Báo động tình trạng khai thác khoáng sản, cát, sỏi trái phép

GIA NGUYỄN 09/04/2021 04:00

Mặc dù là một trong những hiện trạng “nóng” cần chấn chỉnh, thế nhưng, tại nhiều địa phương hiện tượng khai thác khoáng sản, cát, sỏi không tuân thủ các quy định của pháp luật vẫn tồn tại...

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản và cát, sỏi trên địa bàn nhiều tỉnh cho thấy, nhiều năm qua, vẫn còn tồn tại những vi phạm, bất cập, hạn chế trong công tác quản lý tại nhiều địa phương, gây nhức nhối dư luận.

Như giữa năm 2020, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức công bố kết luận thanh tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn các tỉnh: Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang (giai đoạn 2011-2017).

Tình trạng khai thác khoáng sản, cát, sỏi trái phép vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương - Ảnh minh họa

Tình trạng khai thác khoáng sản, cát, sỏi trái phép vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương - Ảnh minh họa

Trong đó, các vi phạm phổ biến được đơn vị này chỉ rõ, như: việc nợ tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành nhưng đã khai thác; không thực hiện nghiêm túc quy định về quan trắc môi trường; không thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ khi hết hạn giấy phép khai thác khoáng sản... Ngoài ra, Quỹ Bảo vệ môi trường của các tỉnh hoạt động không thống nhất, chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về tổ chức và hoạt động…

Hay mới đây, Thanh tra Chính phủ đã công bố Kết luận thanh tra về những vi phạm, bất cập trong công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản; việc quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường và việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi tại tỉnh Hòa Bình và việc thực hiện quy hoạch, xây dựng trung tâm thương mại, chuyển đổi chợ và việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi tại tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2011-2018, nhiều vấn đề trong công tác quản lý khai thác khoáng sản, cát, sỏi cũng được đơn vị này “chỉ mặt đặt tên” như:

Tại Hòa Bình: Sau khi cấp phép, các điểm mỏ đều xảy ra mất an ninh trật tự, người dân tập trung đông người khiếu kiện, có nguyên nhân là do xung đột về lợi ích giữa doanh nghiệp được cấp phép và các cá nhân khai thác cát trái phép. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thật sự hiệu quả; việc phối hợp giữa các ngành, các lực lượng của tỉnh trong việc ngăn chặn, xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép có lúc còn chưa chặt chẽ nên hoạt động khai thác cát trái phép vẫn diễn ra.

Nếu không có sự quyết liệt ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản, cát, sỏi trái phép

Nếu không có sự quyết liệt ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản, cát, sỏi trái phép thì hiện trạng này sẽ ngày một nghiêm trọng và tiềm ẩn nhiều hệ lụy- Ảnh minh họa

Ðiều đáng nói, 19/20 bến bãi tập kết cát, sỏi nằm ngoài quy hoạch trong thời gian dài nhưng chưa bị xử lý, nguồn cung cấp cát tại một số bến bãi chủ yếu từ nguồn các tàu trôi nổi trên sông Ðà, mua vào không rõ nguồn gốc. Tuy vậy, việc kiểm tra, phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình chưa thật sự hiệu quả; chưa có biện pháp tốt để giám sát, kiểm soát nguồn gốc cát cung cấp cho các bến bãi tập kết trên địa bàn tỉnh, tiềm ẩn xảy ra thất thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với khối lượng cát tại các bến bãi tập kết…

Còn tại Hưng Yên: Thực trạng vi phạm của các bãi tập kết cát, sỏi trên địa bàn tỉnh đã kéo dài từ nhiều năm, qua các thời kỳ, UBND tỉnh Hưng Yên, UBND các huyện đã nhiều lần thanh tra, kiểm tra, nhưng thiếu kiên quyết, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo xử lý, trong khi chủ bãi tập kết chưa khắc phục triệt để vi phạm.

Thực tế, không chỉ tại các tỉnh đã nêu, hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép đã và đang diễn ra phổ biến nhiều năm qua, trong đó, đa phần công khai hoạt động vào ban đêm, ở nhiều tuyến sông, nhất là các khu vực giáp ranh;… và chỉ dần lắng xuống khi các lực lượng chức năng của địa phương tổ chức kiểm tra, kiểm soát, thế nhưng khi vắng bóng các lực lượng chức năng, hoạt động vi phạm pháp luật lại tiếp tục diễn ra…

Trước thực trạng trên, dư luận vô cùng quan ngại, nếu các cơ quan chức năng ở địa phương không nghiêm minh, còn buông lỏng quản lý, thậm chí bao che, tiếp tay thì những hoạt động này sẽ ngày càng nghiêm trọng và gây ra những hậu quả nặng nề đối với môi trường và tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự.

Có thể bạn quan tâm

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Khoáng sản tại khu vực dự trữ quốc gia phải được bảo vệ nghiêm ngặt

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Khoáng sản tại khu vực dự trữ quốc gia phải được bảo vệ nghiêm ngặt

    00:06, 03/04/2021

  • "Pháp luật về thuế tài nguyên cản trở sự phát triển của công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản"

    11:10, 12/01/2021

  • Báo động ô nhiễm từ việc khai thác khoáng sản tràn lan

    Báo động ô nhiễm từ việc khai thác khoáng sản tràn lan

    04:30, 23/12/2020

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ 29/9: Tăng cường quản lý nhà nước về thăm dò, khai thác khoáng sản

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ 29/9: Tăng cường quản lý nhà nước về thăm dò, khai thác khoáng sản

    21:06, 29/09/2020

GIA NGUYỄN