Băng nhóm xã hội đen lộng hành bị triệt phá: Dấu ấn từ các tân lãnh đạo công an tỉnh
Tình trạng “xã hội đen” lộng hành, gây bức xúc dư luận trong thời gian dài, đã có những thay đổi tích cực từ khi có những tân Giám đốc Sở Công an được điều chuyển về các địa phương…
Dấu ấn của các tân Giám đốc Sở Công an
Tại tỉnh Thái Bình, ổ nhóm tội phạm Đường “Nhuệ” đã tồn tại từ 10 năm, ngang nhiên, lộng hành mà không hề bị xử lý dù nhiều đơn thư đã gửi tới cơ quan chức năng. Từ vụ “Cố ý gây thương tích” do hành hung, đánh đập một phụ xe của vợ chồng Dương - Đường, cả một đường dây mang dáng dấp giang hồ, xã hội đen đang lần lượt được đưa ra ánh sáng.
Cái tên Đường “Nhuệ” từng là nỗi khiếp sợ của người dân, doanh nghiệp cả tỉnh Thái Bình. Dư luận tại địa phương này lâu nay vẫn âm ỉ về cặp vợ chồng Dương - Đường với những câu chuyện bất hảo, cùng nhiều chiến tích khi cầm đầu nhóm côn đồ chuyên cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, can thiệp hầu hết các cuộc đấu giá đất khắp các địa phương, thậm chí đến hoạt động hỏa táng của người dân Thái Bình, nhóm Đường “Nhuệ” cũng không bỏ qua. Đến nay, lần lượt các đàn em thân tín của Đường “Nhuệ” cũng bị khởi tố, bắt giam.
Người để lại dấu ấn trong chiến công ban đầu này là thượng tá Nguyễn Thanh Trường – Tân Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình. Tháng 11/2019, theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tá Nguyễn Thanh Trường - sinh năm 1974 (45 tuổi), quê Hải Dương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (Bộ Công an) được điều động, bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình. Thượng tá Trường thay người tiền nhiệm là đại tá Nguyễn Văn Minh - được bổ nhiệm làm Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng (Bộ Công an).
Có thể bạn quan tâm
Vì sao nữ doanh nhân bất động sản nổi tiếng Thái Bình bị bắt?
22:19, 07/04/2020
Công an Thái Bình thông tin về nguyên nhân nữ giám đốc nổi tiếng bị bắt giữ
17:23, 08/04/2020
Phó thủ tướng chỉ đạo điều tra hoạt động 'xã hội đen' của Đường Nhuệ
11:43, 15/04/2020
Ai "chống lưng" để băng nhóm "xã hội đen" lộng hành?
18:20, 14/04/2020
Đường "Nhuệ" ép doanh nghiệp “tán gia bại sản”, “bảo kê” hỏa táng như thế nào?
17:30, 15/04/2020
Còn tại Đồng Nai, kết quả sau hơn 1 tháng triển khai đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh ninh trật tự dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020. Công an Đồng Nai đã triệt phá 15 băng nhóm với 86 đối tượng hoạt động phạm tội có tổ chức.
Đó là chiến công của Đại tá Vũ Hồng Văn, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai. Tháng 11/2019, lãnh đạo Bộ Công an chính thức công bố quyết định điều động và bổ nhiệm đại tá Vũ Hồng Văn, sinh năm 1976 giữ chức Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai.
Trước đó, đại tá Vũ Hồng Văn đã có hơn 1 năm làm giám đốc công an Đắk Lắc thay thiếu tướng Trần Kỳ Rơi nghỉ hưu.
Chỉ sau hơn 1 tháng nhận chức và chỉ đạo, lực lượng Công an tỉnh này liên tục mở các cuộc tấn công, trấn áp tội phạm như: tấn công các tụ điểm ma túy trong quán bar, karaoke. Ngoài ra, Công an Đồng Nai cũng truy quét đua xe trái phép; phá đường dây sản xuất hàng giả với quy mô lớn; bắt nhiều nhóm, tổ chức hoạt động tín dụng đen mà nổi bật nhất là băng nhóm do Toàn "đen" cầm đầu.
Chủ trương đúng đắn của ngành công an
Chánh văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô cho biết: Về việc luân chuyển, điều động cán bộ trong ngành công an ở tỉnh Đồng Nai và Thái Bình, đã có được những kết quả lớn trong việc đấu tranh, triệt phá các băng nhóm tội phạm, các chuyên án.
Số cán bộ này cũng mới giữ nhiệm vụ, song lãnh đạo Bộ hoan nghênh họ đã tích cực, tạo sự chuyển biến, làm việc quyết liệt. Thực tế, không chỉ ở Đồng Nai, Thái Bình, mà nhiều tỉnh khác, số cán bộ được điều động luân chuyển đã có những cải tiến công việc, xoay chuyển tình hình.
Trao đổi với báo chí về vấn đề điều động các giám đốc công an tỉnh, thành mới để tạo ra quyết liệt trong đấu tranh phòng chống tội phạm ở các địa phương. Ông Lê Việt Trường – nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cũng chia sẻ: Cán bộ mới về thì không phải chịu áp lực nào cả, không nằm trong nhóm nọ, bộ phận kia cho nên mới làm khách quan, vô tư và hoàn toàn có thể đấu tranh được. Đây cũng chính là kinh nghiệm cho thấy rằng không được để cán bộ nào đó giữ ví trị ở một địa bàn quá lâu. Tuy có mặt thuận là nắm vững địa bàn, am hiểu công việc nhưng ngược lại cũng có những vấn đề, như có thể đã hình thành các lợi ích nhóm.
"Phải luân chuyển, điều động, khi phát hiện nếu có vấn đề mất đoàn kết hay chia rẽ nội bộ là phải sớm xử lý. Khi đưa cán bộ chủ chốt về, làm việc có trách nhiệm và vô tư trong sáng, không chịu áp lực của chuyện tiêu cực nào thì rõ ràng công việc đi vào quỹ đạo”, ông Lê Việt Trường nói.