"Vượt mặt" hải quan, một doanh nghiệp cấp C/O giả cho hàng xuất khẩu trị giá hơn 600 tỉ
Một doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại TP.HCM đã cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) giả cho khoảng 30 doanh nghiệp thuộc nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tại buổi họp báo chuyên đề về kết quả kiểm tra, điều tra phòng chống gian lận xuất xứ hàng Việt Nam xuất khẩu của ngành hải quan ông Trần Mạnh Cường, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, đây là một thủ đoạn mới, bằng các biện pháp nghiệp vụ, ngành hải quan đã phát hiện được vụ việc này. Dù chưa thể tiết lộ thông tin cụ thể về doanh nghiệp, song ông Nguyễn Hùng Anh, cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết doanh nghiệp này có trụ sở tại TP HCM, hoạt động từ năm 2018 đến nay.
Doanh nghiệp này giới thiệu các thông tin về việc cấp C/O lên mạng, sau đó tiến hành cấp C/O cho các doanh nghiệp khác dù không được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Theo đánh giá của ông Nguyễn Hùng Anh, những doanh nghiệp sử dụng C/O giả này thường là những đơn vị có "vấn đề".
Hiện Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Điều tra chống buôn lậu khẩn trương chủ động tiến hành làm rõ, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) - Bộ Công an thực hiện các hoạt động điều tra, làm rõ sai phạm của đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, rà soát, mở rộng điều tra để xử lý đối với các trường hợp tương tự.
"Theo quy định, hiện chỉ có VCCI và Bộ Công Thương có chức năng cấp C/O cho hàng xuất khẩu. Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp chặt chẽ với Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an thực hiện các hoạt động điều tra, làm rõ sai phạm của đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", ông Nguyễn Hùng Anh cho hay.
Ngoài ra, ông Hùng cũng nhấn mạnh, thời gian qua, lợi dụng ưu đãi thuế quan của Việt Nam được hưởng đối với các nước ký kết hiệp định thương mại, đã nổi lên vấn đề lợi dụng xuất xứ Việt Nam để được hưởng ưu đãi đối với hàng hóa xuất khẩu.
Một số phương thức gian lận phổ biến như: Doanh nghiệp nhập khẩu bán thành phẩm về lắp ráp giản đơn hoặc nhập khẩu dưới dạng sản phẩm hoàn chỉnh và thay đổi bao bì, nhãn mác; doanh nghiệp đã có dây chuyền máy móc nhưng sản phẩm xuất khẩu không đủ điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Ngành Hải quan đã kiểm tra, điều tra, xác minh 76 vụ việc, phát hiện 24 vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng xuất khẩu; tịch thu 3.590 xe đạp nguyên chiếc, hơn 4.000 bộ linh kiện xe đạp và hơn 12.000 bộ linh kiện lắp ráp tủ bếp là tang vật vi phạm; thu hơn 33 tỷ đồng (bao gồm số tiền thu lợi bất hợp pháp, xử phạt vi phạm hành chính và trị giá tang vật vi phạm bị tịch thu).
Đối với mặt hàng thủy sản, phát hiện 2 doanh nghiệp thủy sản có hành vi khai sai xuất xứ hàng hóa xuất khẩu. Các công ty này chỉ sản xuất, gia công công đoạn chế biến đơn giản mang tính giết mổ. Căn cứ Điều 9, Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 đây thuộc công đoạn gia công, chế biến đơn giản và không được xét đến khi xác định xuất xứ hàng hóa tại Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
“Chưa đủ căn cứ để kết luận lô hàng nhôm 4,3 tỉ USD vi phạm xuất xứ hàng hóa”
22:10, 06/07/2020
Thông tư quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP được sửa đổi, bổ sung
16:23, 31/03/2020
Ban hành Nghị quyết phòng chống gian lận xuất xứ hàng hoá
17:47, 06/01/2020
Diễn biến ngày càng tinh vi, quyết chặn gian lận xuất xứ hàng hóa
04:30, 12/12/2019