Nghệ An: Sau nhiều ngày bãi bến, xe khách đã hoạt động trở lại
Trước sự mất công bằng trong kinh doanh vận tải tuyến QL 7 do xe dù, xe vượt tuyến tranh giành hành khách, các doanh nghiệp đã đồng loạt bãi bến, đình công.
Tuy nhiên, trước sự vào cuộc quyết liệt của Sở GTVT Nghệ An và các cơ quan liên quan, từ sáng 7/3, các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định Vinh đi các huyện trên QL 7 và ngược lại đã cho phương tiện hoạt động trở lại.
Đây cũng là kết quả ban đầu sau buổi đối thoại giữa lãnh đạo Sở GTVT Nghệ An và đại diện các doanh nghiệp, HTX, chủ xe khách diễn ra vào ngày 5/3 vừa qua. Tại buổi đối thoại này, ông Hoàng Phú Hiền – giám đốc Sở GTVT cũng chỉ đạo thành lập 02 tổ thanh tra phối hợp với cơ quan chức năng để phát hiện, ngăn chặn và xử lý các xe dù, xe vượt tuyến tham gia chở khách trái với quy định.
Mặt khác, Sở GTVT cũng chỉ đạo các xe tham gia chạy tuyến cố định phải hoạt động trở lại nếu không sẽ tiến hành thu hồi giấy phép, phù hiệu…
Hơn 30 nhà xe cho rằng, tình trạng xe dù, xe vượt tuyến tranh giành khách gây ra sự thiếu công bằng trong vận tải hành khách tuyến cố định trên QL7 nên đã đồng loạt bãi bến, đình công từ ngày 3/3Trước đó, từ ngày 3/3, lấy lý do bị xe dù, xe vượt tuyến tranh giành khách, “cướp” khách nên các nhà xe đã được cơ quan chức năng cấp giấy phép đăng ký kinh doanh vận tải tuyến cố định Vinh – Kỳ Sơn, Tương Dương… không có khách lên xe đã đồng loạt bãi bến, đình công. Bởi họ cho rằng, thực trạng tồn tại lâu nay rơi vào cảnh thua lỗ, chi vượt thu nhưng sự thiếu công bằng vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền vào cuộc.
Theo ghi nhận của phóng viên, từ sáng 7/3, việc vận tải hành khách tuyến cố định Vinh đi Kỳ Sơn, Tương Dương đã được các chủ xe cho phương tiện của mình hoạt động trở lại. Người dân cũng đã được mua vé để lên xe di chuyển đến các địa phương như trước đó.
Tuy nhiên, tâm lý thích đi xe “đón tận nhà, trả tận chỗ” của người dân vẫn quen sử dụng lâu nay đối với các phương tiện xe dù loại từ 4 đến 16 chỗ ngồi. Họ cho rằng, các phương tiện này có nhiều tiện lợi vì chỉ cần gọi điện là nhà xe họ đến đón tận nhà mà không phải ra bến mua vé.
Lợi dụng tâm lý này, trong những năm qua, các cá nhân, tổ chức trên địa bàn Nghệ An đã tung hàng loạt các loại phương tiện ô tô loại 4 đến 16 chỗ tham gia chở khách dưới dạng xe hợp đồng, xe tham quan…
Vậy nhưng, theo quy định của pháp luật thì trường hợp kinh doanh vận tải hành khách tự do mà không có Giấy phép đăng ký kinh doanh vận tải là vi phạm Luật Giao thông đường bộ 2008. Vi phạm này sẽ bị xử phạt hành chính từ 7.000.000 đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 14.000.000 đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức.
Chính vì vậy, theo Điều 67 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, các phương tiện muốn tham gia dịch vụ vận tải hành khách phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô được quy định như sau:
Điều 67. Điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
- Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải có đủ các điều kiện sau đây:
- a) Đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật;
- b) Bảo đảm số lượng, chất lượng và niên hạn sử dụng của phương tiện phù hợp với hình thức kinh doanh;phương tiện kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe theo quy định của Chính phủ;
- c) Bảo đảm số lượng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phù hợp với phương án kinh doanh và phải có hợp đồng lao động bằng văn bản; nhân viên phục vụ trên xe phải được tập huấn nghiệp vụ kinh doanh vận tải, an toàn giao thông; không được sử dụng người lái xe đang trong thời kỳ bị cấm hành nghề theo quy định của pháp luật;
- d) Người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã phải có trình độ chuyên môn về vận tải;
đ) Có nơi đỗ xe phù hợp với quy mô của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, bảo đảm yêu cầu về trật tự, an toàn, phòng, chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.
Thực trạng xe dù, xe vượt tuyến tham gia vận tải hành khách không phải chỉ xảy ra ở địa bàn Nghệ An mà xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành trên địa bàn cả nước trong suốt thời gian qua.
Tuy nhiên, công tác quản lý, xử lý để tạo sự công bằng trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách vẫn chưa thể có giải pháp mang tính bền vững. Bởi theo quy luật, nếu có cung ắt sẽ có cầu nên các loại phương tiện ô tô cá nhân mặc dù không đăng ký kinh doanh vận tải hành khách vẫn lén lút chở khách dưới nhiều chiêu thức khác nhau.
Có thể bạn quan tâm
Xuất khẩu thô đá hoa trắng tại Nghệ an (Kỳ 1): Lợi bất cập hại!
04:00, 07/03/2021
Nghệ An: Vì sao hàng loạt doanh nghiệp vận tải hành khách bãi bến?
04:20, 06/03/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Đầu tư dự án khu công nghiệp Hoàng Mai I (Nghệ An)
19:30, 01/03/2021
Nghệ An làm gì để khống chế, chống dịch COVID -19?
17:46, 21/02/2021