Vi phạm đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép phải chịu án phạt ra sao?
Việc người vi phạm tổ chức đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam sẽ phải chịu án phạt ra sao đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Công an TP Đà Nẵng cho biết, trong mấy ngày vừa qua, hầu hết các đơn vị trên địa bàn TP đã ra quân tổng kiểm tra lưu trú, đặc biệt là các địa phương có nhiều người nước ngoài lưu trú. Qua đó, công an phát hiện nhiều người nhập cảnh và lưu trú trái phép, chủ yếu là người mang quốc tịch Trung Quốc.
Theo ông Lê Trung Chinh - Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, trong tối 24/7, Đà Nẵng phát hiện thêm 21 người nước ngoài nhập cảnh trái phép. Sau khi phát hiện những người nhập cảnh và lưu trú trái phép, công an đã yêu cầu họ cách ly tại nơi lưu trú. Những người này sẽ được lấy lời khai để cơ quan chức năng nắm rõ lịch trình, cũng như thủ thuật nhập cảnh trái phép.
Công an TP Đà Nẵng khuyến cáo người dân nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ người nước ngoài lưu trú trái phép, đề nghị người dân trình báo.
Trước đó, Công an TP Đà Nẵng đã phát hiện hơn 20 người nhập cảnh trái phép. Công an đã khởi tố vụ án và đang hoàn tất hồ sơ để khởi tố bị can những người tiếp tay cho việc đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép.
Tại cuộc họp sáng 25/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu sớm khởi tố các đối tượng đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, công khai để người dân được biết và mang tính răn đe, giáo dục.
“Cùng với khoanh vùng, dập dịch tích cực ở thành phố Đà Nẵng, một yêu cầu đặt ra là giữ biên giới chặt chẽ, trong đó có các cửa khẩu. Bộ Quốc phòng phải quán triệt nghiêm túc đến lực lượng biên phòng" – Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý, vấn đề quản lý chặt chẽ biên giới, cửa khẩu phải được kiểm tra từ các cửa khẩu phía Bắc, các cửa khẩu phía Nam. Dù đối tượng được vào Việt Nam theo quy định thì việc cách ly tập trung vẫn phải cương quyết, gồm cả người nước ngoài và Việt kiều về. Với các chuyên gia, nhà ngoại giao, doanh nghiệp, nhà đầu tư thì địa phương, đơn vị mời phải có trách nhiệm thực hiện khâu cách ly y tế.
Vụ việc người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam không phải bây giờ mới có. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, sự việc này càng khiến dư luận bức xúc. Mặc dù Thủ tướng đã yêu cầu khởi tố, song, người dân rất kỳ vọng một mức án phạt đủ sức răn đe những kẻ có hành vi môi giới, tiếp tay, đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Tứ, Đoàn LS TP Đà Nẵng, Điều 348 Bộ luật hình sự về tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép quy định người nào vì vụ lợi mà tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép thì bị phạt tù từ 1-5 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 5-10 năm: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội hai lần trở lên; đối với từ năm người đến 10 người; có tính chất chuyên nghiệp; thu lợi bất chính từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng; tái phạm nguy hiểm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 7-15 năm: Đối với 11 người trở lên; thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên; làm chết người.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm.
Luật sư Nguyễn Văn Tứ cho rằng, việc khởi tố vụ án để điều tra liên quan đến hành vi tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép của Công an TP Đà Nẵng là cần thiết để xác định cá nhân, tổ chức nào đứng sau tổ chức cho nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Qua đó, cơ quan tố tụng có biện pháp xử lý hình sự để răn đe, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 đang bùng phát và mở rộng tại Trung Quốc thì khả năng làm lây lan dịch bệnh cho công dân Việt Nam của nhóm người Trung Quốc này là cực kỳ nguy hiểm.
Có thể bạn quan tâm
COVID-19: Thủ tướng yêu cầu xem người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam là ca nghi nhiễm
12:01, 25/07/2020
Nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép: Xin đừng vô trách nhiệm!
11:50, 24/07/2020
Ai “tiếp tay” cho nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép?
11:04, 23/07/2020