Kênh đầu tư tài chính BIS Holding có dấu hiệu tội phạm

NGUYỄN GIANG 02/08/2021 04:00

Theo cơ quan chức năng, hoạt động huy động vốn, mô hình trả thưởng, cách thức phát triển mạng lưới người tham gia tại kênh đầu tư tài chính BIS Holding và ứng dụng Auto Ads có dấu hiệu tội phạm…

Ứng dụng Auto Ads và kênh đầu tư BIS Holding được cảnh báo đều đặt máy chủ ở ngước ngoài và có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Ứng dụng Auto Ads và kênh đầu tư BIS Holding được cảnh báo đều đặt máy chủ ở ngước ngoài và có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ảnh: CAND

Ngày 1/8, Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát hiện hoạt động của website https://auto0ws3ei-www.shoutload.com (Auto Ads) và kênh đầu tư tài chính BIS Holding có dấu hiệu tổ chức huy động vốn, lôi kéo lượng lớn người tham gia đầu tư, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, với ứng dụng Auto Ads, các đối tượng sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo thành lập các nhóm để quảng cáo, lôi kéo người tham gia đầu tư vào hệ thống Auto Ads. Ứng dụng này được quảng cáo là robot thông minh, có khả năng giúp bất kỳ người nào cũng có thể biến môi trường internet trở thành “công nghệ kinh tế mạng” để kiếm tiền.

Theo đó, muốn tham gia vào chơi phải đăng ký tài khoản trên trang web https://auto0ws3ei-www.shoutload.com bằng số điện thoại di động. Người chơi nạp tiền theo 9 mức, từ 180.000 đồng đến 99 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng đã chỉ định sẵn trên website.

Sau khi xác định người chơi chuyển khoản thành công, hệ thống ghi nhận số tiền của tài khoản trên ứng dụng Auto Ads và người chơi bắt đầu mua các gói đầu tư có giá trị từ 180.000 đồng đến 540 triệu đồng để được hưởng lãi suất tương ứng từ 20-55%/một ngày.

Ngoài lợi nhuận trên, nhà đầu tư còn được hưởng hoa hồng giới thiệu theo mô hình đa cấp như giới thiệu trực tiếp F1 được 16%, giới thiệu gián tiếp F2 được 8%, F3 được 4% số tiền nhà dầu tư tương ứng nạp tiền thành công.

Với phương thức tương tự, kênh đầu tư tài chính BIS Holding (thường gọi là Leader) đưa ra mức lợi nhuận từ 10-15% mỗi tháng trên tổng số tiền đầu tư để lôi kéo người mới. Sau khi truy cập sàn BIS Holding, nhà đầu tư nạp vốn tham gia giao dịch (bằng USD) sẽ nhận được số điểm Investment Point tương ứng (1 USD = 1 Point).

một buổi

Một buổi "tập huấn" cho các nhà đầu tư tham gia tại Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Giang/DĐDN

Theo Cơ quan Công an, trong 90 ngày đầu, số vốn đầu tư này không thể rút, mà BIS Holding sẽ phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ nhất định. Sau thời 90 ngày, BIS Holding sẽ mở cổng thanh toán cho nhà đầu tư rút lãi khi đạt từ 100 USD trở lên. Ban đầu các đối tượng sẽ để nhà đầu tư rút lãi để tạo niềm tin, sau đó khi nhà đầu tư tiếp tục chuyển tiền để đầu tư thì BIS Holding đóng tài khoản, số tiền đã nạp vào cũng không thể rút ra được.

Cả ứng dụng Auto Ads và kênh đầu tư tài chính BIS Holding đều đặt máy chủ ở ngước ngoài. Hoạt động huy động vốn, mô hình trả thưởng, cách thức phát triển mạng lưới người tham gia có dấu hiệu của tội phạm “Vi phạm kinh doanh theo phương thức đa cấp” và tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, quy định tại Điều 217a và 290 Bộ luật hình sự.

hihi

Chính sách hoa hồng dành cho các nhà đầu tư tham gia vào dự án BIS. Ảnh: Nạn nhân cung cấp

Trước đó, cũng liên quan đến kênh đầu tư tài chính này, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có loạt bài điều tra về những hoạt động có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại một dự án tài chính có tên Broker Investment S.R.O (BIS). Ngay sau đó,hàng loạt các nạn nhân tại nhiều tỉnh thành liên tục có đơn tố cáo gửi Bộ Công an.

Ngày 25/5/2021, Đại tá Hoàng Văn Hà - Phó Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an (A09) đã có văn bản số 212/ANĐT-VP gửi tới Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ công an (C01) về việc chuyển đơn tố giác tội phạm của các nạn nhân cư trú tại các tỉnh, Thành phố Hà Nội, Ninh Bình, Hưng Yên, Tây Ninh.

Cụ thể, vào khoảng cuối năm 2020 đầu năm 2021, thông qua đối tượng có tên Huyền và Vũ Nguyễn Xuân Quý, các nạn nhân nêu trên có biết đến kênh đầu tư được cho là dạng "thanh khoản tài chính", có tên là Broker Investment S.R.O (hay còn gọi BIS) với tên miền: http://member.brokerinvestment.com.

Qua tìm hiểu và được đối tượng Huyền, Quý giới thiệu, các nạn nhân biết người có tên là Đảm, đối tượng này được cho là người đứng đầu BIS, có số điện thoại: 0962.333.93x, tài khoản facebook: Robert Nguyễn.

Để tin tưởng, các đối tượng giới thiệu rằng, dự án BIS thành lập bởi một công ty trực thuộc Ngân hàng Trung ương Cộng hòa Séc, được cấp phép hoạt động về lĩnh vực thanh khoản tài chính cho các sàn forex và sàn giao dịch vàng Motiwala tại Dubai.

Theo đó, sau khi được các đối tượng trên “tư vấn đầu tư”, 8 nạn nhân đã chuyển hơn 5 tỷ đồng vào trực tiếp tài khoản của bà Huyền và ông Quý. Tuy nhiên, nhiều lần thực hiện việc rút tiền không được, các nạn nhân mới nhận ra rằng đã bị “ăn quả lừa”, bởi sau khi tìm hiểu mới biết, BIS là một dự án lừa đảo…

Theo các nạn nhân, những người đứng đầu dự án BIS có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhiều người với số lượng lớn, trong đó có họ. Vì vậy, các nạn nhân đề nghị xác minh, điều tra làm rõ hành vi vi phạm của những người này để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đại diện A09 cho biết đã chuyển đơn của các nạn nhân tới Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ công an (C01) để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!

Có thể bạn quan tâm

  • BIS: Nhà cung cấp thanh khoản hay mô hình đầu tư lừa đảo?

    BIS: Nhà cung cấp thanh khoản hay mô hình đầu tư lừa đảo?

    04:30, 10/05/2021

  • BIS - Mô hình đa cấp tài chính (Bài 2): “Vạch mặt” nhóm đối tượng lừa đảo

    BIS - Mô hình đa cấp tài chính (Bài 2): “Vạch mặt” nhóm đối tượng lừa đảo

    11:06, 14/05/2021

  • Tiếp vụ BIS - đa cấp tài chính lừa đảo (Bài 3): Bộ Công an vào cuộc

    Tiếp vụ BIS - đa cấp tài chính lừa đảo (Bài 3): Bộ Công an vào cuộc

    04:30, 30/05/2021

NGUYỄN GIANG