"Cải cách thể chế, ban hành văn bản thực thi các FTA vẫn còn chậm"

PV 22/07/2020 17:30

Đây là nhận định của ông Nguyễn Sĩ Cương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, thành viên, Tổ trưởng Tổ giúp việc Đoàn giám sát.

Những đánh giá này được các thành viên Đoàn giám sát “Việc thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên” của Ủy ban thường vụ Quốc hội với Bộ Công Thương vào sáng ngày 22/7.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Bộ Công Thương.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Bộ Công Thương.

Kể từ sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007 tới nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 FTA, trong số 13 FTA đã ký (12 FTA đã có hiệu lực, 1 FTA đã ký và phê chuẩn, nhưng chưa có hiệu lực) và 3 FTA đang đàm phán (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA giữa Việt Nam và Khối Thương mại tự do châu Âu (EFTA), FTA giữa Việt Nam và Israel.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đánh giá, các FTA này đã và đang mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, là cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Hội nhập kinh tế quốc tế là một chủ trương lớn của Đảng, là nội dung trọng tâm của hội nhập quốc tế và bộ phận quan trọng, xuyên suốt của công cuộc đổi mới. Để kịp thời triển khai các FTA mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực, Chính phủ luôn kịp thời ban hành các văn bản pháp luật về các quy định, tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ, biểu thuế các loại hàng hóa để hướng dẫn chi tiết thực thi cam kết trong các FTA mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, việc cải cách thể chế, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các FTA vẫn còn chậm. Ông Nguyễn Sĩ Cương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, thành viên, Tổ trưởng Tổ Giúp việc Đoàn giám sát - cũng thừa nhận, việc ban hành văn bản thực thi còn chậm so với kế hoạch, kể cả CPTPP và các FTA đặt ra việc sửa đổi, xây dựng mới các văn bản. Có những văn bản chậm 1 - 2 tháng, thậm chí có văn bản chậm 5 tháng và nhiều nhất là chậm 11 tháng.

Việc ban hành văn bản này là rất quan trọng vì đây là hành lang pháp lý để triển khai việc thực hiện các FTA. Nếu không sửa văn bản quy phạm pháp luật sẽ phải đối mặt bị kiện trong các cam kết mà Hiệp định đưa ra”, ông Nguyễn Sĩ Cương nhấn mạnh.

Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát định kỳ kết quả thực hiện các FTA thời gian qua chưa được giám sát sát sao. Ông Bùi Thanh Sơn - Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông, thành viên Đoàn giám sát - đề xuất Ủy ban đối ngoại, Ủy ban kinh tế của Quốc hội có chương trình, kế hoạch về việc giám sát này, không nhất thiết có Hội đồng giám sát tối cao để đôn đốc, thúc đẩy, để không tăng thêm đầu mối và tạo sức ép các cơ quan thực thi rà soát đôn đốc nghiêm túc.

Có lẽ hàng năm, bất kỳ FTA mới nào Chính phủ ký nên có ngay Đoàn giám sát để thúc đẩy Chính phủ vào cuộc. Đồng thời tăng cường công tác giám sát, đặc biệt giám sát các FTA mới ký, để đưa các FTA đi vào cuộc sống ngay”, ông Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến cho hay.

Từ năm 2019, Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 789/NQ-UBTVQH14 ngày 17/10/2019 về việc thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên”.

Ông Nguyễn Văn Giàu - Ủy viên BCH TW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại, Phó trưởng Đoàn giám sát – cho biết, Đoàn giám sát gồm 29 thành viên và Tổ giúp việc thực hiện giám sát việc thực hiện các FTA mà Việt Nam làm thành viên. Ngay tháng cuối năm 2019, Đoàn giám sát đã phê duyệt đề cương báo cáo để phù hợp với các bộ, ngành.

Đến nay, cơ bản nhận đầy đủ các báo cáo theo yêu cầu giám sát. Đã có 62/63 tỉnh, thành phố; 22/23 bộ ngành; 11 tập đoàn, tổng công ty lớn; 23 hiệp hội đã gửi báo cáo và 41 báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội”, ông Nguyễn Văn Giàu thông tin.

Đặc biệt, từ cuối tháng 2, đoàn giám sát đã chuẩn bị tổ chức đi thực địa, giám sát các tỉnh miền Trung, khu IV, tuy nhiên, do dịch COVID-19 nên hoãn đến đầu tháng 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới kết nối lại hoạt động các cơ quan Quốc hội tại địa phương. Trưởng đoàn giám sát đã có đề nghị làm việc với một số bộ ngành trước rồi mới làm phiên toàn thể, xây dựng báo cáo với Ủy ban Thường vụ rồi báo cáo tiếp.

Sắp tới Đoàn giám sát sẽ làm việc với Chính phủ, Quốc hội, thể chế hóa chính sách đường lối của Đảng. Bộ Công Thương cũng sẽ được giao giúp cho Chính phủ làm báo cáo này. Vì vậy, cần mạnh dạn chỉ ra văn bản quy phạm pháp luật nào chậm, chỉ rõ trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương”, ông Vũ Hồng Thanh - Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế làm Phó Trưởng Đoàn giám sát thông tin thêm.

Ngoài ra, với công tác tuyên truyền, các thành viên Đoàn giám sát cũng đề xuất cần phân loại đối tượng để phổ biến tuyên truyền các FTA, sản phẩm tuyên truyền phải cụ thể như xuất bản cẩm nang, câu hỏi vấn đáp. Tuy nhiên, việc tuyên truyền đạt hiệu quả cao khi các doanh nghiệp chủ động, sẵn sàng mọi tâm thế để thực thi các FTA có hiệu quả.

Đặc biệt, vấn đề tận dụng biện pháp phi thuế quan, hàng rào kỹ thuật, cần tư vấn cho doanh nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật để vào thị trường các nước, đảm bảo xuất siêu chứ không triền miên nhập siêu; chuẩn bị khả năng giải quyết tranh chấp thương mại; rà soát lại Chiến lược tổng thể về tham gia FTA, cập nhật bổ sung đến năm 2030.

Có thể bạn quan tâm

  • EVFTA và động lực cải cách thể chế

    11:30, 10/07/2020

  • Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu về giải pháp phát huy hiệu quả thực thi EVFTA của Diễn đàn Doanh nghiệp

    18:53, 07/07/2020

  • Chìa khóa giúp nông sản Việt thích ứng với EVFTA

    05:00, 07/07/2020

PV