Quảng Nam kiểm tra khai thác khoáng sản và dự án đô thị
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục yêu cầu cơ quan chức năng thanh kiểm tra 14 doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Ngay sau khi chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra và dùng thuốc nổ đánh sập các hầm vàng khai thác trái phép tại khu vực miền núi Quảng Nam. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh tiếp tục yêu cầu cơ quan chức năng thanh kiểm tra 14 doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Tất nhiên, việc kiểm tra 14 doanh nghiệp khai thác khoáng sản đang được cơ quan chức năng lên danh sách. Chủ yếu là khai thác cát và khai khoáng. Quyết định số 1093 được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh ký vào ngày hôm nay (22/4) yêu cầu tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu đoàn kiểm tra tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh của các doanh nghiệp, hợp tác xã gồm tất cả 14 doanh nghiệp. Trong số này có 13 doanh nghiệp chuyên khai thác cát, sỏi, đất sét, đất san lấp và đá làm vật liệu xây dựng thông thường cùng 1 doanh nghiệp khai thác vàng gốc ở huyện Phước Sơn.
Quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành do ông Nguyễn Văn Thọ - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh làm trưởng đoàn và yêu cầu đoàn xây dựng kế hoạch kiểm tra và tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh của các doanh nghiệp trong thời gian 60 ngày kể từ ngày công bố quyết định.
"Khi kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm yêu cầu lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển hồ sơ cho các cơ quan, đơn vị liên quan xử lý hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định pháp luật"- quyết định nêu rõ.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu đoàn công tác liên ngành sau khi kết thúc kiểm tra phải tổng hợp kết quả và tham mưu đề xuất UBND tỉnh các biện pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước của các cơ quan liên quan và trong hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp.
Ngoài việc tăng cường kiểm tra giám sát việc khai thác khoáng sản, tránh gây thất thoát tài nguyên. Ông Lê Trí Thanh còn yêu cầu cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra việc đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Đặc biệt là tại Khu đô thị mới Điện Nam-Điện Ngọc thuộc Thị xã Điện Bàn, Quảng Nam.
Trong báo cáo của Sở Xây dựng cho biết trong số 108 dự án khu dân cư, đô thị triển khai tại thị xã Điện Bàn thì Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc có 79 dự án triển khai đầu tư xây dựng từ nhiều năm nay vẫn còn dang dở.
Đáng chú ý là 64 dự án trong tổng số 79 dự án của khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc này đang thực hiện các thủ tục đầu tư. Trong đó có 31 dự án đang tổ chức thi công dang dở và 33 dự án chưa xây dựng và "treo" từ hơn thập kỷ qua.
Nếu lấy mốc từ năm 2003 đến nay, trong vòng 18 năm, tỉnh Quảng Nam quyết định đầu tư 144 dự án khu dân cư, đô thị, tái định cư. Trong đó, thị xã Điện Bàn 108 dự án; TP.Hội An 8; Núi Thành 10; Quế Sơn 4; Tam Kỳ 5; Thăng Bình 2; Duy Xuyên 2; các huyện Tiên Phước, Hiệp Đức, Nam Giang, Phú Ninh, Phước Sơn mỗi địa phương 1 dự án khu dân cư, đô thị.
Kéo dài hàng thập kỷ với việc ào ạt cấp phép khu đô thị đến nay, Khu đô thị mới Điện Nam Điện Ngọc vẫn chưa hình thành vóc dáng của một đô thị mới như khát vọng mà lãnh đạo Quảng Nam kỳ vọng.
Ngay các dự án khu đô thị Bách Đạt 3, 4, 5, 6 tại khu Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đến nay vẫn chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư. Đó là chưa kể hàng loạt dự án khác đến nay vẫn giẫm chân tại chổ chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư mà nguyên nhân chính là do chuyển mục đích thương mại dịch vụ sang đô thị, hay quy hoạch diện tích lớn hơn diện tích được giao cho chủ đầu tư.
Điển hình như khu đô thị hỗn hợp Nam Hương, Thái Dương 3, khu đô thị xanh Anvie Hà My, dự án khu đô thị Viêm Trung, là minh chứng dể nhìn thấy nhất. Đó là chưa kể hàng loạt dự án đầu tư chậm tiến độ do khiếu nại, khiếu kiện về đất đai kéo dài đến nay chưa xử lý dứt điểm.
Nói về tiến độ thực hiện dự án, lãnh đạo Sở Xây dựng thừa nhận rằng dự án triển khai đúng tiến độ như chấp thuận chủ trương đầu tư rất ít. Số còn lại là toàn bộ dự án khu dân cư, đô thị đều phải gia hạn tiến độ. Điều đáng quan tâm là một số dự án kéo dài hơn 1 thập kỷ qua vẫn chưa hình thành vóc dáng khu đô thị mới như khu đô thị số 4 và 9 trong khu Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc.
Việc các nhà đầu tư chậm tiến độ đầu tư các dự án khu đô thị tại Điện Nam-Điện Ngọc kéo dài qua hơn 1 thập kỷ qua đã để lại nhiều hệ lụy đến nay khó khắc phục, khiến đời sống người dân vùng dự án gặp nhiều khó khăn.
Tài nguyên khoáng sản và đất đai luôn là điểm nóng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm và chưa có giải pháp hữu hiệu để quản lý tránh thất thoát.
Có thể bạn quan tâm
Tập đoàn GDC động thổ khởi công Nhà máy xử lý chất thải rắn Bắc Quảng Nam
17:38, 14/04/2021
Kinh tế Quảng Nam dần được phục hồi
12:56, 06/04/2021
Sốt đất Quảng Nam, Đà Nẵng (KỲ II): “Nấc thang” mới thiết lập thị trường
13:00, 01/04/2021
Sốt đất Quảng Nam, Đà Nẵng: Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai?
14:30, 30/03/2021
Number One Chu Lai nhận danh hiệu Doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh Quảng Nam
14:25, 26/03/2021