Vì sao vụ bảo kê logo “xe vua” tại Hà Nội chưa thể xét xử?

ANH KHÔI 04/08/2020 15:58

Để làm rõ nội dung liên quan đến vụ án, tránh bỏ lọt tội phạm, ngày 04/8/2020, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án 4 bị cáo, nhận hối lộ bảo kê logo “xe vua”…

Theo đó, vụ án kể trên có 7 bị cáo, trong đó 3 bị cáo: Nguyễn Ánh Hào (SN 1981), trú tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội; Lê Văn Cường (SN 1980) -  cựu cán bộ Chi cục Quản lý đường bộ I.6 thuộc Cục quản lý đường bộ I - Tổng cục Đường bộ Việt Nam;

Phạm Văn Vinh (SN 1993) - cựu Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư thương mại và vận tải Tuấn Vinh;

Các bị can bị truy tố về tội “Đưa hối lộ”, quy định tại Điều 364, khoản 4 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Vì sao vụ việc bảo kê logo

Vì sao vụ việc bảo kê logo "xe vua" chưa thể đưa ra xét xử?

Bốn bị cáo còn lại đều là cựu cán bộ Thanh tra giao thông gồm: Lê Bá Dũng (SN 1974), cựu cán bộ Đội Thanh tra giao thông vận tải quận Hoàng Mai, Hà Nội; Trần Sỹ Cương (SN 1984), cựu cán bộ Đội Thanh tra cơ động thuộc Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội; Nguyễn Quốc Cương (SN 1973), cựu cán bộ Đội Thanh tra giao thông vận tải quận Hai Bà Trưng, Hà Nội và Hoàng Văn Lân (SN 1963), cựu cán bộ đội Thanh tra vận tải huyện Phú Xuyên, Hà Nội.

Các bị cáo kể trên bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” quy định tại Điều 354, khoản 2 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo cáo trạng, để thuận lợi trong việc lưu hành xe tải chở hàng quá tải, hoặc bị vi phạm trong lĩnh vực giao thông nhưng để không bị xử lý hoặc xử lý với lỗi nhỏ hơn lỗi vi phạm nên Nguyễn Ánh Hào, Lê Văn Cường đã bàn với Phạm Văn Vinh sử dụng tên Công ty cổ phần đầu tư thương mại và vận tải Tuấn Vinh do Vinh làm Tổng Giám đốc để thiết kế một loại logo có dòng chữ mang tên “Công ty Tuấn Vinh” (sau đổi thành “AN TOÀN LÀ BẠN, TAI NẠN LÀ THÙ”)

Sau đó, tìm kiếm và mời các chủ xe ô tô tải (thường chở hàng quá tải trọng cho phép) nộp tiền cho Vinh, Hào để hàng tháng đi “quan hệ” với các cán bộ nhà nước trong lĩnh vực giao thông đường bộ...

Theo phân công, Hào và Vinh có nhiệm vụ vận động, mời các chủ xe ô tô tải nộp tiền, dán logo để Hào, Vinh đi “quan hệ”, còn Cường có nhiệm vụ, khi đi làm nhiệm vụ thanh tra ở vị trí chốt nào, sẽ thông báo cho Vinh hoặc Hào để hai người này thông báo cho các lái xe tránh khu vực, tuyến đường đó.

Có thể bạn quan tâm

  • Hoãn xét xử, trả hồ sơ vụ BIDV thất thoát gần 1.700 tỉ đồng

    Hoãn xét xử, trả hồ sơ vụ BIDV thất thoát gần 1.700 tỉ đồng

    02:34, 18/07/2020

  • Hà Nội: Truy tố 4 bị can Công ty Đức Anh tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”

    Hà Nội: Truy tố 4 bị can Công ty Đức Anh tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”

    11:03, 03/08/2020

  • Chính thức truy tố cựu Phó Chủ tịch TP HCM Nguyễn Thành Tài

    Chính thức truy tố cựu Phó Chủ tịch TP HCM Nguyễn Thành Tài

    14:43, 31/07/2020

Trong hơn 2 năm (từ tháng 6/2016 - 10/2018), bằng phương thức này, các bị cáo đã thu được tổng số hơn 6,2 tỷ đồng để thực hiện việc hối lộ.

Trong đó, Lê Bá Dũng nhận 96 triệu đồng, Nguyễn Quốc Cương nhận 63 triệu đồng, Trần Sỹ Cương nhận 136 triệu đồng và Hoàng Văn Lân nhận 11 triệu đồng cùng 1 chai rượu, từ Vinh và Hào để trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, sẽ bỏ qua hoặc nếu kiểm tra sẽ phạt lỗi nhẹ hơn so với thực tế đối với các xe tải có logo của Công ty Tuấn Vinh.

Quá trình điều tra, các đối tượng Vinh và Hào khai, có sự tham gia của Nguyễn Thị Ninh (SN 1982), trú tại xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội (là vợ đã ly hôn của đối tượng Cường) vào việc đưa hối lộ.

Hào khai, đã đóng tiền cho Ninh; Vinh khai, Vinh cùng Ninh đi đưa tiền cho một số các bộ ngành Thanh tra giao thông vận tải và Cảnh sát giao thông, tuy nhiên, tại cơ quan điều tra, Cường và Ninh không khai nhận việc có sự tham gia của Ninh.

Trong khi đó, Ninh khai không biết việc của Cường, Hào và Vinh làm; Hào và Vinh cũng không giao nộp được tài liệu liên quan đến Ninh như lời khai, Cơ quan điều tra đã tiến hành cho đối chất, nhưng các bên vẫn giữ lời khai của mình, vì vậy, không đủ căn cứ để xử lý đối với Ninh.

ANH KHÔI