Lừa đảo đầu tư vaccine nhận lãi “khủng”
Nghe lời “đường mật” đầu tư vào vaccine trong thời điểm dịch bệnh sẽ đem lại lợi nhuận cao, nhiều người đã mất trắng hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng khi các ứng dụng kiếm tiền bị sập…
Theo đó, gần đây trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt các lời mời gọi, quảng cáo về những website, ứng dụng trực tuyến đầu tư với lời hứa hẹn thu lãi "khủng" hàng nghìn %/năm. Nổi bật trong đó là những mô hình hoạt động dưới hình thức đầu tư vào các gói vaccine, thiết bị y tế.
Những mô hình như trên đánh trúng vào tâm lý, hoàn cảnh của rất nhiều người khi công việc, thu nhập truyền thống của họ bị ảnh hưởng. Một bộ phận người dân có xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư online trong dịch COVID-19.
Một trong các ứng dụng điển hình của mô hình trên có tên “r383”. Trong quá trình tìm hiểu về ứng dụng từng gây sốt trên các diễn đàn kiếm tiền trực tuyến này. Một người chơi đã giới thiệu với phóng viên, việc đầu tư vaccine qua ứng dụng này rất đơn giản.
“Ban đầu chỉ cần bỏ ra hơn 1 triệu đồng là có thể thu lãi hàng trăm nghìn đồng mỗi ngày”, người này giới thiệu.
Theo đó, ứng dụng r838 hoạt động dưới hình thức đầu tư vào các gói vaccine, thiết bị y tế và thường được đặt theo tên một số loại vaccine nổi tiếng trên thế giới. Đầu tư với số tiền càng cao, thì tiền lãi người dùng được hứa hẹn sẽ càng lớn. Chẳng hạn như gói đầu tư có tên “vaccine Vacuna” yêu cầu phải đóng số tiền tối thiểu 310.000 đồng/lần, người dùng sẽ thu lãi 7% mỗi ngày.
Trong khi đó, gói đầu tư “Vaccine Pfizer BiNtech” trên app lại yêu cầu người chơi phải đóng số tiền tối thiểu 1,2 triệu đồng với lãi suất 8,4% và hoạt động trong 10 ngày. Bất kỳ ai rót vốn vào ứng dụng đều được người tư vấn của ứng dụng hứa hẹn sẽ trả lãi và hoàn lại số tiền gốc sau khi hết thời gian đầu tư.
Đồng thời, với lời giới thiệu hấp dẫn, nhiều người chơi đã được các nhân viên vận hành ứng dụng hứa hẹn sẽ trả lãi suất rất cao nếu như kêu gọi được bạn bè, người thân cùng tham gia. Khi chính thức gia nhập vào các hội nhóm, thành viên sẽ nhận được những ưu đãi đặc biệt từ chủ ứng dụng như: Các chương trình tặng tiền, tăng mức hoa hồng, chiết khấu, phần thưởng khuyến mãi…
Tin vào một cơ hội đầu tư tiềm năng, nhiều người dân quyết định xuống tiền đầu tư nhanh chóng. Đáng chú ý, chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động, gần đây, ứng dụng đầu tư r838 này đã bất ngờ bị sập. Sự việc khiến hàng loạt nhà đầu tư chao đảo, nguy cơ mất trắng số vốn đã bỏ ra.
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn Mùi (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) cho biết, anh tin theo một người bạn giới thiệu, chẳng cần làm gì cũng được trả lãi vài triệu đồng mỗi ngày, trong khi chỉ cần bỏ 30 triệu đồng nạp vào gói vaccine Pfizer BiNtech.
“Chưa kịp nhận lãi thì ứng dụng này đã bất ngờ bị sập. Tôi tìm vào các hội nhóm trên mạng xã hội mới biết đã có rất nhiều người giống tôi bị lừa bởi ứng dụng này”.
Anh Mùi còn cho biết thêm, ứng dụng "r838" đã sập khiến cho rất nhiều người dùng lao đao. Trước đó, ứng dụng này còn có "chuyến tàu vét" khi cho phép người dùng chỉ có thể nạp tiền mà không rút được tiền.
Đến một ngày gần đây, toàn bộ các trưởng nhóm tư vấn nhiệt tình về ứng dụng này cũng bất ngờ “biến mất”, hoặc từ chối hỗ trợ các thành viên khi gặp sự cố.
Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), đây là một kiểu tấn công lừa đảo điển hình trên Internet thời gian qua.
Mặc dù sử dụng kỹ thuật cũ nhưng lại mang nội dung, thông tin theo cách mới, lại liên quan đến sử dụng các sản phẩm dịch vụ liên quan đến phòng chống, chữa trị Covid-19 vốn là vấn đề được quan tâm, làm cho người dân mất cảnh giác và dễ dàng sập bẫy.
"Giai đoạn này, người dân có nhu cầu tìm kiếm thông tin về nhu yếu phẩm, hay khám chữa bệnh qua Internet. Nhiều người gặp khó khăn về tài chính và muốn kiếm tiền dễ dàng. Lợi dụng tình hình đó, kẻ xấu đã thực hiện nhiều hành vi lừa đảo, trục lợi qua không gian mạng", NCSC cho biết.
Theo các chuyên gia về không gian mạng, người dùng có thể nhận diện mô hình lừa đảo đầu tư online qua một số dấu hiệu như: kêu gọi đầu tư làm giàu nhanh; lãi với lãi suất cực cao; không thể tải về trên các kho ứng dụng như App Store hoặc CH Play, mà phải tải qua đường link lạ, tiền nạp thường chuyển vào tài khoản cá nhân, phát triển theo mô hình đa cấp.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!
Có thể bạn quan tâm
"Robot AI" đa cấp lừa đảo thời công nghệ số
04:08, 12/07/2021
App đa cấp lừa đảo nở rộ, nguyên nhân từ đâu?
04:30, 01/05/2021
BIS: Nhà cung cấp thanh khoản hay mô hình đầu tư lừa đảo?
04:30, 10/05/2021
BIS - Mô hình đa cấp tài chính (Bài 2): “Vạch mặt” nhóm đối tượng lừa đảo
11:06, 14/05/2021
Tiếp vụ BIS - đa cấp tài chính lừa đảo (Bài 3): Bộ Công an vào cuộc
04:30, 30/05/2021
Kênh đầu tư tài chính BIS Holding có dấu hiệu tội phạm
04:00, 02/08/2021