Sẽ chuyển đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe chuyển sang Bộ Công an

PV 16/09/2020 15:48

Sáng nay 16/9, thừa ủy quyền của Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Công an, thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc đã trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt, nhất trí với sự cần thiết ban hành luật này. Tuy nhiên, cần xem xét Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) cùng thời điểm để tách bạch phạm vi điều chỉnh, nội dung của hai dự luật này cho rõ ràng, không để chồng lấn, trùng lặp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Về phạm vi điều chỉnh của dự luật, Ủy ban Quốc phòng và an ninh Quốc hội cho rằng còn nhiều ý kiến khác nhau. Đặc biệt, có ý kiến cân nhắc việc chuyển công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấp phép lái xe từ Bộ GTĐB sang Bộ Công an. Lược bỏ thẩm quyền tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về TTATGTĐB của Thanh tra Giao thông.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh cơ bản nhất trí với các ý kiến trên và đề nghị tiếp tục rà soát phạm vi, nội dung điều chỉnh của dự thảo Luật Bảo đảm TTATGTĐB và dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) để hoàn thiện, bảo đảm mối quan hệ hài hòa, thống nhất giữa hai Luật này, không để chồng chéo, trùng lắp.

Bên cạnh đó cần phân định rõ ràng hơn trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm thực thi của các cơ quan, lực lượng chức năng để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, đúng với chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực phụ trách.

Về thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội thấy rằng từ năm 2001 đến nay, công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đã được quy định trong Luật GTĐB (2001 và 2008) và được thực hiện ổn định.

Bộ GTVT cơ bản thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hoạt động này. Thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập về chất lượng đào tạo, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và theo dõi thi hành pháp luật về an toàn giao thông đối với người lái xe.

Quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX thuộc phạm vi quản lý người điều khiển phương tiện giao thông (kiến thức pháp luật, kỹ năng điều khiển và ý thức chấp hành pháp luật của người lái xe), liên quan trực tiếp đến TTATGTĐB, nên khi tách ra thành hai luật thì nội dung trên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo đảm TTATGTĐB là phù hợp.

Nội dung này cũng đã được Chính phủ thảo luận và thống nhất quy định trong dự thảo Luật Bảo đảm TTATGTĐB. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị xây dựng hai phương án, quy định ở Luật BĐTTATGTĐB hoặc quy định trong Luật GTĐB như hiện hành.

Nhưng bản chất của vấn đề là xác định bộ nào quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp, đổi và thu hồi GPLX và Bộ GTVT đã thống nhất trình Quốc hội phương án 1 (quy định ở Luật BĐTTATGTĐB). Thường trực Ủy ban nhất trí với phương án 1 mà Chính phủ đã thống nhất và giao Bộ Công an quản lý nhà nước nội dung nêu trên, vì nội dung này thuộc thẩm quyền phân công của Chính phủ.

“Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Bộ Công an, Bộ GTVT báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức biên chế, kinh phí thực hiện, tính hiệu quả của cả hai phương án nêu trên và kinh nghiệm các nước quản lý nội dung này. Đây là vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo…”, ông Võ Trọng Việt nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Sẽ quy định đấu giá biển số xe

    15:21, 16/09/2020

  • Có nên tách "tách" Luật Giao thông đường bộ?

    15:05, 16/09/2020

  • Lo ngại chồng lấn trong Dự thảo Luật Giao thông đường bộ

    05:06, 21/07/2020

  • DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT TUẦN TỪ 6-11/7: Dự thảo Luật Giao thông đường bộ nhiều chồng chéo, lắm bất cập

    15:00, 12/07/2020

PV