Bộ Công Thương đề xuất bỏ quy định nhà đầu tư nước ngoài tham gia kinh doanh xăng dầu

ĐỖ HUYỀN 08/04/2021 14:07

Bộ Công Thương kiến nghị bỏ quy định nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu không quá 35% cổ phần tại doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ra khỏi dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 83/2014.

Bộ Công Thương vừa có Tờ trình gửi Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu. Tờ trình này được gửi Chính phủ vào ngày 29/3, ít ngày trước khi Chính phủ bước sang nhiệm kỳ mới.

Theo tờ trình của Bộ Công Thương, về việc bổ sung quy định cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước nếu có hoạt động sản xuất có thể chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35%.

Theo tờ trình của Bộ Công Thương, về việc bổ sung quy định cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước nếu có hoạt động sản xuất có thể chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35%.

Theo đó, Bộ Công Thương nêu rõ những ưu điểm, quy định của việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực xăng dầu. Tuy nhiên, Bộ này cũng kiến nghị, nếu cần đánh giá, nghiên cứu sâu thêm, có thể loại bỏ quy định này khỏi dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP.

Theo tờ trình của Bộ Công Thương, về việc bổ sung quy định cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước nếu có hoạt động sản xuất có thể chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35%. Với ý kiến góp ý của các Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các bộ này lo ngại về vấn đề an ninh năng lượng, tính pháp lý và lợi ích thực chất của việc mở cửa cho phép đầu tư nước ngoài.

Bộ Công Thương cho hay, quy định cho phép thương nhân kinh doanh xăng dầu nếu có hoạt động sản xuất được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35% là nội dung mới đưa vào Nghị định nhưng thực tế đã được thực hiện nhiều năm nay đối với doanh nghiệp doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có vốn Nhà nước như Petrolimex (đã bán cho nhà đầu tư nước ngoài 20%), PVOil (35%), BSR (49%),... thông qua quá trình cổ phần hóa, huy động vốn đầu tư và đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua chủ trương trước khi thực hiện. Đến nay, các doanh nghiệp này vẫn đang kinh doanh, hoạt động bình thường.

Bộ Công Thương giải thích, việc đưa nội dung quy định này vào dự thảo còn là để thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tháng 3/2016 về phát hành tăng vốn cho cổ đông chiến lược của Petrolimex.

Ngoài ra, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài góp phần cải thiện đáng kể công tác quản trị, giúp minh bạch hơn các báo cáo tài chính. Qua đó, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, đặc biệt là giúp cho giá trị các doanh nghiệp gia tăng thông qua giá trị cổ phiếu.

Bộ Công Thương đánh giá: Có thể thấy các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất am hiểu và tuân thủ theo các quy định, pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, do chưa có quy định chính thức và cụ thể về tỷ lệ nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài nên các doanh nghiệp trong nước cũng như cơ quan quản lý rất lúng túng khi thương thảo với họ về việc đầu tư, phát hành tăng vốn. Đặc biệt là việc thiếu đồng nhất về tỷ lệ nắm giữ cổ phần của đối tượng này khi doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán.

Ngoài các doanh nghiệp nhà nước đã được Thủ tướng cho phép bán cho nhà đầu tư nước ngoài khi cổ phần hóa thì trên thực tế còn hàng nghìn doanh nghiệp tham gia kinh doanh xăng dầu đã niêm yết trên sàn chứng khoán có nhu cầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng quan tâm tới cổ phiếu của các công ty đó nhưng đều gặp khó khăn vì thiếu quy định rõ ràng, cụ thể.

“Do vậy, việc rà soát, bổ sung nội dung cho phép doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được chuyển nhượng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài là phù hợp với thực tế đã phát sinh và nhu cầu phát triển của ngành xăng dầu trong nước. Việc quy định giới hạn chuyển nhượng cổ phần ở mức 35% vừa giải quyết được vấn đề thu hút vốn, công nghệ, kỹ năng quản trị doanh nghiệp song vẫn hạn chế được mức độ can thiệp của nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước”, Bộ Công Thương nêu.

Do đó, cần cân nhắc lợi ích của việc chưa mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu với việc mở cửa thu hút vốn, công nghệ của nhà đầu tư nước ngoài sớm.

"Việc đề xuất mở cửa thị trường xăng dầu xuất phát từ chính nhu cầu của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước, không phải nhu cầu từ doanh nghiệp nước ngoài", theo Bộ Công Thương. Hầu hết các nước trên thế giới và khu vực đã mở cửa thị trường xăng dầu như Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản,...

Bộ Công Thương khẳng định: Doanh nghiệp xăng dầu, dù thuộc thành phần kinh tế nào, khi kinh doanh tại thị trường Việt Nam cũng phải tuân thủ các điều kiện, quy định tại Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Do đó, doanh nghiệp hoàn toàn bị kiểm soát hoạt động để bảo đảm quản lý về an ninh năng lượng, chất lượng, an toàn cháy nổ,...

Việc cho phép chuyển nhượng này là hoạt động đầu tư gián tiếp, chưa cho phép doanh nghiệp được trực tiếp thực hiện quyền phân phối xăng dầu tại Việt Nam. Việc thực hiện quyền phân phối xăng dầu tại Việt Nam chỉ được thực hiện khi doanh nghiệp nước ngoài thành lập chi nhánh tại Việt Nam và trực tiếp triển khai hoạt động phân phối.

Về pháp lý, Bộ Công Thương cho biết, đã rà soát các quy định hiện hành và cam kết quốc  tế cho thấy: Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia theo biểu cam kết dịch vụ khi gia nhập WTO, dịch vụ phân phối dầu thô và dầu đã qua chế biến được loại trẻ khỏi phạm vi cam kết nên Việt Nam có quyền chủ động cho phép hoặc không cho phép nhà đầu tư nước thực hiện quyền phân phối xăng dầu tại Việt Nam.

Ngoài ra, theo pháp luật trong nước, Điều 22 Luật Đầu tư năm 2014 quy định không giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nói chung nếu không có quy định khác của pháp luật có liên quan...

“Như vậy, việc cho phép doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ không quá 35% hiện không vi phạm cam kết quốc tế, không trái các Luật và Nghị định trong nước... Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương nhận thấy việc cho phép thương nhân kinh doanh xăng dầu chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài không quá 35% là phù hợp”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng bổ sung: Trường hợp Thủ tướng Chính phủ thấy nội dung "cho phép thương nhân kinh doanh xăng dầu nếu có hoạt động sản xuất được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài không quá 35% cần phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thêm, Bộ kiến nghị bỏ nội dung này ra khỏi dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP”.

Đến nay, Nghị định này chưa được thông qua nên phải chờ Chính phủ nhiệm kỳ mới quyết định.

Có thể bạn quan tâm

  • Đồng Nai: Có sự bảo kê cho xăng dầu "đen"

    04:30, 01/04/2021

  • Giá xăng dầu tăng liên tiếp tác động tới thị trường ra sao?

    04:00, 31/03/2021

  • Khám xét khẩn cấp 2 doanh nghiệp xăng dầu tại Đồng Nai

    15:12, 29/03/2021

  • [eMagazine] Xăng dầu “đen” vươn “vòi bạch tuộc”

    11:31, 21/03/2021

ĐỖ HUYỀN