Hoàn tất điều tra chống bán phá giá đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô
Bộ Công Thương quyết định chấm dứt điều tra vì mối quan hệ giữa hành vi bán phá giá hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước chưa được thể hiện rõ ràng.
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: Ngày 21/5/2020, Bộ Công Thương nhận được hồ sơ của một số công ty đại diện cho ngành sản xuất trong nước yêu cầu điều tra, áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô (HFCS) có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc nhập khẩu vào Việt Nam.
Căn cứ kết quả thẩm định hồ sơ, ngày 29/6/2020, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1715/QĐ-BCT tiến hành điều tra vụ việc.
Sau hơn 15 tháng điều tra theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản pháp luật về phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã thu thập thông tin, tổng hợp ý kiến các bên liên quan, xem xét và đánh giá kỹ lưỡng về những tác động của sản phẩm HFCS nhập khẩu với ngành sản xuất trong nước và mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất của Trung Quốc và Hàn Quốc.
Kết quả điều tra cho thấy các sản phẩm đường lỏng HFCS nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc đang được bán phá giá tại thị trường Việt Nam và có thiệt hại tới ngành sản xuất trong nước, tuy nhiên mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá của hàng hóa bị điều tra nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước chưa được thể hiện rõ ràng.
Do vậy, căn cứ quy định của pháp luật về phòng vệ thương mại của Việt Nam và Hiệp định Chống bán phá giá của Tổ chức Thương mại Thế giới, trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các bên liên quan gồm đại diện ngành sản xuất trong nước, Bộ Công Thương quyết định chấm dứt điều tra vụ việc.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi sát tình hình nhập khẩu HFCS từ các nguồn vào Việt Nam để kịp thời có biện pháp phù hợp, theo đúng cam kết quốc tế và pháp luật trong nước nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước cũng như của người tiêu dùng.
Về vấn đề phòng vệ thương mại trước ngưỡng cửa hội nhập, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập cho biết đối với phòng vệ thương mại, các thị trường lớn sử dụng công cụ này đối với các hàng hóa có năng lực cạnh tranh tốt và xuất khẩu mạnh của Việt Nam.
Ví dụ như ở thị trường Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) tiến hành điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp với hàng hóa xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh như thủy sản, giày da...
Thời gian gần đây, không chỉ là những thị trường lớn hay mặt hàng có thế mạnh mà ngay cả những mặt hàng mà doanh nghiệp Việt Nam mới tìm được con đường xuất khẩu hoặc thấy được tiềm năng xuất khẩu thì đã là đối tượng của các vụ kiện phòng vệ thương mại. Đặc biệt điều này đang diễn ra ở những thị trường nhỏ và ngay cả ở khu vực ASEAN.
Kiện phòng vệ thương mại là quá trình đấu tranh pháp lý, kỹ thuật để doanh nghiệp có thể bảo vệ trước khiếu nại của các ngành sản xuất nội địa ở các thị trường nhập khẩu. Vì vậy, việc doanh nghiệp có thể đạt được kết quả thế nào trong các vụ kiện phòng vệ thương mại phụ thuộc rất nhiều vào chính nỗ lực của doanh nghiệp trong việc chuẩn bị.
Kiện phòng vệ thương mại là hình thức tương đối đặc thù và phức tạp, việc chuẩn bị cho các vụ kiện phòng vệ thương mại ở nước ngoài của doanh nghiệp phải tiến hành không chỉ khi vụ kiện đã xảy ra mà ngay cả trước khi có vụ kiện.
Các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị những giấy tờ, chứng từ để chứng minh cho chi phí sản xuất. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần duy trì hệ thống kế toán minh bạch, bởi khi vụ kiện đã xảy ra thì không quay trở lại để sắp xếp.
Đồng thời, doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi các hệ thống cảnh báo về nguy cơ phòng vệ thương mại để chuẩn bị trước. Bởi sớm một ngày thì doanh nghiệp có lợi một ngày.
Hiện có những hệ thống cảnh báo như từ các đối tác của doanh nghiệp ở nước ngoài, từ cơ quan quản lý nhà nước như Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hiệp hội ngành nghề...
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chuẩn bị về nguồn nhân lực, vật lực cho các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Tuy nhiên, khi bị kiện phòng vệ thương mại thì doanh nghiệp cũng cần xác định chiến lược của mình ở thị trường bị kiện. Không phải bất kỳ vụ kiện nào cũng phải tham gia đến cùng, nếu doanh nghiệp xác định đó là thị trường không thể bỏ được thì đầu tư tham gia. Còn nếu xác định là thị trường tạm thời hay tập trung vào thị trường khác thì doanh nghiệp cần chuyển hướng và không nên quá để ý.
Khi tham gia vụ kiện phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần có chiến lược bài bản và trong bất kỳ vụ kiện nào, sự tham gia của một mình doanh nghiệp là chưa đủ mà cần có sự hỗ trợ về mặt pháp lý của chuyên gia về lĩnh vực này.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại
22:59, 02/10/2021
Doanh nghiệp học cách ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại
05:00, 19/09/2021
Hàng xuất khẩu Việt “dính” 207 vụ điều tra phòng vệ thương mại
17:36, 30/08/2021
Tiếp nhận hồ sơ đề nghị miễn trừ biện pháp phòng vệ thương mại sản phẩm thép và phân bón
17:45, 04/03/2021