Chưa bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá

PV 14/07/2020 20:51

Qua thảo luận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa.

Chiều 14/7, tiếp tục chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải báo cáo thẩm tra tại phiên làm việc.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải báo cáo thẩm tra tại phiên làm việc.


Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhấn mạnh sự cần thiết bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tối đa. Bởi lẽ, việc này sẽ kiểm soát được tình trạng các doanh nghiệp tăng giá bất hợp lý hoặc tăng giá đột biến làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội; tạo sự công khai, minh bạch về giá sách giáo khoa. Đồng thời, khắc phục được những điểm yếu của việc kê khai giá sách giáo khoa hiện nay... Đặc biệt, người tiêu dùng sẽ được tiếp cận sách với giá hợp lý, phụ huynh và học sinh yên tâm, tin tưởng trong việc lựa chọn sách giáo khoa...

Về vấn đề này Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, theo quy định hiện hành, sách giáo khoa không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá hoặc Nhà nước định giá mà thuộc danh mục kê khai giá, theo đó thẩm quyền quyết định giá sách giáo khoa thuộc các đơn vị được cấp phép xuất bản sách nên thời gian qua giá sách giáo khoa ở mức khá cao, ảnh hưởng lớn đến chi phí mua sách giáo khoa của phụ huynh và học sinh. Do vậy, cần phải có giải pháp khắc phục tình trạng này khi giá sách giáo khoa chưa thực sự được điều chỉnh theo cơ chế thị trường.

Một số ý kiến trong Ủy ban cho rằng, theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó có chủ trương lớn là thực hiện xã hội hóa việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa. Do đó, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa là chưa phù hợp với mục tiêu, quan điểm của Nghị quyết của Quốc hội và trái với nguyên tắc thị trường, chưa phù hợp với quy định của Luật Giá”, ông Hải nhấn mạnh.

Ngoài ra, tại phiên họp, một số ý kiến cho rằng, theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông thì việc Chính phủ trình UBTVQH để bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa là chưa phù hợp với mục tiêu, quan điểm của Nghị quyết của Quốc hội và trái với nguyên tắc thị trường. Ngoài ra, sản phẩm SGK không thuộc diện hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật Giá...

Kết luận, tổng hợp các ý kiến thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất việc sách giáo khoa không thuộc mặt hàng nhà nước định giá theo quy định trong Luật Giá.

Do đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có thẩm quyền bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa như Tờ trình của Chính phủ. Chính phủ cần đánh giá, rà soát lại về vấn đề nêu trên để báo cáo Quốc hội ban hành nghị quyết hoặc sửa đổi Luật Giá.

Có thể bạn quan tâm

  • Sẽ thiết kế sách giáo khoa theo hướng hạn chế viết, vẽ vào được

    09:32, 01/11/2018

  • Tái sử dụng sách giáo khoa để tránh lãng phí

    13:24, 21/09/2018

  • Sách giáo khoa sử dụng một lần: Lãng phí!

    12:07, 12/09/2018

PV