Cần rà soát lại quy trình mua sắm trang thiết bị chống dịch COVID-19 trên cả nước
Không chỉ riêng Hà Nội, trong quá trình chống dịch trên cả nước, nhiều Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tại các tỉnh, thành cũng có những gói thầu mua sắm thiết bị phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Trong thời gian qua, dư luận “nóng” lên về vụ việc Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội), đã ký phê duyệt gói thầu mua sắm thiết bị phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 đợt 1 với tổng chi phí hơn 30 tỷ đồng. Trong đó, nhiều trang thiết bị phòng, chống dịch đã bị “thổi” giá lên gấp 3 lần.
Cụ thể, theo một số nguồn tin, ngày 24/2, ông Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc CDC Hà Nội đã ký phê duyệt gói thầu mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 đợt 1 với tổng chi phí hơn 30 tỷ đồng. Trong đó có bình bơm tay của Đức (12 triệu đồng/chiếc), hệ thống đo thân nhiệt từ xa bằng camera hồng ngoại (1,5 tỷ đồng/bộ), hệ thống xét nghiệm Realtime PCR (7 tỷ đồng/bộ)…
Theo đó, hệ thống Realtime PCR được miêu tả là hàng mới 100%, sản xuất sau năm 2019, bao gồm máy tách chiết DNA/RNA tự động (xuất xứ Thụy Sĩ), máy thiết lập phản ứng PCR tự động (Thụy Sĩ), máy Realtime PCR (xuất xứ Đức). Hệ thống Realtime PCR tự động với giá 7 tỷ đồng được cho là nguyên nhân việc nhiều cán bộ CDC Hà Nội bị khởi tố, bắt tạm giam.
Không chỉ riêng Hà Nội, thời gian dịch COVID-19 bùng phát, việc mua sắm vật tư y tế theo hình thức chỉ định thầu diễn ra rầm rộ trên phạm vi cả nước. Ngày 24/3, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam chỉ định mua hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động với giá 7,5 tỷ đồng. Đầu tháng 3, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình đấu thầu hệ thống Realtime PCR với giá dự toán gần 8 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo một nhà cung cấp thiết bị xét nghiệm cho hay, thiết bị Realtime PCR chỉ có giá trên dưới 4 tỷ đồng. Cũng theo nhà cung cấp này, gói chỉ định thầu của CDC Hà Nội còn có nhiều thiết bị thông thường nhưng giá rất cao, như bình bơm tay là loại hàng phổ thông, ở trong nước, các loại bình này có rất nhiều, giá thấp hơn hàng chục lần
Có thể bạn quan tâm
Phát hiện sai phạm tại CDC Hà Nội khi mua thiết bị xét nghiệm COVID-19
16:38, 22/04/2020
Có hay không việc ưu ái cho doanh nghiệp “ruột” trúng thầu?
05:20, 15/04/2020
Doanh nghiệp có đang bị “móc túi” ở các cửa khẩu Lạng Sơn?
10:30, 11/04/2020
VCCI chung sức cùng doanh nghiệp “vượt bão”: Phát triển bền vững là vấn đề máu, thịt
21:24, 23/04/2020
Một số chuyên gia thiết bị y tế cho biết, thông thường, việc mua bán trang thiết bị máy móc phải qua đấu thầu với các yêu cầu về giá chào thầu, thẩm định giá để tìm ra nhà thầu có năng lực và giá tốt nhất. Tuy nhiên, khoản 1, Điều 22 của Luật Đấu thầu quy định gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách nằm trong nhóm được chỉ định thầu. Khi chỉ định thầu, bên mời thầu sẽ được quyền chọn nhà thầu và giao thầu.
Được biết, ngày 22/4, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố vụ án hình sự “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại CDC Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội, Công ty Cổ phần Định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam và các đơn vị liên quan. Kết quả điều tra ban đầu xác định, ông Cảm có một số sai phạm trong quá trình mua sắm máy xét nghiệm SARS-CoV-2 (virus gây dịch bệnh COVID-19).
Liên quan đến vụ việc, Chủ tịch UBND Hà Nội, Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định, quan điểm của Thường trực Thành uỷ, Bí thư Thành ủy và của Ban chỉ đạo TP là các trường hợp vi phạm phải được điều tra và xử lý nghiêm, không nương nhẹ.
Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội, Phạm Văn Hòa cũng cho rằng: "Phải xử lý nghiêm để răn đe, cảnh tỉnh cho những người lợi dụng vị trí công tác của mình để vun vén cho cá nhân".
Vậy, trước thực trạng từ vụ việc của CDC Hà Nội, có cần xem xét quy trình mua sắm thiết bị của các tỉnh, thành khác?