Các tòa án sẽ ưu tiên xét xử các vụ án liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19
Ngày 16/4, TAND Tối cao có công văn hỏa tốc yêu cầu các tòa ưu tiên đưa ra xét xử, giải quyết các vụ chuẩn bị hết thời hạn xét xử, các vụ án liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19...
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, để góp phần tích cực vào việc phòng, chống dịch bệnh và duy trì hoạt động bình thường của tòa án các cấp, chánh án TAND tối cao yêu cầu chánh án các tòa án, thủ trưởng các đơn vị thuộc TAND Tối cao tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm một số nội dung.
Theo đó, các tòa án đặt tại các tỉnh, thành phố thuộc nhóm nguy cơ cao gồm 12 địa phương Hà Nội, Quảng Ninh, Lào Cai, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh và Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 02 ngày 10/3 của chánh án TAND Tối cao và Công văn số 118, số 113 của TAND Tối cao ngày 30/3, 31/3.
Cụ thể, tiếp tục thực hiện cách ly xã hội đến hết 24 giờ ngày 22/4 trong phạm vi tỉnh, thành phố; tiếp tục tạm dừng xét xử và giải quyết các vụ án, vụ việc theo Chỉ thị 02.
Các vụ án, vụ việc đã hết thời hạn (kể cả thời gian gia hạn) và bắt buộc phải mở phiên tòa, phiên họp thì thực hiện quy định của pháp luật tố tụng nhưng phải thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.
Công chức, người lao động của tòa án tiếp tục sử dụng công nghệ thông tin để làm việc tại nhà, trường hợp cần thiết theo yêu cầu của thủ trưởng đơn vị.
Các tỉnh, thành phố phát sinh ổ dịch mới được Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 công bố bổ sung thuộc nhóm nguy cơ cao thì chánh án tòa án địa phương chủ động thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch nêu trên.
Các tòa án đặt tại các tỉnh, thành phố thuộc nhóm nguy cơ, nhóm nguy cơ thấp tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ. Đó là tổ chức xét xử giải quyết các vụ án theo quy định của tố tụng nhưng phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, chỉ triệu tập những người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng tham dự phiên tòa, phiên họp.
Hạn chế tổ chức các phiên tòa, phiên họp tập trung trên 20 người trong một phòng; yêu cầu thực hiện giữ khoảng cách 2 m giữa người với người trong phòng xử và nơi làm việc. Bố trí phòng xử trực tuyến để đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa người và người.
Công chức, người lao động đến tòa làm việc, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng phải thực hiện nghiêm các yêu cầu giãn cách xã hội, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang... trong suốt thời gian làm việc.
Đồng thời, yêu cầu công chức, người lao động, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khi đến tòa án phải tự giác khai báo thông tin về lịch sử tiếp xúc với người dương tính virus SARS-CoV- 2 và lịch sử di chuyển, đi lại đến các địa phương có dịch. Công chức, người lao động có lịch sử tiếp xúc đi lại tới vùng có dịch được yêu cầu làm việc tại nhà.
Trong thời gian này, các tòa án ưu tiên đưa ra xét xử, giải quyết các vụ chuẩn bị hết thời hạn xét xử; các vụ án liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19; các vụ việc phục vụ cho nhiệm vụ chính trị địa phương; các vụ án nghiêm trọng dư luận xã hội quan tâm.
Từ đầu tháng 4/2020 đến nay đã có khá nhiều đối tượng bị khởi tố, đưa ra xét xử và lĩnh án tù do có hành vi chống đối, hành hung những người thực thi nhiệm vụ ở các chốt kiểm soát phòng dịch Covid-19.
“Nổ phát súng” đầu tiên là phiên toà lưu động do TAND huyện Tiên Yên, Quảng Ninh mở tại hội trường UBND xã Đông Ngũ. Bị cáo trong vụ án này là Đào Xuân Anh (còn gọi là Đào Văn Doanh), 30 tuổi, trú tại xã Đông Hải, huyện Tiên Yên bị truy tố về tội Chống người thi hành công vụ, theo Điều 330 BLHS 2015. Anh này không đội mũ bảo hiểm, không đeo khẩu trang, lăng mạ tổ công tác kiểm dịch, dùng mũ cối đánh người trực chốt. Với hành vi này, tại phiên tòa, HĐXX đã quyết định xử phạt Đào Xuân Anh 9 tháng tù.
Gần đây nhất, ngày 15/4, CAH Kiến Thụy, TP Hải Phòng đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Ngô Văn Tuân SN 1998, trú tại xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích. Đêm 10/4, tổ công tác kiểm soát phòng chống dịch bệnh Covid-19 huyện Kiến Thụy làm nhiệm vụ tại khu vực gầm cầu chui Việt Hàn, thì phát hiện một nam thanh niên điều khiển xe máy chở một phụ nữ không đội mũ bảo hiểm, đi với tốc độ cao. Khi bị Thiếu úy Đặng Trí Chung - CAH Kiến Thụy ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra, nam thanh niên này không chấp hành còn tăng ga, tông thẳng vào Thiếu úy Chung khiến anh bị gãy xương cánh tay bên phải (giảm 23% sức khỏe).
Ngày 12/4 vừa qua, là trường hợp của ông Lưu Văn Thanh, Phó Chủ tịch HĐND huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước. Ông này không đeo khẩu trang, quát tháo và từ chối đo thân nhiệt tại một chốt kiểm dịch COVID-19 trên địa bàn thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước. Hiện lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác với ông này, khẳng định sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Có thể bạn quan tâm
Không đeo khẩu trang, chống người thi hành công vụ: Đào Xuân Anh bị phạt 9 tháng tù giam
19:49, 10/04/2020
Khởi tố nhóm thanh niên tấn công lực lượng chống dịch ở Quảng Ninh
19:27, 14/04/2020
Quảng Ninh: Điều tra, làm rõ 4 thanh niên tấn công lực lượng chống dịch
17:55, 13/04/2020
Khi các tòa án tập trung ưu tiên xét xử các vụ án liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 thì tất cả những hành vi lệch chuẩn, đi ngược lại sự tuân thủ nghiêm túc của đa số người dân sẽ được xét xử kịp thời hơn nữa. Những cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống dịch tùy theo mức độ vi phạm, sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh tương ứng, được quy định tại BLHS 2015.