Đắk Nông: Công trình chống hạn hàng trăm tỉ đồng gây thiếu nước?
Một vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo lớn nhất tỉnh Đắk Nông đang rơi vào tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Đáng chú ý, nằm kế bên công trình chống hạn gần 200 tỉ đồng đã hoàn thành ...
Mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông đã có công văn chỉ đạo, yêu cầu Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các Công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Nông nghiệp)- chủ đầu tư và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- đơn vị thẩm định dự án Nâng cấp các công trình thủy phòng chống hạn trên địa bàn phải khắc phục ngay những bất cập gây nên tình trạng thiếu nước tại cánh đồng lúa ở Buôn Choah, huyện Krông Nô.
Khu vực này là vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm lớn nhất tỉnh Đắk Nông với diện tích trên 700 héc-ta. Đáng chú ý, từ nhiều năm nay, người dân xã Buôn Choah vẫn canh tác hai vụ lúa và không có tình trạng thiếu nước trầm trọng tới mức phải đầu tư máy bơm hút nước, cho tới khi xuất hiện dự án chống hạn trăm tỉ.
Được biết, công trình chống hạn trên được triển khai trong giai đoạn 2016-2020, sau đó được gia hạn đến cuối tháng 5/2021, với tổng mức đầu tư 198,5 tỉ đồng, chủ yếu từ nguồn ngân sách trung ương.
Theo thiết kế, dự án sẽ thiết lập các trạm bơm bơm hút nước từ sông Krông Nô xả vào hệ thống kênh dẫn đến cánh đồng. Tuy nhiên, dự án bị người dân phản ánh vì bộc lộ nhiều bất cập.
“Họ thiết kế kiểu gì mà đoạn mương dài hơn 2 cây số ở vùng hạ du lại cao hơn thượng nguồn nên nước không chảy xuống dưới. Tôi phải dùng máy bơm hút nước tưới cây- đây là lần đầu tiên chúng tôi làm việc này. Khi họ làm, chúng tôi đã ý kiến nhưng bị phớt lờ”, một người dân (thôn Ninh Giang, xã Buôn Choah) nói.
Được biết, tình trạng thiếu nước xảy ra từ đầu vụ gieo sạ. Do không có nước, người dân xuống giống chậm hơn nửa tháng so với kế hoạch. Hiện tại, cây lúa đang vào thời kỳ trổ đòng nhưng thiếu nước khiến nhiều người lo lắng.
Theo số liệu của UBND xã Buôn Choah, hiện có hơn 135 hec-ta lúa bị thiếu nước trầm trọng. Người dân khắc phục bằng cách đầu tư máy bơm để cứu cây. UBND xã đã nhiều lần báo cáo kiến nghị của dân về các bất cập tại dự án chống hạn nhưng đến giờ vẫn chưa khắc phục xong.
Trả lời các cơ quan báo chí, đại diện chủ đầu tư dự án cho rằng, hệ thống kênh dẫn nước tuân thủ theo hồ sơ thiết kế; không có tình trạng cao trình tại vị trí cuối kênh cao hơn đầu kênh.
Ban nông nghiệp lý giải một trong các nguyên nhân gây thiếu nước tại cánh đồng Buôn Choah là do nhu cầu sử dụng nước của cây lúa cao hơn so với cây hoa màu khác; và diện tích lúa cần tưới tăng hơn so với kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, một vị lãnh đạo UBND xã Buôn Choah cho biết, diện tích cây lúa tăng lên không đáng kể so với mọi năm và việc cây lúa cần nước hơn so với các cây trồng khác là không có cơ sở.
Theo tìm hiểu, không chỉ bị phản ứng tại dự án chống hạn này, tình trạng trương tự cũng xảy ra ở công trình thủy lợi suối Đá tại xã nghèo nhất tỉnh Đắk Nông, được đầu tư 90 tỉ đồng nhưng bộc lộ nhiều bất cập, nhất là hệ thống kênh dẫn nước nằm sâu dưới lòng đất. Được biết, cả hai dự án trên đều do Cty CP Đầu tư xây dựng Đường Việt (TP Đà Nẵng) tư vấn, thiết kế.
Trước đó, ngày 18/1, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên đã trực tiếp đi kiểm tra công trình này. Tại buổi làm việc, ông Yên khẳng định, đã có bất cập trong thiết kế và vận hành các trạm bơm tại xã Buôn Chóah. Theo đó, báo cáo của BQL cho biết công suất thiết kế được phê duyệt Trạm bơm số 1 Buôn Chóah đáp ứng cho diện tích tưới lớn nhất là 165 ha; trong đó diện tích lúa nước 38,36 ha, diện tích cây hoa màu khác 117,64 ha. Tuy nhiên theo thực tế, diện tích lúa nước cần tưới là 145 ha, diện tích hoa màu là 20 ha.
Riêng công suất thiết kế được phê duyệt Trạm bơm số 3 Buôn Chóah đáp ứng cho diện tích lớn nhất là 160 ha; trong đó diện tích trồng lúa nước là 70 ha, diện tích trồng cây hoa màu khác là 90 ha. Trong khi thực tế thì diện tích cần cung cấp nước tưới là 227,12 ha; toàn bộ đều là diện tích trồng lúa nước.
Ngoài việc “thiết kế một đàng, thực tế một nẻo” này, thiếu nước còn có nguyên nhân khác, đó là việc vận hành các trạm bơm số 1 và số 3 chưa bảo đảm được nguồn nước cho các cánh đồng ở xa. Trong khi đó, nguyên nhân thiếu nước từng được BQL đưa ra là do: “Địa phương chưa thành lập tổ thủy nông nội đồng để phối hợp với chủ đầu tư, đơn vị khai thác vận hành để điều tiết nguồn nước chưa hiệu quả, dẫn đến người dân tự ý đục phá thành kênh, dùng đá cản trở dòng chảy để lấy nước”.
Trong khi đó, người dân cho rằng trước đây khi công trình chưa được nâng cấp thì rất ít khi thiếu nước, nhưng sau khi công trình được nâng cấp và đi vào sử dụng thử nghiệm lại không cung cấp đủ lượng nước như trước đây. Theo đó, số tiền đầu tư gần 200 tỉ đồng có nguy cơ… vô tác dụng!
Có thể bạn quan tâm