Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường: "Đề xuất trả tiền cho người dân để phân loại rác từ nguồn"
Tại phiên họp thứ 47 của Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đưa ra đề xuất liên quan đến chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế.
Sáng 12/8, tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp 47, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Một trong những nội dung được trình xin ý kiến và nhận được nhiều ý kiến thảo luận là về quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Theo dự thảo Luật, chất thải rắn sinh hoạt được phân thành 3 loại cơ bản: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Căn cứ điều kiện kinh tế xã hội từng địa phương, UBND tỉnh quyết định phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt khác. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại phát sinh.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình ủng hộ phân làm 3 loại rác tại nguồn. Ông Phan Thanh Bình cũng đồng ý nguyên tắc giao cho UBND cấp tỉnh quy định và lộ trình tới năm 2025 sẽ thực hiện.
Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội Trần Văn Túy cho rằng lộ trình 5 năm, tới 2025 mới thực hiện phân loại và thu phí rác thải theo khối lượng, chủng loại, là quá dài. Nếu có quy định bắt buộc và lộ trình rõ ràng hơn trong 1 - 2 năm thì sẽ tạo được thói quen, tập quán.
“Địa phương tôi trước đây thí điểm ở phường thì dân hưởng ứng. Nhưng khi thu gom thì tất cả đổ lên một xe thành ra rất lãng phí. Quan trọng là có nhận thức đồng bộ. Tôi đề nghị nghiên cứu lộ trình ngắn hơn. Nếu không quyết tâm thì rất lãng phí và mất thêm 5 năm”, ông Trần Văn Túy nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thi Kim Ngân, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải gặp nhà sản xuất hàng tiêu dùng đặt vấn đề này để tạo thành phong trào, từng khu phố, huyện tỉnh phải đăng ký phong trào giống như xây dựng nông thôn mới. Nếu nhà nhà có thùng rác 3 ngăn thì tốt.
Cũng theo dự thảo, đơn vị thu gom, vận chuyển có quyền từ chối phục vụ nếu hộ gia đình, cá nhân không phân loại và không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Dự thảo cũng quy định chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được phân loại theo quy định không phải chi trả kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý.
Tuy nhiên, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lưu ý cần có phương thức khác nhau với chất thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp và có các biện pháp khuyến khích người dân.
“Bắt người dân trả tiền, họ không trả lại vứt bừa. Còn nếu được trả tiền, dù không đáng bao nhiêu nhưng người dân có ý thức phân loại, gom sạch sẽ. Đơn vị thu gom phải đi mua và nhà máy mua lại của đơn vị thu gom vận chuyển, Nhà nước có thể hỗ trợ cho các sản phẩm được tái chế qua chính sách như thuế”, ông Nguyễn Hạnh Phúc đề xuất.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường: “Cứ nói môi trường là ông Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm”
16:24, 12/08/2020
Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi): Sẽ thắt chặt hơn 300 doanh nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng
15:40, 11/06/2020
Bất cập Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường: Chi phí đáp ứng chuẩn khí thải ai phải chịu?
04:50, 31/05/2020