Đề xuất giảm 50% mức hưởng nếu người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần

ĐỖ HUYỀN 08/06/2021 16:56

Thay vì rút BHXH một lần sẽ được từ 1,5 – 2 tháng lương tính đóng như hiện hành, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất giảm chỉ còn 1 tháng lương.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hộ  vừa hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ xem xét trình Quốc hội. Theo đó, nội dung về sửa quy định liên quan tới hưởng bảo hiểm xã hội một lần đã được nêu rõ hơn, theo hướng cho người lao động lựa chọn.

Tiếp tục duy trì chính sách cho phép hưởng BHXH một lần, nhưng mức hưởng sẽ thấp hươn hiện hành.

Tiếp tục duy trì chính sách cho phép hưởng BHXH một lần, nhưng mức hưởng sẽ thấp hươn hiện hành.

Định hướng sửa luật vẫn giữ quy định cho phép người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần sau khi nghỉ việc từ 1 năm trở lên nhưng không đóng tiếp, thay vì không cho phép người lao động rút BHXH một lần. Tuy nhiên, luật có thể đưa ra các lựa chọn khác nhau giữa rút bảo hiểm xã hội 1 lần ngay hoặc để tới khi hết tuổi lao động mới rút.

Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất, nếu người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu, sau 1 năm nghỉ việc không tham gia BHXH, và đề nghị hưởng BHXH một lần thì mức hưởng cho mỗi năm đóng BHXH bằng 1 tháng tiền lương bình quân tính đóng BHXH.

Trường hợp người lao động đến tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng, hoặc người lao động mắc bệnh hiểm nghèo, ra nước ngoài để định cư hợp pháp, được hưởng BHXH một lần. Mức hưởng trong trường hợp này được tính mỗi năm tham gia BHXH bằng 2 tháng lương bình quân tính đóng BHXH.

Còn theo quy định hiện hành, sau khi nghỉ việc 1 năm, nếu người lao động rút BHXH một lần, mỗi năm tham gia BHXH được tính bằng 1,5 tháng lương cho giai đoạn từ 2014 về trước, và 2 tháng lương cho giai đoạn từ 2014 tới nay.

Đề xuất trên của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có chút thay đổi so với dự thảo cơ quan này đưa ra trước đó khi đưa ra mục tiêu sửa luật theo hướng: có lộ trình tiến tới chỉ giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần với người lao động tới tuổi hưu nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu và không có nhu cầu đóng tiếp.

Đặc biệt, hồ sơ sửa Luật Bảo hiểm xã hội cũng được đưa vào đề xuất giao Chính phủ nghiên cứu thực hiện thí điểm chế độ trợ cấp trẻ em nếu có bố hoặc mẹ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Theo đó, người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có con dưới 6 tuổi được hưởng trợ cấp hàng tháng tính trên mỗi con cho đến khi con đủ 6 tuổi. Giải pháp này để giữ chân người lao động ở lại với hệ thống bảo hiểm xã hội, đặc biệt với người lao động trẻ, thay vì nghỉ việc là rút bảo hiểm xã hội một lần.

Tuy nhiên, nếu thêm chế độ trợ cấp cho người tham gia bảo hiểm xã hội có con nhỏ, sẽ phải thêm mức đóng. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hộ dẫn tính toán của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, nếu quy định, áp dụng chính sách trên áp dụng với người có con dưới 15 tuổi, mức trợ cấp là 350.000 đồng/tháng, sau đó tăng dần lên đạt 560.000 đồng/tháng vào năm 2030, sẽ cần mức đóng góp của người lao động là 3%/tháng lương; trường hợp chỉ áp dụng với trợ cấp cho trẻ em dưới 6 tuổi, tỷ lệ đóng góp cần thiết là 1%/tháng lương.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhận BHXH một lần: Nên hay không?

    Nhận BHXH một lần: Nên hay không?

    11:00, 09/05/2021

  • “Thắt chặt” quy định hưởng BHXH một lần

    “Thắt chặt” quy định hưởng BHXH một lần

    10:40, 07/05/2021

  • Kiến nghị sửa Luật để hạn chế người lao động nhận BHXH một lần

    Kiến nghị sửa Luật để hạn chế người lao động nhận BHXH một lần

    03:00, 24/04/2021

  • Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để hạn chế BHXH một lần

    Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để hạn chế BHXH một lần

    16:24, 25/03/2021

ĐỖ HUYỀN