa Kỳ; lốp xe tải và xe khách xuất khẩu sang EU; xe đạp điện xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU.

Gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng là một trong những sản phẩm có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi phòng vệ thương mại.

Gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng là một trong những sản phẩm có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi phòng vệ thương mại.

Cục Phòng vệ Thương mại cũng lưu ý mặt hàng gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng là mặt hàng đang bị thị trường Hoa Kỳ áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm của Trung Quốc.

Với mặt hàng tủ gỗ, đây là sản phẩm vừa bị thị trường Hoa Kỳ áp dụng thuế chống bán phá và thuế chống trợ cấp với sản phẩm của Trung Quốc. Dù vậy, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ đã giảm từ 4 tỷ USD năm 2018 xuống còn 2,5 tỷ USD năm 2019. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng mạnh từ 913 triệu USD năm 2018 lên 1,37 tỷ USD năm 2019 (tăng 50%).

Đối với sản phẩm đá nhân tạo đã bị thị trường Hoa Kỳ áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm của Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Riêng sản phẩm lốp xe tải và xe khách đang bị thị trường EU áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm của Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường EU đã giảm từ 618,5 triệu Euro năm 2017 xuống còn 180 triệu Euro năm 2019.

Còn với xe đạp điện xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU, hiện sản phẩm của Trung Quốc đang bị thị trường EU áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp và bị thị trường Hoa Kỳ áp thuế 25% theo Mục 301 Luật Thương mại 1974.

Thời gian gần đây, vòng xoáy phòng vệ thương mại đang diễn ra căng thẳng trên toàn thế giới. Hơn nữa, trong bối cảnh Việt Nam đã mở cửa và gia nhập vào hàng loạt các FTA thế hệ mới thì Việt Nam không thể tránh được các vụ kiện phòng vệ thương mại (ở cả hai chiều) nên để hạn chế những rủi ro cho doanh nghiệpcác chuyên gia cho rằng Việt Nam nên minh bạch về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, đồng thời doanh nghiệp nên chủ động trong việc tiếp cận các công cụ phòng vệ thương mại.

Nói như Tiến sĩ Phan Ngọc Tâm, Đại học Luật TP HCM, Giám đốc điều hành Công ty luật Tín & Tâm thì những biến động chính sách và những rủi ro kèm theo là hoàn toàn có thể dự báo và đánh giá trước. Rõ ràng là chúng ta không thể tránh được các rủi ro này, nhưng với sự chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng và sự thận trọng cần thiết, chúng ta hoàn toàn có thể giảm thiểu rủi ro và thiệt hại đến mức thấp nhất.

Ông Tâm cho rằng để đối phó với những rủi ro chính sách tương tự như cục diện mà ngành xuất khẩu thép đang đối mặt hiện nay, Việt Nam cần có giải pháp căn cơ và đồng bộ. Cụ thể, thứ nhất, công tác thông tin và cảnh báo phải thật sự được thực hiện một cách mạnh mẽ, xuyên suốt, chủ động và tích cực”, ông Tâm khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

  • Thép Việt tránh phòng vệ thương mại bằng cách nào?

    05:20, 05/03/2020

  • Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm phòng vệ thương mại

    10:09, 04/03/2020

  • Doanh nghiệp Việt ứng phó với phòng vệ thương mại thế nào?

    05:20, 24/01/2020

Về phía nhà nước, ông Tâm cho rằng nhà nước cần có những động thái tích cực và mạnh mẽ phù hợp với các cam kết quốc tế trước việc ban hành và áp dụng các chính sách thương mại 1 chiều của các quốc gia khác mà chúng có thể gây ảnh hưởng hay tác động tiêu cực đến doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Về phía doanh nghiệp Việt Nam, sự chuẩn bị, trang bị những kiến thức về các chính sách thương mại quốc tế là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Các doanh nghiệp cần có sự đầu tư đúng đắn trong việc tiếp cận tìm hiểu chính sách thương mại ở các thị trường liên quan, chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ cần thiết và kịp thời từ các chuyên gia, các nhà tư vấn, các luật sư… để giải quyết một cách hiệu quả nhất các vấn đề có thể phát sinh liên quan đến sự thay đổi hay biến động trong việc bán hàng và thực thi các chính sách thương mại của các nước.

Đỗ Huyền