Chủ tịch Quốc hội: Soạn Luật Sở hữu trí tuệ thì phải rất trí tuệ

NGUYỄN VIỆT 21/10/2021 22:20

Luật Sở hữu trí tuệ là dự án luật khó, nên soạn Luật Sở hữu trí tuệ thì phải rất trí tuệ, chúng ta mới làm được luật này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại cuộc thảo luận tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, ngày 21/10.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định dự án luật có chất lượng tốt, cơ bản đáp ứng được các yêu cầu về cam kết quốc tế.

Về 2 vấn đề Chính phủ xin ý kiến, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Thường vụ đã bàn rất kỹ. “Về nội dung chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, sáng kiến, dự án… được tài trợ từ NSNN, chúng tôi thống nhất với phương án giao cho cơ quan chủ trì thực hiện. Tuy nhiên, đúng như Bộ trưởng Bộ Tư pháp nói, giao nhưng cũng phải tính đến cơ chế phân chia hợp lý. Những sáng kiến, phát minh nhỏ thì không nói, nhưng có những thứ rất lớn, mang lại lợi ích, mà tiền nhà nước bỏ ra, nhưng chỉ có đơn vị, cá nhân thụ hưởng, Nhà nước không có gì, cũng không được. Cần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, tác giả và cơ quan chủ trì”, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Về vấn đề thu hẹp xử phạt hành chính đối với quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: “Qua nghiên cứu kỹ thấy rằng đối với những nước đang phát triển như Việt Nam, rất cần bảo vệ sở hữu trí tuệ, phải nghiêm hơn, thậm chí phải xử phạt hình sự. Trong khi, phạt hành chính tiện lợi ở chỗ cả người bị phạt và người được phạt đều chấp nhận và giải quyết rất nhanh”.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trong lúc đang phát triển và coi trọng sở hữu trí tuệ, nên chăng không nhất thiết phải sửa? Vì lập luận để sửa chưa có gì thuyết phục, trong khi luật đang vận hành, cũng không vướng mắc gì, xử phạt xong là xong, chi phí thực thi pháp luật rất nhanh.

Chúng ta cần phải làm nghiêm việc này thì đất nước mới phát triển. Chứ toàn ăn cắp trí tuệ, ăn cắp ý tưởng của nhau làm sao đất nước phát triển được”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cũng tại phiên thảo luận tổ, liên quan đến việc thu hẹp phạm vi xử lý hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đại biểu Trần Công Phàn (Bình Dương) cho rằng, Báo cáo tổng kết thi hành Luật Sở hữu trí tuệ cho thấy việc xử lý các vụ tranh chấp, xâm phạm quyền bằng biện pháp dân sự tại Tòa án chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với hàng chục nghìn các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý bằng biện pháp hành chính và tập trung chủ yếu vào các tranh chấp liên quan đến lĩnh vực quyền tác giả. 

"Với thực trạng như vậy, nếu loại bỏ biện pháp xử phạt hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền liên quan đến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí sẽ dẫn đến khoảng trống pháp luật trong việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tăng thêm gánh nặng cho hệ thống Tòa án hiện đang quá tải, cũng như tạo thêm thách thức cho đương sự khi sử dụng biện pháp tố tụng dân sự", đại biểu phân tích và đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành.

Còn đại biểu Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh) cho rằng, quy định cụ thể về việc quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học - công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được trao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, đồng thời quy định bảo lưu quyền của Nhà nước trong một số trường hợp cũng như nghĩa vụ của tổ chức chủ trì.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt.

Đại biểu cho rằng quy định như vậy là phù hợp với chủ chương của Đảng, khuyến khích các cá nhân, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước đăng ký xác lập sở hữu trí tuệ dưới sự quản lý của Nhà nước.

Trước đó, trình Quốc hội tờ trình tóm tắt Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nêu rõ, sau 16 năm thi hành từ khi được ban hành năm 2005 đến nay, Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật đối với loại tài sản đặc biệt này.

Tuy nhiên, bối cảnh phát triển hiện nay đã có nhiều thay đổi so với năm 2005. Việt Nam không còn thuần túy là nước “sử dụng tài sản trí tuệ” mà đang chuyển mạnh sang là nước tạo ra tài sản này phục vụ cho mô hình tăng trưởng theo chiều sâu.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ vào năm 2009 và 2019 không đáng kể, chưa tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cũng như chưa đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ và hiệu quả đối với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ.

Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Theo tờ trình của Bộ Khoa học và Công nghệ, ở lần sửa đổi này, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 92 điều (bổ sung 12 điều, sửa đổi 80 điều) và bãi bỏ 2 điều. Tổng số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sau khi sửa đổi gồm 232 điều.

Cũng trong Tờ trình, Chính phủ xin ý kiến của Quốc hội đối với 2 nội dung chính: Quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước và xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Có thể bạn quan tâm

  • Đề xuất 7 quyền hạn của cảnh sát cơ động

    Đề xuất 7 quyền hạn của cảnh sát cơ động

    16:54, 21/10/2021

NGUYỄN VIỆT